Không một ai phủ nhận tính tiến bộ của quyền im lặng, nó là biểu hiện của tôn trọng quyền con người và cả sự minh bạch pháp luật được áp dụng từ lâu tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước ta thì có khác, nhiều ý kiến ủng hộ đưa quyền im lặng vào luật, một số khác cho rằng chưa đến lúc, cũng có những ý kiến băn khoăn, nêu ra những khó khăn nếu quyền này được thực thi.
Trước hết, luật phải đáp ứng được những yêu cầu mà thực tế cuộc sống đặt ra. Trong bối cảnh án oan sai ở nước ta quá nhiều, gây nên những hệ lụy rất đáng tiếc và để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng xấu đến chế độ mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ giai đoạn điều tra, tức là khi có chuyện bắt người xảy ra. Lật lại những vụ án oan sai, từ những “kỳ án” vườn điều, vườn mít đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận thì cái sai khởi đầu từ cơ quan điều tra và cứ tiếp diễn theo vết xe đổ của vòng quay tố tụng dẫn đến kết cục là oan, không có cách nào gỡ được. Chính vì vậy, quyền im lặng mới được đưa ra như một biện pháp hữu hiệu hạn chế sự lộng hành của ép cung và nhục hình, tạo ra chứng cứ giả và lời khai giả làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn tới oan sai.
Có người đưa ra ý kiến khá thuyết phục rằng, giả sử quyền im lặng được đưa vào luật và thực thi thì những khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là thiếu lực lượng luật sư để đáp ứng được nhu cầu có mặt kịp thời khi có người bị bắt giữ và quyền im lặng lúc đó “có cũng như không”. Mặt khác, quyền này sẽ làm hạn chế việc phá án nhanh, ngăn chặn kịp thời sự đối phó ngoan cố của tội phạm. Ý kiến này là đúng nhưng cái đáng lo ngại nhất chính là nhận thức và hành động của những người thực thi pháp luật, chẳng hạn, luật đã quy định hành vi dùng nhục hình, ép cung là một tội danh hình sự mà trong thực tế điều này vẫn xảy ra như thường, thế thì phải đâu là do pháp luật?
Một vụ án xảy ra đã lâu nhưng còn rất mới có thể làm dẫn chứng cho cái khoảng cách rất xa từ quy định pháp luật đến thực thi pháp luật của từng người cụ thể. Một phụ nữ tên Hằng ở Bắc Giang, là cô giáo nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi buôn và bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Sau nhiều gian truân khổ ải ở nước ngoài, trốn về được thì bị dính ngay vào vòng lao lý. Bà bị bắt bởi lời khai của một tên buôn người, bị buộc tội buôn bán phụ nữ và chiếm đoạt tài sản và bị đi tù. Người chồng thấy vợ quá oan ức nên đã tìm đến cái chết trước phiên xử của vợ, những đứa con vì thế mà thất học, lêu lổng và trở thành tội phạm. Ra tù, gia sản đã mất sạch, bà tá túc ở chùa và đi tìm chứng cứ minh oan cho mình. Bà tìm đến cái người phụ nữ mà bà bị buộc tội bán người này sang Trung Quốc, người phụ nữ đó khẳng định kẻ bán mình tên là Hằng nhưng không phải bà. Mọi sự đã rõ nhưng bà vẫn không được minh oan, Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, bà không mắc tội buôn bán phụ nữ nhưng vẫn còn tội chiếm đoạt tài sản. Cái “tội” này là bà vay mấy trăm bạc cùng vài yến gạo chưa trả được kịp thời, hoàn toàn là giao dịch dân sự chứ tội tình gì. Dư luận cho rằng, Tòa trên cứu Tòa dưới bằng cách vẫn cho là bà có tội, bản án đã tuyên đúng một phần để khỏi mang tiếng oan sai. Cho đến bây giờ, hơn 10 năm kêu cứu mà sự oan sai ấy đâu đã được làm sáng tỏ!
Giả sử, khi bà bị bắt mà có quyền im lặng, luật sư tới tìm chứng cứ gỡ tội cho bà thì đâu đến nỗi bị oan sai chỉ vì trùng tên với tội phạm đích thực là Hằng! Mặt khác, sự “vô tâm” của các quan tòa, công tố chỉ nhăm nhăm “án tại hồ sơ” đã đẩy một người lương thiện, thậm chí còn là nạn nhân của bọn buôn người lại phải gánh cái tội đó, vào vòng lao lý khiến một gia đình tan nát, kéo theo nhiều số phận đến bước đường cùng.
Luật cần song hành với việc thực thi thì đó mới là luật sống, còn ngược lại, đó chỉ là những dòng chữ chết trên giấy. Quyền im lặng được đưa vào luật sẽ làm tăng số lượng luật sư, đồng thời, nó cũng đòi hỏi lực lượng điều tra phải có nghiệp vụ vững vàng, loại trừ các tuyên bố mà cũng là tiềm thức của họ với người bị bắt: “Vào đây thằng nào cũng có tội hết!”. Như vậy, đã đến lúc xuất hiện quyền im lặng trong Bộ luật Tố tụng hình sự của nước ta hay chưa?
Bình Sơn