Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, QH khóa XV, sáng nay, 1/6, QH thảo luận ở hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2022.
Tại phiên họp, QH cũng thảo luận về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Có tình trạng lợi dụng kẽ hở để “đục nước béo cò”
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và ảnh hưởng bất lợi đến nước ta do xung đột Nga - Ukraine và phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để giải quyết nhanh những vấn đề của nền kinh tế, đời sống của nhân dân nên đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022.
Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, yếu kém. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, những tháng vừa qua, do phải tập trung vào công tác phòng chống dịch, có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở để “đục nước béo cò”, tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu, hàng giả, hàng lậu; thao túng thị trường trái phiếu chứng khoán thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh và xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh; lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang, nhiễu loạn thị trường.
Do đó, đại biểu đề nghị đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý, khuyến khích đổi mới kỹ thuật, công nghệ, phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề cập đến một số sai phạm lớn trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản đã được phát hiện và đưa ra xử lý thời gian qua.
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh về tình trạng giá giao dịch bất động sản thực tế cao hơn nhiều so với giá kê khai trên hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn xảy ra phổ biến, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Từ thực trạng đó, đại biểu đề nghị QH, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai; UBND các tỉnh, TP phải cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong các mối quan hệ này.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải quy định rõ ràng, cụ thể các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của pháp luật để cơ quan thuế địa phương thực hiện đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Cần trình QH giảm các loại thuế
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Hồ Chí Minh) cho rằng, để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6 đến 6,5%; kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, Chính phủ cần xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.
Theo đại biểu, trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình QH, Ủy ban Thường vụ QH giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu bởi để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến “hiệu ứng domino” các mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi té nước theo mưa và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần tập trung kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện nhanh, hiệu quả gói tài khóa tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội. Trước mắt, cần ưu tiên triển khai gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)