Kỷ niệm 80 năm ngày ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023) là một sự kiện chính trị quan trọng, cũng là dịp để ôn lại những tư tưởng cốt lõi và nhìn thấy rõ hơn những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của Đề cương; qua đó, nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới, khi chúng ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, song cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra cần phải giải quyết.
Bối cảnh ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - bản cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta khởi thảo và được công bố năm 1943 trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai đang lan rộng và ngày càng ác liệt. Ở Việt Nam, tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc thêm. Nhân dân ta không những chịu cảnh “một cổ hai tròng” do quân xâm lược Nhật, Pháp gây nên mà còn lâm vào tình cảnh lầm than, cơ cực do bè lũ tay sai “bóp nặn” một cách dã man, tàn ác. Đã thế, phát xít Nhật và thực dân Pháp lại thi nhau vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân, khủng bố phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Căm phẫn quân xâm lược sâu hơn vực thẳm, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược cao ngút trời Nam. Trước cảnh nước mất, nhà tan, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên đánh giặc cứu nước; các tổ chức vũ trang cách mạng lần lượt ra đời; phong trào quyên góp lương thực, vũ khí, thuốc men, đưa con em tham gia các đội quân cách mạng diễn ra khắp buôn làng, ngõ xóm. Trí thức, văn nghệ sỹ, học sinh, sinh viên yêu nước chịu ảnh hưởng của cách mạng đã đứng lên đấu tranh chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Thế nhưng, quân phát xít và thực dân đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn “trói buộc vǎn hóa và giết chết vǎn hóa Việt Nam” để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng.
Trong bối cảnh ấy, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến 28/02/1943 để bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Từ thực tiễn hơn chục năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lại đứng trước những việc cần kíp phải làm ngay để kịp thời ngăn chặn tội ác của phát xít và thực dân; Đảng ta nhận định rằng, trong lúc này, Đảng cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phát xít thụt lùi, văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Vì vậy, tại Hội nghị, Đảng ta đã khẳng định rõ đối với vấn đề vǎn hóa và được ghi nhận trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” công bố năm 1943, Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Những tư tưởng cốt lõi của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” có kết cấu gồm 05 phần: Phần I. Cách đặt vấn đề; phần II. Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần III. Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phần IV. Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; phần V. Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mác - xít Việt Nam. Nội dung cơ bản của Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, cụ thể:
(i) Xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó, người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
(ii) Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (năm 1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật - Pháp; những thủ đoạn của Nhật - Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
(iii) Để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó: (i) Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam. (ii) Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kỹ, lạc hậu, dị đoan. (iii) Đại chúng hóa là văn hóa của nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.
Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã khẩu hiệu, trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do Nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng đến tiến bộ, văn minh. Bên cạnh đó, Đề cương cũng nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác - xít là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…
(iv) Để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác - xít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” mang giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” từ khi ra đời đến nay vừa tròn 80 năm. Mặc dù ở dạng đề cương nhưng “Đề cương về văn hóa Việt Nam” có vai trò rất lớn, định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa. Đề cương không chỉ có ý nghĩa to lớn trong điều kiện lúc đó của Việt Nam mà còn mang giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, định hướng cho việc xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Lý luận của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” mang giá trị định hướng cho việc xây dựng một nền văn hóa mới: Lần đầu tiên, Đảng Cộng sản đưa ra một cương lĩnh văn hóa mà ở đó nội dung, tính chất, tổ chức, nhiệm vụ phát triển của cách mạng văn hóa trong và sau cách mạng giải phóng dân tộc theo xu hướng hoàn toàn mới. Trong thực tiễn, tinh thần của Đề cương đã có tác dụng định hướng và lãnh đạo văn hóa Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Trải qua 80 năm với những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, những định hướng lớn, những nguyên tắc mang tính chất nền tảng của Đề cương dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, nó vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo, đặt nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Có thể nói, tầm nhìn của những vấn đề trong Đề cương mang ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu sắc. Tinh thần ấy được tiếp tục phát triển, mở rộng trong những văn kiện quan trọng của Đảng sau này như Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Nghị quyết của các kỳ đại hội, Nghị quyết chuyên ngành về văn hóa, văn học nghệ thuật… đã đặt nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ bấy đến nay, là sự thực lịch sử không thể phủ nhận.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” mang tính thời đại sâu sắc: Sự ra đời của Đề cương đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với phương pháp tiếp cận đương thời về văn hóa dân tộc. Thực tiễn cánh mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới đã minh chứng rằng, những quan điểm của Đề cương vẫn còn giá trị định hướng cho phát triển văn hóa hôm nay. Quan điểm mà Đảng ta đưa ra trong Đề cương về cách nhìn nhận, cách hiểu văn hóa, về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế, giữa văn hóa với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế, giờ đây vẫn đúng khi mà, trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Hiện nay, vấn đề xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính Đảng trong hoạt động văn hóa của mình. Thực hiện Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện mọi mặt đời sống xã hội. Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động văn hóa ở các cấp, các ngành là điều kiện bảo đảm vững chắc sự gắn bó hữu cơ giữa định hướng chính trị và hoạt động văn hóa - xã hội, xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói, trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, nhiều định hướng quan trọng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Cho đến nay, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Minh Minh
Ảnh: internet