Mặc dù đã có những đóng góp to lớn, quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp nước ra vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mà một trong số đó là thủ tục hành chính đối với sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp ở một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà, cùng với quy trình phê duyệt kéo dài đã tạo ra những rào cản lớn, làm gia tăng chi phí tuân thủ, cản trở hoạt động và giảm cơ hội tiếp cận thị trường. Tình trạng này không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội mà còn kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, khiến cộng đồng doanh nghiệp khó có thể phát huy hết tiềm năng nội tại của chính mình.
Thủ tục hành chính là “điểm nghẽn” của thể chế
Tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia…”[1].
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã đặc biệt lưu ý: “Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, Tổng Bí thư cũng chỉ ra “thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt”. Có thể thấy rằng, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả là một trong những “điểm nghẽn” lớn trong thể chế hiện nay, khi các thủ tục quá phức tạp, người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuân thủ, làm tăng chi phí và tạo ra sự lãng phí nguồn lực.
Như vậy, để có một nền kinh tế độc lập, tự chủ theo chủ trương của Đảng, một trong những nhiệm vụ có tính đột phá quan trọng hàng đầu là phải nhanh chóng tháo gỡ những “điểm nghẽn” giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá, lớn mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, trong đó chú trọng việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, thủ tục hành chính nội bộ, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương và Bắc Ninh. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức; công tác tham vấn đối tượng chịu tác động chưa phát huy hiệu quả; một số quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân
Nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, ngày 11/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Công điện số 131/CĐ-TTg).
Theo Công điện số 131/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hai là, rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu tại Văn bản số 6866/VPCP-KSTT ngày 26/9/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật và Văn bản số 7575/VPCP-KSTT ngày 16/10/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản dưới luật.
Ba là, công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành việc nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong năm 2025.
Bốn là, thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính sau khi được ban hành; kịp thời lắng nghe, phát hiện để sửa đổi, bổ sung những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.
Nâng cao chất lượng thẩm định quy định về thủ tục hành chính
Tại Công điện số 131/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung nâng cao chất lượng thẩm định quy định về thủ tục hành chính tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp pháp, khả thi với chi phí tuân thủ thấp nhất. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, đề xuất ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được nêu tại Văn bản số 6866/VPCP- KSTT ngày 26/9/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật.
Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cần phát huy vai trò tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách và chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc; cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân và đề xuất giải pháp (nếu có) để báo cáo Tổ công tác kịp thời tháo gỡ.
Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính
Đối với Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu:
Một là, tăng cường, phát huy vai trò thẩm tra, có ý kiến độc lập về quy định thủ tục hành chính tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành trong Quý I năm 2025; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025, hoàn thành trong tháng 01 năm 2025.
Hai là, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng: tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính, kịp thời nắm bắt, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, nâng cao năng lực phản ứng chính sách; cung cấp các biểu mẫu điện tử tương tác tự động điền thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo; cung cấp chức năng tham vấn trực tuyến các đối tượng chịu tác động; đánh giá nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành trong Quý IV năm 2025.
Kỷ nguyên mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đất nước ta đang đứng trước thời khắc lịch sử của sự “vươn mình” mạnh mẽ. Sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc tháo gỡ mọi rào cản, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính chính là chìa khóa để khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp bứt phá tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ, mà còn là một bước “chuyển mình” chiến lược, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng với thế giới. “Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là thời cơ để đất nước ta không chỉ vươn lên mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại mà còn khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế thế giới. Khi thể chế được khơi thông, mọi rào cản được gỡ bỏ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực sự trở thành nòng cốt, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Hoàng Trung
[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 135.