Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, đại diện các đơn vị Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Công nghệ thông tin.
Thay mặt Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng chí Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật báo cáo kết quả công tác. Đồng chí cho biết, trong năm 2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.
Cục đã tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Đề án lớn về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); tiếp nhận, triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phát huy tốt vai trò là đơn vị giúp việc cho Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục Trung ương; tham mưu Chủ tịch Hội đồng ban hành Kế hoạch hoạt động và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai; tham mưu triển khai 10 đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cục và thực hiện lồng ghép với các chương trình, mục tiêu quốc gia.
Công tác PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được Cục thực hiện thành công các nhiệm vụ theo đúng Kế hoạch đề ra, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương; nắm bắt, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương. Năm 2024, Cục đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh doanh pháp luật với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với sự tham gia của hơn 3.700 đại biểu. Diễn đàn đã tạo được tiếng vang lớn, mang đậm dấu ấn của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời, trong năm 2024, Cục đã ký thỏa thuận hợp tác, phối hợp với Cục Báo chí, Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông và với 11 cơ quan báo, đài đã xây dựng, đăng tải hơn 500 tin, bài trên website, các fanpages do Cục xây dựng, quản lý. Bên cạnh đó, Cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL cũng như trong các hoạt động, công tác khác.
Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Công tác hòa giải ở cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng, thực hiện thành công, hiệu quả các nhiệm vụ đã được phê duyệt. Đặc biệt, Cục đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ: Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, ban hành Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”.
Công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt được nhiều kết quả tích cực. Cục đã hướng dẫn địa phương sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh.
Các văn bản, chương trình, đề án về PBGDPL đã được Cục quan tâm, triển khai dưới nhiều hình thức. Cục đã tổ chức thành công 76 tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các lĩnh vực quản lý, hướng về địa phương, trong đó có 17 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Đồng thời, Cục đã đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, nhất là cho các địa phương.
Đối với các nhiệm vụ khác, Cục cũng thực hiện thành công các nhiệm vụ khác như bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, thực hiện thành công các hoạt động hợp tác quốc tế; phối hợp tốt với các đơn vị trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; góp ý các văn bản do các đơn vị gửi đến và thực hiện thành công, đạt chất lượng, hiệu quả theo đúng tiến độ các nhiệm vụ khác được Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ giao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, triển khai nhiệm vụ, năm 2024, Cục còn một số tồn tại, hạn chế, như: còn thiếu nhân sự, nguồn lực nên một số nhiệm vụ còn chậm thực hiện, chưa có kết quả cụ thể; một số nhiệm vụ mới được giao nhưng không được giao biên chế, chậm giao kinh phí; phải triển khai nhiều nhiệm vụ đột suất; công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhất là ở địa phương còn chậm, hiệu quả chưa cao; một số nhiệm vụ quan trọng nhưng không được bố trí kinh phí nên không thể triển khai được.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng theo Kế hoạch công tác năm 2024 được phê duyệt, Cục đã triển khai thực hiện 68/70 nhiệm vụ được giao, trong đó đã hoàn thành 64 nhiệm vụ (đạt 91,4%); đang triển khai 05 nhiệm vụ (có 2 nhiệm vụ chậm, 03 nhiệm vụ không được cấp kinh phí năm 2024); không được cấp kinh phí triển khai 01 nhiệm vụ.
Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác đã đạt được trong năm 2024, những hạn chế, khó khăn vướng mắc, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã đề ra 68 nhiệm vụ cụ thể và phương hướng, giải pháp thực hiện cho năm 2025 theo các nhóm: tham mưu, đổi mới công tác PBGDPL, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật; hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật về PBGDPL; thực hiện Đề án hợp nhất với Cục Trợ giúp pháp lý và triển khai công việc ngay sau hợp nhất không để ảnh hưởng đến công việc; thực hiện thành công các lĩnh vực chuyên môn đã được phê duyệt; tham mưu thực hiện, triển khai có hiệu quả các lĩnh vực công tác được giao với 11 đề án, nhất là Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những tựu, kết quả công tác mà Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được trong năm 2024. Những kết quả mà Cục đạt được đã đóng góp, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công các hoạt động công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để giúp Cục thực hiện thành công, đạt chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ công tác năm 2025, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Đồng chí Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
Theo đồng chí Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, năm 2025 có nhiều sự kiện đặc biệt của đất nước cũng như của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp… Vì thế, đề nghị Cục cần nghiên cứu, triển khai sớm và phối hợp tốt với các đơn vị có liên quan trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Đồng chí Lê Thu Anh - Phó Chánh Văn phòng Bộ cho biết, Đề án chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL đang trình Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, Cục cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị ngay các nguồn lực để thực hiện triển khai sau khi Đề án được ban hành.
Đại diện Cục Công nghệ thông tin đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nghiên cứu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động công tác của Cục, nhất là thực hiện triển khai Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Trong bối cảnh hiện nay nếu không ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì việc thực hiện, triển khai công việc sẽ không đạt chất lượng, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thị Hường đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Trợ giúp pháp lý cần phối hợp tốt với nhau để thực hiện triển khai các nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện, triển khai các chương trình, mục tiêu quốc gia; tăng cường hoàn thiện thể chế; thực hiện tốt công tác cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các hoạt động hợp tác quốc tế.
Về thể chế tổ chức hoạt động, đồng chí Bùi Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị cần sớm hoàn thiện quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo đề án sáp nhập. Bên cạnh đó, đề nghị Cục thực hiện tốt nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin.
Đồng chí Trương Thế Côn - Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Về công tác phối hợp trong thực hiện triển khai công tác, đồng chí Trương Thế Côn - Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đề nghị Cục phối hợp, hợp tác tốt hơn nữa với các đơn vị nhất là các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin sớm cho các cơ quan báo chí… để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu chỉ đạo, năm 2024, về cơ bản Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực hiện thành công, đạt chất lượng, hiệu quả nhiều hoạt động công tác theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như trong công tác chuyên môn thực hiện chưa có điểm nhấn, chưa có trọng tâm, trọng điểm; Cục chưa gắn kết các hoạt động chuyên môn với phong trào thi đua khen thưởng… Vì vậy, năm 2025, trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, Thứ trưởng đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cần có giải pháp, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, đánh giá tác động và triển khai các công việc liên quan đến thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cục cần nghiên cứu, sớm có giải pháp thực hiện việc hợp nhất giữa Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật với Cục Trợ giúp pháp lý, như sắp xếp tổ chức, bộ máy, bố trí nhân sự, triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, Cục cần phải quan tâm đánh giá tình hình, bối cảnh mới để xác định nhiệm vụ công tác trong năm 2025, như cuộc cách mạng tổ chức bộ máy hiện nay có tác động gì đến hoạt động truyền thông chính sách, việc thực hiện hoạt động truyền thông chính sách liên quan đến sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy hiện nay; các yêu cầu, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới công tác giáo dục pháp luật; đổi mới công tác giáo dục pháp luật trong bối cảnh mới, kỷ nguyên mới. Việc thực hiện, triển khai Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL...
Thứ hai, về công tác tham mưu. Cục cần quan tâm, tham mưu Hội đồng phổ biến, giáo dục Trung ương hướng dẫn toàn diện, liên thông từ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng đến pháp luật của Nhà nước, thể hiện tính toàn diện trong hoạt động PBGDPL. Tham mưu cho Hội đồng trong việc giao trách nhiệm, công việc cho từng thành viên và hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các công việc trong hoạt động PBGDPL.
Thứ ba, về phối hợp với các cơ quan báo chí. Cục cần phát huy vai trò quan trọng của cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác PBGDPL trong bối cảnh mới, các cơ quan báo chí tinh gọn đầu mối; nghiên cứu, đề xuất lựa chọn những cơ quan báo chí chủ lực để thực hiện các hoạt động truyền thông chính sách; nghiên cứu, đề xuất thực hiện trao giải nhằm tôn vinh cơ quan báo chí liên quan đến công tác truyền thông chính sách và các cá nhân, tổ chức tuân thủ nghiêm pháp luật. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động PBGDPL và kết nối với các chương trình, mục tiêu trọng điểm quốc gia nhưng không được trùng lặp.
Thứ tư, về công tác quản lý nhà nước. Cục cần đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra; đồng thời, hoạt động kiểm tra cần phải thực chất, hiệu quả,… nhằm tăng cường nhận thức của các chủ thể có liên quan và để công tác PBGDPL đạt chất lượng, hiệu quả.
Thứ năm, nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ công tác của đơn vị mới sau khi sáp nhập. Cục cần xác định nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm trong Kế hoạch công tác năm 2025, tập trung vào hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện triển khai các công tác; tăng cường công tác kiểm tra; tăng cường tương tác với người dân trong các hoạt động. Đồng thời, nghiên cứu kiện toàn các Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, bám sát yêu cầu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
PV