Đường lối cách mạng của Đảng là hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp của cách mạng Việt Nam, được thể hiện qua cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng. Đường lối đúng đắn, phản ánh đúng quy luật vận động khách quan là nhân tố hàng đầu, quyết định trong triển khai thành công các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quyết định uy tín của Đảng cầm quyền đối với quốc gia, dân tộc[1]. Đường lối cách mạng của Đảng về thúc đẩy và bảo vệ công lý được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những tư tưởng hiện đại của công lý được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần và lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Mối quan hệ gắn bó giữa pháp quyền và công lý được Nguyễn Ái Quốc so sánh một cách đầy hình ảnh: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”[2].
Công lý là điểm tựa chính trị, đạo lý của mỗi chế độ, thể chế và là giá trị mang lại tính chính danh/chính nghĩa/hợp pháp (legitimacy) của mỗi chính quyền. Nghiên cứu lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam từ năm 1945, trong hệ thống văn bản pháp lý, các giá trị công lý đã xuất hiện rất sớm, ngay tại Sắc lệnh số 13 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 24/1/1946 quy định cách tổ chức toà án và các ngạch thẩm phán trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới. Điều thứ 47 Sắc lệnh quy định “Các vị thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Trước đó, ngày 19/9/1945, chỉ hơn 2 tuần sau khi thành lập Chính phủ lâm thời (28/8/1945), công lý cũng đã xuất hiện trên báo Cứu quốc trong bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời tuyên thệ “Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý..”. Hai tư liệu nêu trên là “tuyên ngôn chính trị” của chính quyền nhân dân với nghĩa vụ bảo vệ công lý, khẳng định những giá trị cao quý, thiêng liêng của công lý đã thừa nhận ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước cách mạng. Ở khía cạnh này, công lý đã trở thành vũ khí tư tưởng, chính trị, pháp lý quan trọng, sắc bén góp phần làm sáng rạng tính chính nghĩa, chính đáng, hợp pháp, đồng thời thể hiện sâu sắc và rõ nét bản chất và tư tưởng xây dựng nhà nước thân dân, vì dân của Nhà nước cách mạng nhân dân.
Bước vào giai đoạn đầu của của kháng chiến chống Pháp, hoạt động bảo vệ công lý tiếp tục được thúc đẩy, gắn với việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân và bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ, khách quan. “Muốn bảo vệ công lý… thì cần phải cố gắng thi hành triệt để các Sắc lệnh về bảo đảm tự do cá nhân. Việc thực thi thể lệ bắt một người công dân phải hết sức chặt chẽ: Phải có duyên cớ do luật định, việc bắt phải có lệnh viết của thẩm phán, chỉ cơ quan công an hay cảnh vệ mới có quyền thi hành lệnh ấy; cấm việc tra tấn”. Trong giai đoạn này, “cơ quan tư pháp đã cương quyết phụng sự công lý, cố gắng làm cho pháp luật được tôn trọng trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh của cuộc kháng chiến”[3], do đó, hoạt động bảo vệ công lý “được dân chúng rất hoan nghênh, làm dân tin tưởng ở nền công lý và gây lại uy tín cho Chính phủ”[4].
Từ năm 1949, trước yêu cầu cấp bách hơn của cuộc kháng chiến, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn diện kháng chiến, hoạt động bảo vệ công lý có những cải cách cho thích hợp với tình thế theo phương châm gần dân, đảm bảo nhanh chóng, từng bước gắn kết tư pháp với chính trị, đảm bảo sự thống nhất chỉ huy về chính trị. Tòa án là để phục vụ nhân dân, phụng sự nhân dân, muốn phục vụ nhân dân thì phải gần dân, “tìm công lý trong nhân dân, của nhân dân”. Dưới ánh sáng của lý luận Mác - Lênin xây dựng chính quyền nhân dân, bảo vệ công lý là bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua việc loại bỏ không khoan nhượng mọi hình thức bóc lột giữa người với người. Yêu cầu “hợp công lý” đòi hỏi các quyền dân sự của các tư nhân chỉ có tính tương đối và nó chỉ được chấp nhận nếu hành xử đúng với quyền lợi của nhân dân. Tòa án có thẩm quyền hủy tiêu khế ước khi một bên lập ước lợi dụng sự chênh lệch về địa vị kinh tế giữa hai bên, sự túng quẫn của người lập ước bên kia mà bóc lột người đó[5].
Từ năm 1960-1986 là giai đoạn đất nước ta thực hiện đầy đủ, triệt để lý luận chuyên chính vô sản trong chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986). Theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Trong những thời kỳ khác nhau, chuyên chính vô sản có những nội dung, hình thức và phương pháp công tác khác nhau. Trong thời kỳ đấu tranh chống sự can thiệp vũ trang hoặc sự xâm lược của bọn đế quốc bên ngoài câu kết với các thế lực phản động trong nước, thì bạo lực là phương diện nổi bật của chuyên chính vô sản. Trái lại, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì công tác cải tạo và phát triển kinh tế, công tác văn hóa, công tác tổ chức, công tác pháp chế của nền chuyên chính là những công tác nổi bật. Ông nhấn mạnh, “…đi đôi với việc giải thích, giáo dục pháp luật, phải cưỡng chế thi hành pháp luật, kiểm soát chặt chẽ và xử trí thích đáng đối với hành vi phạm pháp. Các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp về việc này như viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan thanh tra Nhà nước, công an và tòa án, cần phải tăng cường hoạt động, bảo vệ có hiệu lực pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý và trật tự”[6]. Có thể nói, đường lối cách mạng về bảo vệ công lý trong giai đoạn này là tập trung bảo vệ các giá trị tập thể, của nhân dân. Công lý xã hội chủ nghĩa là “bảo vệ, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động” và “bảo đảm cho nhân dân lao động là những người làm chủ tập thể”[7].
Từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915-1998), đất nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới. Nội dung cơ bản của chính sách đổi mới là dân chủ hóa mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, mà trọng tâm là lĩnh vực kinh tế, chính trị. Đổi mới tư duy pháp lý được xác định là một trong những trọng tâm đổi mới đồng bộ với đổi mới tư duy chính trị và đổi mới tư duy kinh tế. Đổi mới nói chung, đổi mới tư duy pháp lý nói riêng phải bắt đầu từ việc tôn trọng quy luật khách quan, “tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng đúng đắn, hành động theo quy luật”[8],[9]. Khi tiến trình dân chủ hóa ngày càng sâu rộng với nhiều thành tựu cải cách quan trọng, các giá trị dân chủ, pháp quyền và tự do cá nhân, trong đó có những giá trị của công lý, như một kết quả tất yếu, đã được ghi nhận và khẳng định trở lại trong cuộc cải cách tư pháp lần thứ ba diễn ra từ năm 2002 cho đến nay.
Có thể nói, đường lối cách mạng của Đảng về thúc đẩy và bảo vệ công lý đang ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Công lý được xác định là yếu tố khẳng định sự chính đáng, chính nghĩa của Đảng cầm quyền với vai trò là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, là yêu cầu tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là yêu cầu tổ chức, quản lý xã hội dựa trên nền tảng của sự ổn định, trật tự và hợp tác. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới nhận định “chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp” và lần đầu tiên sau Đổi mới, Nghị quyết yêu cầu các cơ quan tố tụng và toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ công lý”. Tiếp theo, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã tiếp tục phát triển quan niệm về công lý từ nhiều phương diện, bao gồm: (i) Là mục tiêu cơ bản của nền tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý…”, “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người”, (ii) Là quyền cơ bản của người dân “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”, (iii) Là phẩm chất nghề nghiệp cao quý của mỗi cán bộ tư pháp “bồi dưỡng cán bộ tư pháp có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Những phương diện này tiếp tục được khẳng định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI và XII[10].
Triển khai, hiện thực hóa đường lối nêu trên, nằm trong tổng thể lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng đã lãnh đạo việc thể chế hóa yêu cầu thúc đẩy và bảo vệ công lý tại các văn bản pháp lý quan trọng, rường cột của nước nhà như Hiến pháp năm năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012)…, qua đó, hoàn thiện khung pháp lý vững chắc, đồng bộ, toàn diện trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ công lý. Ngày 8/4/2016 vừa qua, người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tân Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trong bài phát biểu đầu tiên ở cương vị mới trước Quốc hội cũng đã tuyên thệ “Nguyện đem hết sức thực thi công lý”[11].
2. Sự thể hiện của công lý trong Hiến pháp năm 2013
Thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng về thúc đẩy và bảo vệ công lý trong giai đoạn hiện nay, Hiến pháp năm năm 2013 đã cụ thể hóa đường lối thành các quy định bảo đảm thực thi các giá trị công lý, đặc biệt là ở ba phương diện: (1) Khẳng định công lý là giá trị chung của cộng đồng xã hội, (2) Thiết lập quyền tư pháp và giao các Tòa án nhiệm vụ bảo vệ công lý, (3) Bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong hoạt động tố tụng, xét xử.
2.1. Công lý được Hiến pháp năm 2013 tuyên ngôn là giá trị chung của cộng đồng xã hội Việt Nam
Hiến pháp là hình thức tuyên bố các giá trị thừa nhận chung của mỗi cộng đồng xã hội cũng như là hình thức tuyên bố các định hướng cơ bản của sự phát triển đất nước, hay nói cách khác, Hiến pháp có nhiệm vụ tuyên bố những giá trị căn bản được một cộng đồng chia xẻ. Trên thế giới, công lý là một giá trị khá phổ quát đối với nhiều cộng đồng và được xác lập ngay tại Lời nói đầu của Hiến pháp hầu hết các quốc gia trên thế giới như Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan, Hiến pháp Nhật Bản, Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc, Hiến pháp Indonesia hay Hiến pháp Cộng hòa Nam Phi[12].
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 tuyên ngôn các giá trị, định hướng chung của toàn thể cộng đồng xã hội Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, cùng với các giá trị khác là “phát triển bền vững” (Điều 50), “sống trong môi trường trong lành” (Điều 43), “tôn trọng nhân phẩm con người” (Điều 21) hay “công bằng xã hội” (Điều 50). Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, thông qua yêu cầu “bảo vệ công lý”, khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã tuyên ngôn về các giá trị nền tảng của công lý trong tổ chức, quản lý xã hội và trong gắn kết chặt chẽ mỗi thành viên xã hội vì lợi ích chung, được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cộng đồng xã hội Việt Nam chia xẻ và cam kết trách nhiệm, bổn phận bảo vệ, thực thi. Đánh giá về ý nghĩa của những giá trị căn bản được mỗi bản hiến pháp tuyên bố, Giáo sư Ruth Gavison, Đại học Hebrew, cho rằng việc Hiến pháp tuyên bố sẽ cho thấy rõ ràng “mức độ một xã hội được cai trị bằng hiến pháp có sự cố kết nội tại như thế nào và những đặc tính công dân được đa số công dân chấp nhận như thế nào”[13].
Bên cạnh đó, trong một xã hội văn minh, việc để cho các cá nhân tự ý định đoạt khu xử là không thể chấp nhận. Trật tự xã hội cần phải được thiết lập trên cơ sở luật pháp và công lý. Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều có quyền được sống trong một xã hội trật tự, ổn định và hợp tác dựa trên nền tảng những giá trị căn bản của công lý. Với chức năng tạo lập một trật tự chính trị, xã hội ổn định và chính đáng, nếu xác định thành công những giá trị căn bản của cộng đồng thì Hiến pháp sẽ tạo dựng được nền tảng cho những tranh luận về những điểm khác nhau và về phúc lợi toàn thể. Ngược lại, xã hội cũng cần những tuyên bố trong hiến pháp một số giá trị cơ bản để làm nền tảng cho những tranh luận, thương thảo, thỏa hiệp không thể tránh khỏi giữa các nhóm lợi ích, các cá nhân. Trong thực tiễn, có nhiều tiêu chí đánh giá mức độ thành công của mỗi bản hiến pháp như “tính bền vững”, “bảo vệ các quyền và tự do cá nhân”, “tính thực thi/khả thi” hay “khả năng thích nghi của hiến pháp”. Tuy nhiên, xuất phát từ chức năng của Hiến pháp là bản thỏa thuận chung của các thành viên xã hội về một cuộc sống hòa bình, ổn định và trật tự, tiêu chí “phát huy giải quyết các tranh chấp thông qua những giá trị chung của toàn cộng đồng” được đánh giá là một tiêu chí vô cùng quan trọng cho sự thành công của mỗi bản Hiến pháp[14].
2.2. Công lý thể hiện trong những quy định của Hiến pháp năm 2013 về thiết lập quyền tư pháp và hoạt động kiểm soát tư pháp
Một trong những trọng tâm của mỗi bản Hiến pháp là yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước bằng pháp luật, phòng ngừa những hành xử tuỳ tiện, duy ý chí, lạm quyền, vượt quyền của các cơ quan công quyền nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và tự do cá nhân. Để “các nguyên tắc của công lý không bị giẫm đạp” thì “tham vọng phải được sử dụng để chống lại tham vọng”, đồng thời, “người điều hành mỗi nhánh chính quyền phải có những biện pháp hợp hiến cần thiết và những động cơ cá nhân để chống lại sự lạm quyền của những người khác”. Hiến pháp Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình về tính ổn định, bền vững trong duy trì mục tiêu này suốt hơn 200 năm qua thông qua việc áp dụng và phát triển học thuyết phân quyền (seperation of powers) cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của một xã hội Hoa Kỳ năng động và đa văn hóa[15].
Do những đặc thù của hệ thống chính trị nên Việt Nam là quốc gia khá trung thành với học thuyết tập quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà nước Việt Nam trong thời gian dài là một “nhà nước kháng chiến”, quyền lực nhà nước phải được bảo đảm tập trung, các quyết định và việc thực thi quyền lực được bảo đảm nhanh chóng, thống nhất. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang thời bình và đặc biệt là từ khi lựa chọn mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã công nhận các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và yêu cầu phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện các quyền này (division of powers). Đến năm 2013, Hiến pháp đã tiếp tục cụ thể hóa việc xác định cơ quan đảm nhận các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đồng thời, đặt ra nhiệm vụ “kiểm soát” giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Như vậy, công lý đã thúc giục, đòi hỏi Hiến pháp phải thiết lập quyền tư pháp như một cành quyền lực với các quyền năng đủ sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý.
Khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục xác định và giao Tòa án nhân dân là cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ công lý”. Điều này không có nghĩa là các cơ quan lập pháp, hành pháp, cũng như mọi tổ chức, cá nhân không cộng đồng trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ công lý mà đây chỉ là sự nhấn mạnh trách nhiệm trung tâm của Tòa án với vai trò là thiết chế cơ bản bảo vệ công lý. Tại một số quốc gia, việc chỉ định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý này còn có thể mở rộng đến người dân. Điển hình như Điều 182 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan quy định “Luật sẽ quy định phạm vi tham gia của công dân trong việc thi hành công lý”.
Để bảo đảm đủ điều kiện, phương tiện, biện pháp cần thiết cho các Tòa án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã xác lập quyền tư pháp và giao Tòa án nhân dân “thực hiện quyền tư pháp”. Vị thế độc lập và quyền năng của một “cành quyền lực” đã và đang bảo đảm tốt hơn cho nguyên tắc tư pháp độc lập, sự công tâm, không thiên vị hay sợ hãi, cũng như ý chí bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng của các Tòa án. Cũng từ vị thế này, các Tòa án có thể thực hiện tốt hơn chức năng “kiểm soát tư pháp”, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân trước những xâm hại từ các chủ thể khác, đặc biệt là từ phía các cơ quan, nhân viên công quyền.
Cùng với sự cố gắng tối đa trong việc thiết kế vị thế tư pháp độc lập thông qua các chế định về tổ chức và hoạt động của các Tòa án, để bảo vệ hiệu quả công lý, Hiến pháp năm 2013 còn quy định chặt chẽ các nguyên tắc tố tụng, nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp cũng như tính liêm chính của thẩm phán. Điều 103 Hiến pháp năm 2013 khẳng định nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, quyền bào chữa, đồng thời nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
2.3. Công lý thể hiện ở các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền được xét xử công bằng
Thực thi, bảo vệ công lý là khía cạnh quan trọng của bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Một trong những chức năng quan trọng của Hiến pháp là bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền lực nhà nước xâm phạm quyền con người, quyền công dân. Do đó, hạn chế, ngăn ngừa sự xâm phạm quyền con người, quyền công dân thông qua những quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân luôn là một nội dung quan trọng của mỗi bản Hiến pháp[16].
Ở khía cạnh thứ nhất, bảo vệ công lý là cơ chế hữu hiệu bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Quyền là cái có trước, được thừa nhận, công nhận và bảo vệ. Công lý là cái có sau, là “nghĩa vụ hoàn lại, trả lại cho mọi người cái mà họ có quyền được hưởng”. Khi các quyền bị vi phạm, công lý sẽ xuất hiện, căn chỉnh lại nghĩa vụ giữa các bên để bảo đảm lẽ phải, lẽ công bằng, khôi phục các quyền đã bị xâm hại.
Ở khía cạnh thứ hai, thực thi công lý được hiểu là tập hợp các quyền cá nhân bảo đảm việc xét xử công bằng với hai nội dung cơ bản về thể chế (sự độc lập của tòa án, sự không thiên vị của thẩm phán) và về thủ tục (chặt chẽ, khách quan, kịp thời). Quyền được xét xử công bằng được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và được cụ thể hóa trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Trong nhóm các quyền dân sự, chính trị, quyền được xét xử công bằng và bình đẳng trước pháp luật giữ một vị trí hết sức quan trọng nhằm ngăn chặn những hành vi phân biệt đối xử, đảm bảo tiếp cận công lý một cách công bằng và hiệu quả.
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Cùng với ghi nhận yêu cầu bảo vệ công lý, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền con người trong hoạt động tố tụng xét xử nói riêng đã được mở rộng, làm sâu sắc, cụ thể và khả thi hơn như bổ sung các quy định về xét xử kịp thời, công khai, công bằng, không bị kết án hai lần cho cùng một tội phạm, quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa, trách nhiệm bồi thường nhà nước trong tố tụng để thực hiện tốt hơn nguyên tắc tố tụng công bằng. Đặc biệt, trước yêu cầu bảo vệ công lý, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 đã diễn giải nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc thường bị áp dụng một cách không đầy đủ, sai lệch trong quá trình tố tụng dẫn đến nhiều vụ án oan sai nghiêm trọng trong thời gian qua, một cách rõ ràng hơn so với trước đây. Từ quy định tại Hiến pháp năm 1992 “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, Hiến pháp năm 2013 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Cách diễn giải này đã giúp các cơ quan tố tụng “cân bằng và khách quan hơn” trong việc tìm kiếm chứng cứ, cả buộc tội và gỡ tội, xóa bỏ định kiến coi nhẹ, bỏ qua chứng cứ gỡ tội, thay vì chỉ tập trung tìm kiếm chứng cứ có tội, nếu không tìm được mới coi là vô tội như trước đây[17].
Bên cạnh một số kết quả cụ thể ban đầu đạt được, với tư cách là Đảng cầm quyền, chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, đường lối của Đảng trong thúc đẩy và bảo vệ công lý cần tiếp tục được làm sâu sắc hơn với quyết tâm chính trị cao hơn. Thúc đẩy và bảo vệ công lý, giữ vững an ninh, trật tự, ổn định, an toàn xã hội trên cơ sở các giá trị công lý cần phải tiếp tục được khẳng định một cách dứt khoát là một bộ phận cấu thành quan trọng, không thể thiếu trong đường lối lãnh đạo của Đảng, trong quản lý và tổ chức xã hội và trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, từ đó, góp phần không ngừng củng cố niềm tin và sự gắn bó của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự