1. Quyền sở hữu tài sản trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến năm 1992
- Hiến pháp năm 1946: Hiến pháp năm 1946 quy định về việc bảo hộ các quyền công dân, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và các quyền tài sản khác. Nhà nước cho phép người dân được tự do mua bán, chuyển nhượng, tạo điều kiện cho các chủ thể khai thác, sử dụng đất đai có hiệu quả, Điều 12 ghi nhận: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Quy định này được đánh giá là thật sự dân chủ, nhân quyền, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng khi đó là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”[1].
- Hiến pháp năm 1959: Điều 18 ghi nhận: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác”, như vậy, Nhà nước đã công nhận và bảo hộ người lao động riêng lẻ và quyền sở hữu của các nhà tư bản đối với các tư liệu sản xuất mà họ đang được phép sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ghi nhận thừa kế là một quyền được pháp luật bảo hộ, Điều 19 nêu rõ: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân”, quy định này nhằm bảo đảm quyền định đoạt tài sản cá nhân đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình, tạo cơ chế khuyến khích phát huy sức lao động của con người không chỉ tạo ra của cải phục vụ nhu cầu khi sống mà còn có của cải để dành cho người thân sau khi chết. Hiến pháp thừa nhận sự tồn tại của 04 hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất tại Điều 11, bao gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu hợp tác xã, sở hữu của những người lao động riêng lẻ và sở hữu của nhà tư sản dân tộc.
- Hiến pháp năm 1980: Hiến pháp năm 1980 không công nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân và các thành phần kinh tế tương ứng như Hiến pháp năm 1959 mà đặt trọng tâm về vấn đề sở hữu toàn dân. Theo đó, quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 1987, năm 1993 và năm 2003. Các cá nhân, hộ gia đình không có quyền sở hữu về đất đai nhưng có quyền sử dụng, khai thác, chuyển nhượng tài sản trên đất của mình. Nếu trên đất không có tài sản thì không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kể cả việc thừa kế quyền sử dụng đất. Trên thực tế, thời kỳ này, tài sản mà các hộ gia đình có quyền sở hữu cũng chủ yếu là tư liệu tiêu dùng, dẫn đến các giao dịch dân sự thời kỳ này vẫn chủ yếu là giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cá nhân và gia đình của họ[2].
- Hiến pháp năm 1992: Đây là bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ đổi mới, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều 15 khẳng định: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”. Nhà nước tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát huy mọi tiềm năng của mình để phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau (Điều 16).
Hiến pháp năm 1992 đã khôi phục lại phạm vi và đối tượng quyền sở hữu của công dân, phù hợp với chính sách kinh tế mới và quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 17 và Điều 18. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân” (Điều 58). Như vậy, phạm vi quyền sở hữu của công dân ngày càng được mở rộng, nhất là quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất nói chung và quyền sử dụng đất đai nói riêng - điều mà Hiến pháp năm 1980 đã không thừa nhận. Tuy nhiên, những quy định về sở hữu trong Hiến pháp năm 1992 vẫn còn những hạn chế nhất định. Các quy định về sở hữu toàn dân, nhất là đối với đất đai chưa được cụ thể hóa một cách đầy đủ, chưa làm rõ được quyền của nhân dân với tư cách là chủ sở hữu; vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu.
Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ năm 1945, Hiến pháp năm 1992 đề cập đến khái niệm quyền con người (Điều 50). Mặc dù, quy định này còn gây ít nhiều tranh cãi bởi nó đồng nhất giữa quyền con người và quyền công dân, song việc đề cập cụ thể đến khái niệm quyền con người có thể coi là một bước tiến rất lớn trong lịch sử lập hiến của Việt Nam.
Với tinh thần nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền con người, ngày 12/12/2001, Quốc hội khóa X đã thông qua Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, trong đó có cụ thể thêm một số quy định về sở hữu như: Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng (Điều 15) và Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hóa (Điều 25).
2. Quyền sở hữu tài sản trong Hiến pháp năm 2013 và việc thể chế hóa trong hệ thống pháp luật
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận quyền sở hữu nhằm xác định mối quan hệ giữa các chủ thể trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Điều 32 quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Đồng thời, Điều 32 cũng khẳng định: “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Như vậy, so với các bản Hiến pháp trước kia, quyền sở hữu trong Hiến pháp năm 2013 đem lại những nhận thức pháp lý mới[3]. Chủ thể của quyền sở hữu tư nhân được mở rộng từ “công dân” sang “mọi người” đã đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, khi mà các thể nhân, pháp nhân nước ngoài làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều tại Việt Nam.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định, sở hữu toàn dân phải là một hình thức sở hữu độc lập và vị trí này đã được ghi nhận trong Điều 53, theo đó, “đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Các nội dung của quyền sở hữu trong Hiến pháp năm 2013 đã được cụ thể hóa tại các văn bản luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, điển hình như:
- Bộ luật Dân sự năm 2015:
+ Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận sự bình đẳng giữa các chủ sở hữu tài sản thông qua quy định tại khoản 1 Điều 3, theo đó, mọi cá nhân, pháp nhân đều “được bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định việc áp dụng chung thời hiệu xác lập quyền sở hữu do chiếm hữu, được lợi không có căn cứ pháp luật mà không phân biệt tài sản đó thuộc sở hữu của ai (Nhà nước hay tư nhân).
+ Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc tự do sở hữu thông qua quy định về việc không hạn chế về số lượng và giá trị của tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân, đây được coi là một bảo đảm pháp lý quan trọng cho việc thực thi quyền tự do sở hữu ở nước ta (khoản 2 Điều 205).
+ Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định nội dung của quyền sở hữu và cơ chế bảo vệ: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật (Điều 158). Khẳng định quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình (Điều 163). Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất cứ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình; yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 169, Điều 170).
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định cụ thể hơn về quyền của các chủ thể khác không phải là chủ sở hữu đối với tài sản của người khác nhằm khuyến khích các chủ sở hữu đầu tư, chuyển giao tài sản cho người khác để khai thác, sử dụng, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển, phát huy cao nhất giá trị hàng hóa của tài sản (từ Điều 245 đến Điều 273).
- Luật Đất đai năm 2013: Quy định về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu của toàn dân đối với đất đai và thống nhất quản lý, Nhà nước có trách nhiệm bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất (Điều 54). Khi Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng... Đồng thời, Luật dành Chương XI quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Quy định các trường hợp xâm phạm sở hữu tại Chương XVI là tội phạm. Quy định phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với 08 tội xâm phạm sở hữu.
- Luật Nhà ở năm 2014: Để bảo đảm mọi công dân đều có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 cũng mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở xã hội và mở rộng chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, đối với từng đối tượng cụ thể thì Nhà nước có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho họ được sở hữu nhà ở như: Hỗ trợ việc cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi Nhà nước, hỗ trợ xây dựng...
3. Một số hạn chế, bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân, là tiền đề phát sinh các quyền kinh tế, dân sự khác như quyền kinh doanh, quyền tham gia các giao dịch… Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được như: Người dân được bảo vệ quyền sở hữu, được chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản theo ý chí của mình... thì vẫn còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sở hữu trên thực tế, đòi hỏi Nhà nước cần có biện pháp khắc phục trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để cá nhân, công dân tự kiểm soát, bảo vệ tài sản của mình, tránh mọi hành vi can thiệp từ phía cơ quan công quyền.
- Về vấn đề khai thác tài sản công: Những năm gần đây, ở Việt Nam diễn ra xu hướng cá thể hóa chế độ sở hữu dưới dạng “cổ phần hóa” những tài sản của Nhà nước thuộc sở hữu toàn dân bị chiếm đoạt, khai thác không có trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí. Điều này thể hiện ở sự lúng túng, kém hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản của Nhà nước thuộc sở hữu toàn dân[4]. Vì vậy, Hiến pháp và pháp luật cần phải có những quy định cụ thể về vấn đề sở hữu nhằm tránh tình trạng “của chung tức là không của ai”. Đồng thời, cần tạo ra cơ chế kinh tế - chính trị tối ưu để nâng cao hiệu quả bảo vệ và khai thác tài sản công nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước và nhân dân.
- Về thành phần kinh tế nhà nước: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, cho dù có tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhưng thành phần kinh tế quốc doanh dựa trên chế độ sở hữu toàn dân vẫn phải chiếm thị phần lớn hơn, chế độ sở hữu toàn dân phải là nền tảng. Tuy nhiên, chế độ sở hữu ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa ổn định, vẫn đang có sự chuyển dịch về thị phần giữa các thành phần kinh tế. Do vậy, vấn đề quan trọng mà các nhà làm luật phải đưa ra được là kinh tế nhà nước thuộc sở hữu toàn dân sẽ chiếm thị phần ít nhất là bao nhiêu trong nền kinh tế quốc dân, vai trò chủ đạo của nó thể hiện ở chỗ nào và cần có những giải pháp hữu hiệu, thiết thực gì để nâng cao hiệu quả của chế độ công hữu[5].
- Về quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn thi hành:
+ Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đưa đến một số thách thức đối với pháp luật về quyền sở hữu, ví dụ như: Trong thời kỳ này, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain)... và việc ứng dụng chúng đã làm xuất hiện những loại “tài sản” mới, phi truyền thống. Sự xuất hiện những mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ và các tài sản mới phát sinh (ví dụ như 03 loại tài sản mới là: Tài sản mã hóa phát triển dựa trên công nghệ chuỗi khối; sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo và các dữ liệu cá nhân được tạo ra trên môi trường số[6]) đang làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, qua đó có những tác động đến hệ thống pháp luật, đặt ra những đòi hỏi mới về xác định, bảo vệ và chuyển giao sở hữu như: Pháp luật Việt Nam hiện hành có thừa nhận các loại tài sản mới phát sinh nói trên là một loại “tài sản” không? Các loại tài sản mới phát sinh này có được mua bán, chuyển giao, để thừa kế… như các tài sản thông thường hay không? Có được huy động vốn qua các kênh mới ICO, STO không?[7] Làm thế nào để Nhà nước có thể quản lý sự lưu hành, giao dịch của các loại “tài sản” này trong khi vẫn bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan đồng thời ngăn chặn được các hành vi lạm dụng và các hành vi vi phạm pháp luật (như lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố[8])? Việc các tài sản mới chưa được công nhận chính thức dẫn đến quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân đối với đối tượng này cũng không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một loạt các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng cũng không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp...
Do vậy, trên cơ sở khung pháp luật về tài sản và sở hữu hiện nay, cần bổ sung các quy định mang tính đặc thù cho các loại tài sản phi truyền thống, ví dụ: Về việc sử dụng tài sản mã hóa, trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, việc không coi tài sản mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp như quan điểm hiện nay của Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên, có thể tính toán để thừa nhận việc lưu hành một cách hạn chế đối với một số loại tài sản mã hóa theo điều kiện Nhà nước quy định và thiết kế cơ chế kiểm soát việc lưu hành loại tài sản mã hóa nhằm minh bạch hóa và kiểm soát được các vấn đề về sở hữu, nghĩa vụ thuế... liên quan tới giao dịch trên thị trường.
+ Trong biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu thì biện pháp đăng ký quyền sở hữu là biện pháp rất hiệu quả, tuy nhiên, để xác định những loại tài sản nào phải đăng ký thì không chỉ dựa vào Bộ luật Dân sự mà còn dựa vào các văn bản pháp luật chuyên ngành (Bộ luật Hàng hải, Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng...). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc đăng ký tài sản ở Việt Nam hiện nay được thực hiện chưa thực sự nghiêm túc. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính còn rườm rà, lệ phí cao so với mức sống trung bình của người dân, song nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa tốt. Đây là một thực tế gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp xảy ra.
Vì vậy, cần hoàn thiện pháp luật và thiết chế đăng ký tài sản theo hướng: Bộ luật Dân sự cần đưa ra những nguyên tắc chung về đăng ký tài sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký... sớm ban hành Luật về đăng ký tài sản nhằm pháp điển hóa các quy định về đăng ký tài sản còn đang nằm rải rác ở các văn bản pháp luật chuyên ngành; sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng hạn chế việc Chính phủ thu hồi đất cho phát triển các dự án bất động sản và phát triển kinh tế, xây dựng nhà ga, nhà hát, khu vui chơi… xác định rõ tiêu chí thế nào là lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng để tránh những trường hợp thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế.
ThS. Lưu Thị Phấn
Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Hiến pháp Việt Nam (các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 7.
[2]. Đinh Xuân Thảo, Nguyễn Thị Dung, Về chế độ sở hữu trong Hiến pháp năm 1992 và việc sửa đổi, bổ sung, http://tapchiqptd.vn/vi/tuyen-truyen-ve-thuc-hien-hien-phap/ve-che-do-so-huutrong-hien-phap-nam-1992-va-viec-sua-doi-bo-sung/1745.html.
[3]. Quyền sở hữu tư nhân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, quyền này không được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 do trong giai đoạn này Nhà nước ta không thừa nhận thành phần kinh tế tư nhân. Đến Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ đổi mới thì quyền sở hữu tư nhân lại được ghi nhận và tiếp tục được kế thừa và phát triển trong Hiến pháp năm 2013.
[4]. Nguyễn Minh Đoan, Chế độ sở hữu ở Việt Nam (28/2/2011), Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử.
[5]. Nguyễn Minh Đoan, Chế độ sở hữu ở Việt Nam (28/2/2011), Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử.
[6]. Chu Thị Hoa, Tài sản và quyền sở hữu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Kinh tế chia sẻ, trong “Tài liệu Lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp vê quyền sở hữu”, Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội, tháng 6/2022.
[7]. Chu Thị Hoa, Một số vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến tài sản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, https://khpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=181.
[8]. Vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ (Chu Thị Hoa, Singapore với cơ chế pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế Sandbox, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2460).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)