1. Ý tưởng và biểu hiện tồn tại trong chương trình máy tính trong kỹ thuật lập trình
Thách thức của việc tạo ra một sản phẩm công nghệ thông tin hữu ích và có chỗ đứng trên thị trường là phải đáp ứng nhu cầu của người dùng, thời gian phát triển và vá lỗi nhanh, độ tin cậy, bảo mật cao. Với các đặc thù như trên, các hãng chương trình máy tính và các cá nhân sản xuất chương trình máy tính trong những năm gần đây đã áp dụng một quy trình linh hoạt hơn trong việc sản xuất các chương trình máy tính. Mục đích chính của cách làm này là đem các sản phẩm công nghệ thông tin đến gần hơn với thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hay thay đổi của người dùng.
Bước thứ nhất: Phát triển các ý tưởng để giải quyết nhu cầu của người dùng. Các nhu cầu này có thể rất đa dạng như nhu cầu chia sẻ thông tin, kết nối (facebook, zalo, viber) hay các nhu cầu hẹp hơn như là nhận diện biển số xe ra vào chung cư hoặc là đọc dữ liệu từ các hóa đơn dưới dạng hình ảnh và tự động đưa ra các bút toán. Ở bước này, các ý tưởng để giải quyết vấn đề thường chỉ ở dạng tổng quan. Đối với các công ty lớn, thường sẽ có một đội ngũ điều tra thị trường để có thể xác định rõ hơn bài toán: Ai là đối tượng mục tiêu? (ví dụ: Người trẻ có nhu cầu kết nối nhiều hơn, các chủ doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực hạn chế sẽ có nhu cầu sử dụng chương trình máy tính để tự động hóa các bút toán của công ty), dung lượng thị trường. Bước này rất quan trọng, nó sẽ quyết định doanh nghiệp có nên đầu tư phát triển sản phẩm hay không.
Bước thứ hai: Phát triển sản phẩm. Để đạt được mục đích đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, các hãng phần mềm thường tập trung vào các chức năng chính của chương trình máy tính, đó là khả năng chia sẻ thông tin, chức năng nhận diện biển số, chức năng chuyển hình ảnh hóa đơn thành chữ và số để đưa vào bút toán. Ở bước này mục tiêu của các hãng phần mềm sẽ là phát triển một sản phẩm khả dụng sao cho tốn ít công sức nhất và nhanh, để có thể đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất. Các yếu tố như thiết kế hệ thống, tạo lược đồ, phát triển thuật toán, phát triển mã nguồn (tạo các câu lệnh) đều được tiến hành ở bước này.
Sau khi tạo ra mã nguồn, chương trình được dịch sang một chương trình khác vào mã máy, tín hiệu nhị phân (cao và thấp) mà máy tính thực sự hoạt động gọi là mã máy hay mã đối tượng - là phần mà máy sẽ phải thực thi.
Bước thứ ba: Đưa sản phẩm ra thị trường, lấy ý kiến người sử dụng và điều chỉnh lại bước thứ hai. Sản phẩm sau khi đưa ra thị trường sẽ được điều chỉnh, phát triển thêm các tính năng mới, chỉnh sửa các tính năng cũng như lỗi kỹ thuật, cập nhật các phiên bản cho phù hợp. Ví dụ như trong trường hợp của Grab, lúc mới đưa ra thị trường tại Malaysia, Grab chỉ có chức năng chính là đặt xe, sau một thời gian, Grab thêm vào các tính năng như là giao hàng hoặc cho phép nhiều khách hàng cùng chia sẻ, đi chung một xe. Trong trường hợp của Foody Việt Nam, ban đầu là một trang website đánh giá món ăn, đến nay, người dùng có thể đặt món ăn trên Foody.
Bước thứ ba là bước quan trọng để hoàn thiện bước hai và cung cấp thêm thông tin thị trường để việc phát triển sản phẩm tại bước hai có thể đi đúng hướng hơn. Sau khi tiếp nhận các thông tin thị trường tại bước ba, các công ty phần mềm có thể phải thay đổi và bỏ đi toàn bộ các sản phẩm đã làm tại bước hai để phát triển các giải pháp khác (bao gồm mã nguồn chương trình, thuật toán, giao diện, thiết kế hệ thống...) để phù hợp hơn.
Như vậy, trong chương trình máy tính bao gồm những yếu tố thuộc ý tưởng: Chức năng (tính năng), cấu trúc hệ thống (quy trình, phương pháp). Các yếu tố thuộc về biểu hiện: Thuật toán, ngôn ngữ lập trình, mã nguồn, mã máy, giao diện người dùng (bao gồm bố trí thao tác trên màn hình và các thiết kế mỹ thuật). Nhưng trên thực tế nhà phát triển chương trình máy tính sẽ phải chú trọng đến các yếu tố: Tính năng, mã nguồn, thuật toán. Còn yếu tố giao diện người dùng, ngôn ngữ lập trình và thiết kế hệ thống thường mang tính phổ thông và theo các chuẩn nhất định nên khó xác định, thường sẽ có sự tương tự nhau hoặc sử dụng lẫn nhau trong lập trình. Tuy nhiên, về khía cạnh pháp lý, trong các yếu tố cấu thành chương trình máy tính đó, có những yếu tố được bảo hộ quyền tác giả và có những yếu tố không được bảo hộ quyền tác giả.
2. Nguyên tắc phân chia ý tưởng/biểu hiện và thuyết hợp nhất
Nguyên tắc phân chia ý tưởng/biểu hiện có nội dung là bản quyền chỉ bảo hộ hình thức hiểu hiện của ý tưởng, không bảo hộ ý tưởng của biểu hiện. Về cơ bản, một tác phẩm viết có thể được phân biệt thành ý tưởng và biểu hiện. Một ý tưởng có thể được hình thành ở một trạng thái trừu tượng hoặc nó có thể được hình thành ở mức độ cụ thể. Sự phân chia giữa ý tưởng và biểu hiện phụ thuộc vào mức độ các điểm tương đồng chung giữa ý tưởng và biểu hiện.
Nguyên tắc phân chia tưởng/biểu hiện có nghĩa là vi phạm quyền tác giả sẽ không xảy ra đối với các tác phẩm có cùng một ý tưởng nhưng lại không có sự sao chép về mặt diễn đạt, biểu hiện. Bảo vệ ý tưởng chỉ có thể được thể hiện theo một cơ chế khác gọi là sáng chế[1]. Tuy nhiên, ở Việt Nam chương trình máy tính đã bị loại trừ khỏi bảo hộ bằng sáng chế tại khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 của Văn phòng Quốc hội năm 2013).
Việc phân chia ý tưởng và biểu hiện bắt nguồn từ vụ kiện giữa Baker và Selden năm 1979 tại Mỹ[2], nó liên quan đến bản quyền trong một cuốn sách do Charles Selden viết, có tên là “Book-Keeping Simplified”, để mô tả một hệ thống kế toán mới gồm 20 trang chủ yếu là các mẫu sổ kế toán, các mẫu sổ cái, hệ thống quản lý và phân tích số liệu kế toán. Baker sau đó đã sản xuất một cuốn sách sử dụng một hệ thống tương tự và bán ra thị trường. Baker cho rằng sách của Selden không được bảo hộ quyền tác giả và Selden đã khởi kiện lên Tòa án. Tòa án cho rằng một cuốn sách không cho phép tác giả có quyền loại trừ những người khác thực hành những gì đã được mô tả trong cuốn sách, chỉ có quyền loại trừ việc sao chép những biểu hiện, diễn đạt trong cuốn sách[3].
Qua vụ án này chúng tay thấy các yếu tố như quy trình, phương pháp, cấu trúc, hệ thống được coi như là ý tưởng của một tác phẩm và không được bảo hộ quyền tác giả. Nên việc sao chép lại các yếu tố này không bị xem là vi phạm quyền tác giả. Bản án giữa Baker và Selden của Mỹ là trường hợp đầu tiên của bản quyền về sự phân tách ý tưởng/biểu hiện. Sau đó những quy tắc rút ra từ vụ Baker và Selden được ghi nhận trong điểm b Điều 102 của Đạo luật Bản quyền năm 1976 của Mỹ.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào việc phân biệt ý tưởng/biểu hiện cũng rõ ràng. Đối với những tác phẩm mà ý tưởng và biểu hiện gắn liền với nhau, và biểu hiện đó không thể phân biệt được với ý tưởng thì không bảo hộ quyền tác giả đối với biểu hiện đó. Vì nếu ý tưởng và biểu hiện (cách diễn đạt của tác phẩm) hợp nhất mà có bảo hộ quyền tác giả thì sẽ cản trở sự phát triển, sáng tạo các tác phẩm trái với mục đích của luật bản quyền.
Ví dụ, trong vụ kiện tranh chấp giữa công ty nữ trang Herbert Rosenthal và Kalpakian, Herbert Rosenthal đã kiện Kalpakian yêu cầu Kalpakian không được sản xuất những viên kim cương hình nón. Tòa án đã cho rằng chiếc kim cương này có ý tưởng rằng bất cứ ai cũng được tự do sao chép biểu hiện của nó vì hình dạng biểu hiện của nó chỉ có thể được thực hiện theo một vài cách. Do đó, Tòa án đã áp dụng thuyết hợp nhất, không bảo hộ quyền tác giả cho hình dạng nón của viên kim cương.
Khi ý tưởng và biểu hiện rất khó tách rời, chúng được cho là hợp nhất[4]. Thuyết hợp nhất về quyền tác giả nêu rằng nếu một ý tưởng và sự biểu hiện của ý tưởng gắn kết với nhau rằng ý tưởng và biểu hiện của nó là một, tức là chỉ có một cách hay là có một cách hạn chế các cách thể hiện và thể hiện ý tưởng trong một công việc - thì biểu hiện của ý tưởng đó có thể không được bảo hộ quyền tác giả[5]. Nguyên tắc phân chia ý tưởng/biểu hiện được xem như là sự khởi đầu, manh nha cho thuyết hợp nhất này và cùng tạo thành nền tảng để xác định một yếu tố được bảo hộ quyền tác giả hay không.
3. Các quy định pháp lý về nhận diện các yếu tố ý tưởng và biểu hiện của Mỹ và Liên minh châu Âu
3.1. Tại Mỹ
Điểm b Điều 102 Luật Bản quyền Mỹ quy định: Không bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm gốc của tác giả không bao gồm bất kỳ ý tưởng, thủ tục, quy trình, hệ thống, phương thức hoạt động, khái niệm, nguyên tắc hoặc phát hiện nào, bất kể hình thức mà nó được mô tả, giải thích, minh họa, hoặc thể hiện trong công việc đó. Khoản 17 Điều 101 Luật Bản quyền Mỹ quy định: Một chương trình máy tính là một tập hợp các câu lệnh hoặc hướng dẫn được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp trong một máy tính để mang lại một kết quả nhất định. Nếu chỉ dừng lại ở các quy định này, chúng ta vẫn chưa thấy rõ yếu tố nào của chương trình máy tính sẽ được bảo hộ quyền tác giả mà chính những vụ án tạo nên án lệ mới nói rõ quan điểm của pháp luật Mỹ về bảo hộ ý tưởng và biểu hiện của chương trình máy tính rõ ràng nhất. Chúng ta nghiên cứu hai vụ kiện sau:
Vụ kiện thứ nhất giữa Computer Associates International (CA) và Altai.
CA đã tạo ra chương trình máy tính CA-Scheuduler với chức năng lập chương trình kế hoạch công việc bao gồm một thành phần được gọi là Adapter được thiết kế để dịch ngôn ngữ của chương trình sang các lệnh có thể hiểu được với hệ điều hành cụ thể đó. Bằng cách này CA-Scheuduler có thể sử dụng cùng một mã nhưng chạy trên các hệ điều hành khác nhau. Năm 1982, Altai cũng lập ra chương trình máy tính Zeke với chức năng như CA-Scheuduler viết cho hệ điều hành VSE dựa trên khoảng 30% mã nguồn Adapter tạo ra phiên dịch Oscar 3.4 cho Altai. Năm 1988, CA phát hiện ra rằng Altai đã sử dụng mã Adapter. Vì vậy, Altai viết lại những phần được sao chép của mã Oscar trước đó. Chương trình mới này được phát hành dưới dạng Oscar 3.5. Theo phán quyết của Tòa án Mỹ đã nhận thấy rằng Oscar 3.4 là vi phạm bản quyền CA-Scheuduler của CA và đã nhận bồi thường thiệt hại cho CA là 364,444 USD cùng tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Tòa án quyết rằng Oscar 3.5 được viết lại bằng mã nguồn khác nên không cấu thành vi phạm bản quyền.
Như vậy, qua vụ kiện nổi tiếng này thấy rằng quan điểm của pháp luật Mỹ: Hai chương trình máy tính có cùng chức năng nhưng khác về đoạn mã thì không vi phạm quyền tác giả. Tức là chỉ bảo hộ các yếu tố biểu hiện của chương trình máy tính là các đoạn mã, còn các yếu tố thuộc ý tưởng đó là chức năng của chương trình máy tính thì không bảo hộ. Đây là vụ kiện mà Tòa án đã áp dụng triệt để nguyên tắc phân chia ý tưởng/biểu hiện: Quyền tác giả chỉ bảo hộ biểu hiện, không bảo hộ ý tưởng của chương trình máy tính.
Vụ kiện thứ hai giữa Lexmark và Static Control Components.
Lexmark là nhà sản xuất máy in đã bán một số hộp mực máy thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, đổi lại khách hàng phải đồng ý chỉ sử dụng hộp mực một lần và trả lại Lexmark rồi mua hộp mực khác của Lexmark. Và Lexmark đã tạo ra con chip gắn với chương trình hoạt động của máy in để kiểm soát việc dùng một lần này. Đây là cách để Lexmark cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vào năm 2002, Static Control Components (SCC) đã phát triển chip Smartek trên máy tính có thể hoạt động trên hộp mực của Lexmark để người dùng có thể mua mực của hãng khác đổ vào tái sử dụng mà không cần phải đến Lexmark mua hộp mực khác. Và họ cũng sao chép nguyên văn các đoạn mã của chương trình nạp mực của Lexmark. Vào ngày 30/12/2002, Lexmark đã kiện Static Control Components tại Tòa án Mỹ vi phạm luật bản quyền bằng cách sao chép chương trình máy tính nạp mực[6].
Tòa án quyết định rằng một chương trình máy tính nhúng trong hộp mực máy in của Lexmark mà các đối thủ cạnh tranh phải cài đặt để cho phép hộp mực tương hợp với máy in Lexmark không đủ điều kiện để bảo vệ bản quyền. Bởi vì ý tưởng hay chức năng của chương trình và sự thể hiện của nó đã được sáp nhập[7]. Phán quyết vi phạm bản quyền không xảy ra khi một người thứ hai phải sao chép một số khía cạnh chương trình của một công ty khác để đạt được tính tương thích.
Ngoài ra chúng ta còn có vụ kiện giữa Oracle và Google thấy rằng Tòa án đã nhận định là không bảo hộ ngôn ngữ lập trình Java và và các đoạn mã của Oracle vì lý do là chỉ có một vài cách hạn chế để diễn đạt tính năng của chương trình máy tính.
Dựa vào kết quả tranh chấp giữa công ty phần mềm Whelan Associates và Phòng Nha khoa Jaslow8; Lotus và Borland[9]... Quan điểm của Tòa án Mỹ đối với việc nhận diện ý tưởng và biểu hiện của chương trình máy tính thông qua các vụ kiện tạo thành án lệ. Qua đó thấy rằng Tòa án Mỹ đã áp dụng nguyên tắc phân chia ý tưởng/biểu hiện và thuyết hợp nhất để xác định các yếu tố nào được bảo hộ bản quyền đối với chương trình máy tính.
3.2. Liên minh châu Âu (EU)
Chỉ thị chung của Nghị viện và Hội đồng EU 2009/24/EC ngày 23/4/2009 về bảo hộ chương trình máy tính quy định rõ tại Điều 1 (2): “Ý tưởng và nguyên tắc nằm dưới bất kỳ yếu tố nào của chương trình máy tính, bao gồm cả những gì nằm dưới nền giao diện của nó, không được bảo vệ bởi bản quyền theo Chỉ thị này”[10]. Theo nguyên tắc bản quyền này, trong phạm vi logic, thuật toán và ngôn ngữ lập trình bao gồm các ý tưởng và nguyên tắc, những ý tưởng và nguyên tắc này không được bảo vệ theo Chỉ thị này. Theo luật pháp của các quốc gia thành viên và các công ước về bản quyền quốc tế, việc thể hiện những ý tưởng và nguyên tắc này sẽ được bảo vệ bởi bản quyền.
Trong tranh chấp giữa Viện SAS[11] và Công ty WPL[12]. Chương trình máy tính của SAS được viết bằng ngôn ngữ máy tính độc quyền. Khách hàng của SAS không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cấp phép cho hệ thống SAS để chạy các chương trình ứng dụng ngôn ngữ SAS hiện có của họ. WPL đã phát triển một hệ thống chương trình máy tính cạnh tranh với SAS bằng cách học cách viết chương trình của Hệ thống SAS và bằng cách tham khảo hướng dẫn sử dụng SAS[13]. SAS đã đưa ra khiếu nại chống lại WPL, cáo buộc vi phạm bản quyền đối với cả chức năng của hệ thống và hướng dẫn sử dụng của SAS.
Tòa án tối cao của Liên minh châu Âu cho rằng các ý tưởng của chương trình máy tính bao gồm chức năng, ngôn ngữ lập trình và định dạng của các tập tin dữ liệu... là những ý tưởng tổng thể đằng sau một chương trình máy tính, chứ không phải là các hình thức biểu hiện của chương trình, do đó không được bảo vệ bởi bản quyền[14] và “để chấp nhận rằng chức năng của một chương trình máy tính có thể được bảo vệ bởi bản quyền sẽ làm cho chủ sở hữu có thể độc chiếm các ý tưởng, gây tổn hại cho tiến bộ công nghệ và phát triển công nghiệp”[15]. Do vậy Tòa án đã phán quyết WPL không vi phạm quyền tác giả của SAS.
Ngôn ngữ lập trình không bảo hộ trong bản án giữa Oracle và Google, SAS và WPL[16]... Giao diện người dùng không bảo hộ từ bản án giữa Lotus và Boland[17].
4. Thực trạng tranh chấp quyền tác giả đối với chương trình máy tính tại Việt Nam và những kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Tại Việt Nam, quy định chung tại khoản 3 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu thì không được bảo hộ quyền tác giả. Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Như vậy, có thể hiểu đây chính là phạm vi bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính là chỉ bảo hộ biểu hiện của chương trình máy tính là mã nguồn và mã máy.
4.1. Thực tiễn tranh chấp tại Việt Nam qua một số vụ án điển hình
Năm 2005, Công ty TNHH Tin học Định Gia (Diginet) khởi kiện Công ty TNHH P.C.I với nội dung chương trình máy tính Kế toán Lever4 của P.C.I đã sao chép chương trình máy tính Kế toán Lemon3 của Diginet[18]. Hai chương trình máy tính này đã có sự sao chép về mặt ý tưởng, chức năng vì đều phải tuân theo những chuẩn mực và nguyên tắc chung về tài chính kế toán là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, P.C.I đã sử dụng phần lớn mã nguồn của Lemon3 cùng tài liệu hướng dẫn chương trình phần mềm này của Diginet[19]. Do vậy xác định Lever4 đã xâm phạm Lemon3.
Năm 2006, Công ty cổ phần Phần mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC) khởi kiện Công ty cổ phần Thương Mại Số (Digital Trade) đã đưa ra thị trường chương trình máy tính I-Web có chức năng và mã nguồn y như chương trình máy tính Web++ của Hanoi Software JSC; Digital Trade đã thừa nhận sản phẩm I-Web là Web++ do chính nhân viên cũ của Hanoi Software JSC đem về sử dụng và phát triển, thừa nhận đó là hành vi sao chép mã nguồn bất hợp pháp.
Năm 2015, Công ty TNHH kỹ thuật Shunwang (Công ty Shunwang) khởi kiện Công ty Hòa Bình sử dụng không phép phần mềm GCafe được cho là sao chép toàn bộ phần mềm iCafe Mavin của Công ty Shunwang. Các file cài đặt, file hệ thống của phần mềm này đều có chữ ký điện tử của Shunwang. Vụ kiện nay vẫn chưa có kết quả từ Tòa án.
Một số vụ kiện về quyền tác giả đối với chương trình máy tính tại Việt Nam thời gian qua cho chúng ta thấy thực trạng như sau:
Thứ nhất, so với các vụ tranh chấp bản quyền chương trình máy tính trên thế giới thì hành vi xâm phạm ở Việt Nam tương đối đơn giản, chỉ sao chép một phần hoặc toàn bộ mã của chương trình máy tính.
Thứ hai, bên bị đơn thường phủ nhận hành vi vi phạm cho tới khi bên nguyên đơn đưa ra các chứng cứ chứng minh, lúc đó các bên thường đạt được thỏa thuận với nhau và dừng vụ tranh chấp lại chứ không cố để tiếp tục quá trình tố tụng như các loại hình tranh chấp tài sản hữu hình khác.
Thứ ba, trong quá trình lập trình chương trình máy tính, bản thân các bên nguyên đơn và bị đơn thường không nắm rõ được các quy định phạm vi bảo hộ quyền tác giả của mình đối với chương trình máy tính đến đâu.
4.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng rất cần thiết hoàn thiện các quy định pháp lý quyền tác giả đối với chương trình máy tính Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn quyền tác giả chỉ bảo hộ đối với các đoạn mã bao gồm mã nguồn, mã đối tượng (mã máy) của chương trình máy tính. Không bảo hộ cấu trúc, quy trình, ngôn ngữ lập trình, thuật toán, chức năng, giao diện của chương trình máy tính.
Thứ hai, trong trường hợp chỉ có một hoặc một số cách hạn chế viết đoạn mã để biểu hiện ý tưởng của chương trình máy tính thì không bảo hộ đoạn mã.
Việc xác định rõ phạm vi bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính thông qua nhận diện các yếu tố ý tưởng/biểu hiện sẽ giúp cho các nhà phát triển chương trình máy tính nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tạo chương trình máy tính kế thừa các yếu tố có sẵn từ các chương trình máy tính trước một cách hợp pháp. Ngoài ra, để giải quyết một tranh chấp về quyền tác giả đối với chương trình máy tính là không đơn giản vì liên quan đến việc lập trình - một lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành mà không phải thẩm phán nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu bản chất các chứng cứ và lập luận về mặt kỹ thuật mà Hội đồng giám định kết luận và các bên đưa ra. Do vậy, việc cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật sẽ giúp cho việc giải quyết tranh chấp cũng dễ dàng hơn khi nhận diện các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
* Khoa Luật - Đại học Sài Gòn
[1]. Kenrick & Co. Ltd v Lawrence & Co, https://en.wikipedia.org/wiki/Kenrick_v_Lawrence.
[2]. U.S. Supreme Court, Baker v. Selden, 101 U.S. 99 (1879), https://supreme.justia.com/cases/federal/us/ 101/99/case.html.
[3]. U.S. Supreme Court, Baker v. Selden, 101 U.S. 99 (1879), https://supreme.justia.com/cases/federal/us/ 101/99/case.html.
[4]. Michael Murray, Copyright, Originality, and the End of the Scenes a Faire and Merger Doctrines for Visual Works, Illinois Public Law and Legal Theory Research Papers Series, Research May 24, 2006, tr. 06-09.
[5]. Michael Murray, Copyright, Originality, and the End of the Scenes a Faire and Merger Doctrines for Visual Works, Illinois Public Law and Legal Theory Research Papers Series, Research May 24, 2006, tr 06-09.
[6]. Lee Gesmer (March 31, 2014), “Lexmark v. Static Control – 12 Years and Still Going Strong”, MassLawBlog.
[7]. Supreme Court’s Lexmark Decision Creates Uniform Federal False Advertising Standing Requirement” (PDF). Fenwick & West LLP. March 27, 2014.
[8]. https://en.wikipedia.org/wiki/Whelan_v._Jaslow.
[9]. Whong, Jason A.; Lee, Andrew T. S. (1996). “Lotus v. Borland: Defining the Limits of Software Copyright Protection”. Santa Clara High Technology Law Journal. 12 (1): 207–217.
[10]. Xem 91/250/EEC.
[11]. Viện nghiên cứu chương trình máy tính tại Mỹ sáng tạo ra hệ thống phầm mềm SAS - là chương trình máy tính dùng để phân tích hiện đại, các phân tích đa biến, trí tuệ kinh doanh, quản lý dữ liệu và phân tích tiên đoán.
[12]. World Programming Limited (WPL) là công ty tại Anh tạo ra phần mềm World Programming System.
[13]. “SAS wins $79.1 m judgement after finessing comity and collateral estoppal”. North Carolina Journal of International Law. University of North Carolina School of Law. Retrieved 2016-02-12.
[14]. Final High Court Judgement tại http://www.bailii.org/ew/cases/EWHC/Ch/2013/69.html.
[15]. Directive 2009/24/EC of the European Parliament and of the Council of 23 April 2009 on the legal protection of computer programs”. Official Journal of the European Union. Jump up^ 101 U.S. 99 (1879).
[16]. Programming language can’t be copyrighted: EU court, https://phys.org/news/2011-11-language-copyrighted-eu-court.html.
[17]. https://en.wikipedia.org/wiki/Lotus_Development_Corp._v._Borland_International,_Inc.
[18]. TP. Hồ Chí Minh: Vụ kiện tranh chấp bản quyền phần mềm đầu tiên, https://www.tienphong.vn/cong-nghe-khoa-hoc/tphcm-vu-kien-tranh-chap-ban-quyen-phan-mem-dau-tien-16084.tpo.
[19]. 10 sự kiện công ty năm 2005, https://tuoitre.vn/10-su-kien-cong-ty-nam-2005-116509.htm.