Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép (sau đây gọi tắt là Công ước) là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng quy định về các biện pháp mang tính chất dân sự trong hợp tác giữa các quốc gia có liên quan để trả trẻ về quốc gia nơi trẻ thường trú một cách nhanh nhất, góp phần đấu tranh chống lại hành vi của cha/mẹ hoặc người thân giữ hoặc đưa đi trái phép chính con, cháu của mình[1]. Công ước hiện đã có 99 thành viên, trong đó có nhiều quốc gia mà Việt Nam có số lượng lớn các vụ việc về hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia. Các nước thành viên đều đánh giá Công ước là một cơ chế hiệu quả để giải quyết nhanh chóng các vụ việc đưa trẻ đi trái phép.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới, các quan hệ giao lưu dân sự, thương mại ngày càng gia tăng, trong đó phải kể đến các quan hệ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là số lượng vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng đang có xu hướng gia tăng kéo theo các trường hợp cha/mẹ đưa trẻ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc mang trẻ về Việt Nam một cách trái phép cũng tăng theo. Thực tế tại Việt Nam đã có nhiều vụ việc liên quan.
Hiện nay, để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em bị xâm hại, Việt Nam đã gia nhập một số công ước liên quan, như Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc… Tuy nhiên, giải quyết hậu quả pháp lý của hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép theo khía cạnh dân sự lại là vấn đề hoàn toàn mới tại Việt Nam. Trên thực tế, quyền nuôi hoặc thăm nom con trong các bản án hôn nhân, gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài tại Việt Nam thường được thực hiện trên cơ sở quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài theo các hiệp định tương trợ tư pháp, tuy nhiên, số lượng các hiệp định tương trợ tư pháp này cũng rất hạn chế. Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế nào có nội dung tương tự như Công ước. Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ có quy định về trao trả trẻ đối với các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đã được công nhận tại Việt Nam. Đối với các trường hợp chưa có bản án, quyết định được công nhận thì pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để giải quyết việc trao trả trẻ và cũng chưa có cơ chế dân sự để đảm bảo quyền thăm nom con của cha/mẹ. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền trong nước còn lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý quốc tế cũng như trong nước để giải quyết. Điều này thật sự là một bất cập cần được sớm giải quyết.
Vậy việc gia nhập Công ước này có tác động như thế nào đối với Việt Nam trong vấn đề hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em? Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số nhận định có tính tham khảo cho việc nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước của Việt Nam
1. Sự cần thiết gia nhập Công ước
Qua nghiên cứu nội dung của Công ước, nhận định về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng tham gia Công ước trên thế giới hiện nay, thì việc gia nhập Công ước này là cần thiết. Bởi vì:
Thứ nhất, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới, các quan hệ giao lưu dân sự, thương mại ngày càng gia tăng, kéo theo đó là số vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng có xu hướng ngày càng tăng, làm phát sinh ngày càng nhiều những trường hợp cha/mẹ đưa trẻ em ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc mang trẻ em về Việt Nam một cách trái phép… thực tế đó đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý quốc tế thật sự hữu hiệu để giải quyết.
Thứ hai, việc cha/mẹ đưa trẻ em đi trái phép trực tiếp ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền nuôi dưỡng hợp pháp của cha/mẹ trẻ em và đây là vấn đề chính mà Công ước điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ em.
Thứ ba, thực tiễn Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế nào có nội dung tương tự như Công ước này và cơ sở pháp lý trong nước còn quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết các vụ việc về giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép theo khía cạnh dân sự. Do vậy, việc Việt Nam tham gia Công ước sẽ tạo cơ sở pháp lý quốc tế nhằm điều chỉnh quan hệ hợp tác giữa các quốc gia liên quan, đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ em, quyền lợi hợp pháp của cha/mẹ trẻ em. Công ước chính là công cụ pháp lý xử lý hiệu quả các hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép theo khía cạnh dân sự và đã được kiểm nghiệm tại nhiều quốc gia thành viên Công ước.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, nhận thức về vấn đề giải quyết trẻ em bị mang đi trái phép từ góc độ dân sự theo quy định của Công ước còn hạn chế. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để giải quyết yêu cầu trao trả trẻ em bị mang đi hoặc giữ lại trái phép cũng như đảm bảo quyền thăm nom hợp pháp của cha/mẹ đối với trẻ em. Bên cạnh đó, quy định của Công ước chưa đủ rõ để áp dụng trực tiếp khi Việt Nam gia nhập Công ước. Việt Nam cần có kế hoạch với lộ trình thời gian cụ thể để chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, tổ chức bộ máy, đặc biệt là cần nâng cao nhận thức và năng lực để sẵn sàng cho việc gia nhập và thực thi Công ước một cách hiệu quả.
2. Tác động đối với Việt Nam khi gia nhập Công ước
Thực tiễn quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài của Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng gia tăng và đã có một số vụ việc yêu cầu trao trả lại trẻ bị mang đi hoặc giữ lại trái pháp luật cũng như các yêu cầu đảm bảo quyền thăm nom phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý trong nước cũng như Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế về lĩnh vực này nên quá trình giải quyết các vụ việc này trên thực tế có nhiều vướng mắc không thể giải quyết.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, số lượng quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở nước ta ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) tổng hợp từ các địa phương trên cả nước, thì trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài. Đã có những vụ việc yêu cầu trao trả lại trẻ bị mang đi hoặc giữ lại trái pháp luật cũng như các yêu cầu đảm bảo quyền thăm nom phát sinh trên thực tế, cụ thể như vụ việc ca sỹ Lý Hương giữ trái phép con đẻ của mình, vụ chủ doanh nghiệp thủy sản Diệu Hiền đơn phương mang cháu nội sang Mỹ sinh sống bất chấp sự phản đối của mẹ trẻ em, hay công dân Việt Nam Vũ Thị Hà - Angie Ha Vu bị tạm giữ tại sân bay JFK New York với cáo buộc “bắt cóc con đẻ” theo phán quyết của Tòa án Cộng hòa Pháp trên cơ sở yêu cầu của cha đẻ của trẻ em. Vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra ngay cả đối với quan hệ hôn nhân giữa 02 công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài khi cha/mẹ đưa trẻ em về Việt Nam hoặc đưa ra nước ngoài chưa được sự đồng ý của người còn lại. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý trong nước, cũng như Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế về lĩnh vực này nên quá trình giải quyết các vụ việc này gặp nhiều vướng mắc.
Vì vậy, việc gia nhập Công ước sẽ mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, với việc gia nhập Công ước, Việt Nam sẽ có cơ sở pháp lý quốc tế để yêu cầu/thực hiện yêu cầu trao trả lại trẻ em bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép và bảo đảm quyền thăm nom đối với trẻ em tại quốc gia thành viên Công ước. Điều này góp phần đảm bảo quyền, lợi ích của trẻ em một cách kịp thời, an toàn, không gây ảnh hưởng đến tâm, sinh lý cũng như sự phát triển bình thường của trẻ em. Công ước tạo ra cơ chế giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ em cũng như đảm bảo quyền thăm nom của cha/mẹ trẻ em một cách nhanh chóng, hòa bình, góp phần giúp trẻ sớm hòa nhập trở lại với cuộc sống gia đình, đồng thời góp phần giảm chi phí của cha/mẹ trẻ em khi yêu cầu giải quyết vụ việc thông thường. Việc tham gia Công ước này sẽ góp phần tạo cơ chế đảm bảo quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom của công dân Việt Nam và công dân nước ngoài trong quan hệ hôn nhân thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Điều này có tác dụng tích cực đối với xã hội, cụ thể như ổn định các mối quan hệ xã hội, bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung và quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng trong thời kỳ hội nhập, đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích của người mẹ và trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, việc gia nhập Công ước cũng sẽ tạo cơ sở và thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế trong nước của Việt Nam liên quan đến các khía cạnh dân sự của hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đưa pháp luật Việt Nam tiến gần và theo kịp với xu hướng phát triển của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực này.
Thứ ba, tham gia Công ước sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân và mọi công dân về hành vi mang đi hoặc giữ lại trẻ một cách bất hợp pháp.
Thứ tư, việc tham gia Công ước góp phần đảm bảo quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, qua đó sẽ có tác động lớn về mặt chính trị và đối ngoại, đồng thời, củng cố và thể hiện mạnh mẽ cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế có nội dung về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia như Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1993, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
3. Thuận lợi, khó khăn của Việt Nam khi gia nhập Công ước
Việc tham gia Công ước của Việt Nam ngoài những lợi ích và tác động đối với thể chế chính trị, kinh tế nêu trên sẽ có một số thuận lợi, khó khăn sau:
3.1. Thuận lợi
Thứ nhất, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta luôn ủng hộ và coi trọng việc bảo vệ quyền trẻ em, quyền hợp pháp của cha/mẹ trong việc nuôi dưỡng con[2].
Thứ hai, Việt Nam mới gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào năm 2013, việc nghiên cứu, gia nhập Công ước sẽ nhận được ủng hộ từ nhiều quốc gia thành viên của Hội nghị La Hay nói chung và thành viên Công ước nói riêng, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản đã quan tâm tìm hiểu thông tin về khả năng Việt Nam gia nhập Công ước. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 14 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, do vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, quy định về việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đang được triển khai thực hiện được coi là bước chuẩn bị về tổ chức góp phần tạo điều kiện thuận lợi khi Việt Nam gia nhập Công ước.
Thứ tư, Công ước không đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đóng niên liễm nên không làm phát sinh nghĩa vụ tài chính cho Việt Nam.
3.2. Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi như đã phân tích ở trên, thì Việt Nam cũng sẽ gặp một số vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn gia nhập Công ước, trong đó phải kể đến một số khó khăn như sau:
Thứ nhất, theo quy định của Công ước cũng như thực tiễn các nước đã cho thấy, để có thể thực thi Công ước hiệu quả đòi hỏi không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức, cá nhân có liên quan phải có nhận thức thống nhất và đầy đủ về các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Công ước. Trong khi đó, từ góc độ pháp lý cũng như quan điểm xã hội, việc giải quyết hậu quả hành vi của cha/mẹ hoặc người thân giữ, đưa trẻ em đi trái phép là vấn đề hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Thực tiễn các cá nhân, tổ chức và các phương tiện thông tin truyền thông thường nhắc tới hành vi giữ hoặc đưa trẻ em đi trái phép ở khía cạnh hình sự. Việc cha, mẹ mang chính con mình đi ra nước ngoài hoặc mang từ nước ngoài về Việt Nam nhằm mục đích nuôi dưỡng thường được người dân, cơ quan, tổ chức của Việt Nam coi đó là hành vi hợp pháp mà chưa nhận thức được hành vi đó thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Do vậy, để giải quyết khó khăn này, Việt Nam cần có khoảng thời gian hợp lý để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức trước, trong và sau khi Việt Nam quyết định gia nhập Công ước.
Thứ hai, hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật trong nước có liên quan đến nội dung của Công ước còn có nhiều khoảng trống hoặc chưa tương thích. Cụ thể, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu và giải quyết yêu cầu trao trả lại trẻ trong trường hợp trẻ bị mang đi hoặc giữ lại trái phép thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Những điều khoản Công ước đã quy định rõ thì có thể áp dụng trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều quy định của Công ước cho phép quốc gia thành viên lựa chọn giải pháp phù hợp để thực thi. Do vậy, để gia nhập Công ước, Việt Nam cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong nước với thời gian và lộ trình cụ thể.
Thứ ba, việc tổ chức thực thi Công ước đòi hỏi một cơ chế liên ngành với sự tham gia của nhiều cơ quan như: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an… Về nguồn nhân lực thực hiện, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn và kỹ năng đặc thù. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các bộ, ngành liên quan đều chưa được trang bị kỹ năng, kiến thức chuyên môn về nội dung của Công ước cũng như chưa chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực thi Công ước.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, nếu tham gia Công ước, Việt Nam phải có kế hoạch, lộ trình chuẩn bị cụ thể, từ hoàn thiện thể chế, thiết chế thực thi đến đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức về Công ước cho người dân.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
[1]. Xem giới thiệu Công ước tại http://www.hcch.net/upload/outline28e.pdf.
[2]. Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (với mục tiêu tổng quát của chương trình là tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ); Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 (theo đó, mục tiêu của chương trình là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em).