Triển khai Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, ngày 04/01/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến với nhiều quy định mới liên quan đến bản điện tử giấy tờ hộ tịch, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Thông tư nêu trên.
Đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến, bảo đảm quyền lợi của người dân
PV: Thưa ông, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19, năm 2021 là một năm gặp nhiều khó khăn đối với Chính phủ cũng như người dân, trong đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thường như đăng ký hộ tịch cũng gặp không ít khó khăn. Thông tư số 01/2022/TT-BTP được ban hành với các nội dung hướng dẫn chi tiết Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến đã có thêm những quy định nào để cải thiện tình hình trên?
Ông Nhâm Ngọc Hiển: Chúng ta đều biết sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, tất cả các hoạt động của xã hội đều gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch của người dân cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng đó, do dịch bệnh, cách ly y tế … người dân một số nơi đã không thực hiện được việc đăng ký hộ tịch.
Với mục tiêu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch trực tuyến, hướng tới cải cách thủ tục hành chính, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, sử dụng bản điện tử các loại giấy tờ hộ tịch, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, liên thông giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, ngày 04/01/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Theo các quy định của Thông tư, người dân có thể yêu cầu giải quyết tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến, trong đó có một số thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 4, tùy theo mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của địa phương.
Một số thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí sẽ được liên thông thực hiện trên môi trường điện tử với sự chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông tư cũng quy định việc người dân có thể sử dụng bản sao điện tử giấy tờ cá nhân, bản điện tử giấy tờ hộ tịch khi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến; cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân, để người dân sẽ không phải gửi kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi cư trú…
bản điện tử giấy tờ hộ tịch khi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến
Việc sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch cần có lộ trình
PV: Có thể thấy những quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BTP thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp trong cải cách thủ tục hành chính về hộ tịch. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/02/2022, như vậy có đồng nghĩa với việc từ ngày 18/02/2022 người dân có thể thực hiện các thủ tục hộ tịch trên môi trường điện tử và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch trong giải quyết các thủ tục hành chính hay không, thưa ông?
Ông Nhâm Ngọc Hiển: Sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chính vì vậy Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP để triển khai. Tuy nhiên, để thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, cấp và sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch hiệu quả, điều kiện quan trọng là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng hoàn thiện, cập nhật dữ liệu đầy đủ, triển khai áp dụng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc; đồng thời có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực tại các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương được bảo đảm.
Hiện tại, tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên toàn quốc đã sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, Phần mềm cũng sẵn sàng cho việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhưng mới có 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử/Cổng dịch vụ công cấp tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, tức là vẫn còn 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa cung cấp được dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định.
Mặt khác, do hiện nay các địa phương chưa thực hiện xong việc số hóa Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng, vận hành thống nhất, chưa được kết nối, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người yêu cầu đăng ký hộ tịch chưa cung cấp được bản sao điện tử giấy tờ cá nhân … nên hiện tại chưa thể triển khai ngay việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch, Thông tư cũng có quy định thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp tại Khoản 3 Điều 14. Trên cơ sở pháp lý này, khi dự án đầu tư công nâng cấp hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được hoàn thành, đầu năm 2023, sẽ có đủ cơ sở để triển khai thực hiện việc cấp và sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch.
Người dân có quyền lựa chọn đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến
PV: Vậy thưa ông, trong thời điểm hiện tại, việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên môi trường điện tử được thực hiện như thế nào?
Ông Nhâm Ngọc Hiển: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư, thì việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến phụ thuộc vào mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.
Tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc kết nối liên thông dữ liệu điện tử giữa Hệ thống thông tin một cửa điện tử/Cổng dịch vụ công cấp tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử thì người dân, nếu có nhu cầu, có thể thực hiện đăng ký trực tuyến các việc hộ tịch được cung cấp trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng có văn bản đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan, thực hiện công khai Danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch được thực hiện trực tuyến, mức độ trực tuyến và Danh sách các cơ quan đăng ký hộ tịch chưa có điều kiện tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến (nếu có) tại địa phương.
Theo quy định chuyển tiếp tại Khoản 3 Điều 14 của Thông tư, cơ quan đăng ký hộ tịch trong giai đoạn hiện nay sẽ giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP, cấp giấy tờ hộ tịch, bản sao Giấy khai sinh, bản sao trích lục hộ tịch theo biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp, thực hiện ký số theo quy định của Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trả kết quả đăng ký hộ tịch là bản có chữ ký số nếu người yêu cầu muốn nhận kết quả là bản điện tử qua thư điện tử, thiết bị số.
Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn của người dân, không bắt buộc người dân phải thực hiện theo phương thức trực tuyến. Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm: trong mọi trường hợp, nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch của người dân đầy đủ, đúng quy định pháp luật thì phải được tiếp nhận, giải quyết.
PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Báo Pháp luật Việt Nam. Xin kính chúc Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và toàn thể ngành tư pháp một năm mới sức khoẻ, triển khai công tác thuận lợi và thành công!
Theo Báo pháp luật Việt Nam điện tử