Luôn quan tâm lực lượng tuyến đầu chống dịch
Chia sẻ tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đại dịch COVID-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Chỉ riêng đợt thứ 4, đã có hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, kể cả sinh viên ngành y ở nhiều địa phương trên cả nước hăng hái trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ và điều trị cho người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm ở những địa bàn nóng nhất, nguy nhiểm nhất.
Dẫn một số hành động và sự hy sinh của nhân viên y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, tất cả những hy sinh tận tình của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch là quyết tâm chiến thắng đại dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường, ổn định.
Cùng ý kiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành. Mong rằng Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn tôn vinh, coi trọng và tạo điều kiện tốt nhất để cho các bác sĩ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Thực tế, mong muốn này đã được cụ thể hoá phần nào bởi Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần tới lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19, nhất là đội ngũ cán bộ y tế. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở phải quan tâm đặc biệt các chế độ, chính sách đối với những đối tượng lực lượng y tế tuyến đầu.
Phải đổi mới cơ chế tài chính y tế
Để thực hiện đãi ngộ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng phải điều chỉnh chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Về lâu dài, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cũng khẳng định phải nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Thời gian quan, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế; có tờ trình đề xuất chính sách nhân viên y tế thôn bản và bà đỡ thôn bản; trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40-70% lên 100%. Các chính sách nhằm phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành Y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị; từng bước bảo đảm nhân lực y tế để thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn, đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu…
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế trong khi chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương là rất cần thiết. Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế. Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Luật Bảo hiểm y tế và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được soạn thảo trong chính sách tiền lương.
“Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân”, ông Lợi phân tích.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiến nghị ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cũng như hướng dẫn chi trả với hoạt động khám chữa bệnh từ xa. Đồng thời, cần có chính sách chi trả cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài; có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19; miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, cần có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường và chi trả theo Bảo hiểm y tế.
(Theo Báo pháp luật Việt Nam điện tử)