Nhận thức như vậy không đồng nghĩa với việc coi tham nhũng trong bộ máy nhà nước là điều đương nhiên phải chấp nhận mà để chúng ta có ý thức rõ ràng về nguy cơ tiềm tàng của nó đồng thời có các giải pháp “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi” tệ nạn này. Cùng với sự phát triển của các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị - kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan quan trọng làm cho tham nhũng phát triển. Lợi ích là yếu tố chủ quan dẫn đến tham nhũng. Khi còn điều kiện để lợi ích kết hợp với sự lạm quyền của những người có chức vụ, quyền hạn thì vẫn còn có khả năng xảy ra tham nhũng.
Tham nhũng đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; làm thúc đẩy quá trình phân hoá giàu nghèo; làm thay đổi cả chính sách, pháp luật; làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; làm thay đổi những chuẩn mực đạo đức xã hội, làm vẩn đục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước; làm suy giảm uy tín quốc gia trong các quan hệ hợp tác phát triển.
Trong khuôn khổ đóng góp hoàn chỉnh Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), tác giả tham gia ý kiến vào hai nội dung đó là: Sửa đổi, bổ sung khái niệm và chủ thể của tham nhũng để góp phần hoàn thiện các quy định về phát hiện và xử lý tham nhũng hiện hành. Cụ thể:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung khái niệm tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 như sau: “Tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Với khái niệm như vậy sẽ giúp bổ sung quy định về hành vi tham nhũng ở khu vực tư (khu vực ngoài nhà nước) để việc đấu tranh chống tham nhũng được toàn diện, triệt để hơn. Trên thực tế, trong khu vực tư cũng có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tập thể, cá nhân và các hành vi đó hiện nay khá phổ biến. Không ít người ở khu vực tư đã giàu lên nhanh chóng nhờ có quyền lực về kinh tế, trong khi đó, những người lao động dưới quyền lại khó khăn về kinh tế hoặc rất nghèo khổ, dẫn đến phân cực giàu nghèo sâu sắc và thiếu công bằng xã hội. Mặt khác, trong một số trường hợp, các hành vi diễn ra trong khu vực tư là nguồn gốc, là điều kiện của tham nhũng trong khu vực công. Do đó, việc quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực tư sẽ bảo đảm cho nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng được toàn diện hơn.
Trong khoa học và thực tiễn trên thế giới đã có nhiều quan niệm khác nhau về tham nhũng, có thể tham khảo một số khái niệm như sau:
- Ban nghiên cứu thuộc Hội đồng châu Âu đã đưa ra khái niệm tham nhũng: “Tham nhũng bao gồm những hành vi hối lộ và bất kỳ một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực nhà nước hoặc tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc cho người khác”.
- Theo Tổ chức Minh bạch Thế giới (Transparency International - TI), tham nhũng là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.
- Ban Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng: “Tham nhũng bao hàm:
Một là: Hành vi của những người có chức, có quyền ăn cắp, tham ô và chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Hai là: Lạm dụng chức quyền để trục lợi bất hợp pháp thông qua việc sử dụng các quy chế chính thức một cách không chính thức.
Ba là: Sự mâu thuẫn, không cân đối giữa các lợi ích chính đáng do thực hiện nghĩa vụ xã hội với những món tư lợi riêng”.
- Nghiên cứu tham nhũng từ góc độ đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật và tội phạm thì GS. TS. Nguyễn Xuân Yêm, PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, TS. Bùi Minh Thanh cho rằng: “Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử xuất hiện và tồn tại trong xã hội phân chia giai cấp và hình thành Nhà nước, được thể hiện bằng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cho cá nhân hoặc người khác dưới bất kỳ hình thức nào, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân hoặc đe dọa gây thiệt hại cho hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
- Nghiên cứu tham nhũng từ nhiều góc độ, GS.TSKH. Phan Xuân Sơn và ThS. Hoàng Thế Lực cho rằng: “Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, trong đó các tổ chức, tập đoàn, cá nhân… lợi dụng những ưu thế về chức vụ, cương vị, uy tín, nghề nghiệp, hoàn cảnh của mình hoặc người khác, lợi dụng những sơ hở của pháp luật để trục lợi bất chính”.
Mặc dù được diễn đạt khác nhau, song hầu hết các quan điểm trên đều giống nhau ở chỗ cho rằng, tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để trục lợi cá nhân.
Thứ hai, về chủ thể. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 quy định “người có chức vụ, quyền hạn”, bao gồm cả “người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Nhưng trên thực tế, có những người mặc dù không có chức vụ, quyền hạn nhưng họ vẫn là đối tượng cần được nghiên cứu có phải là chủ thể của tham nhũng hay không, chẳng hạn như: Người lợi dụng sự ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn để thu lợi cá nhân; người tiếp tay, giúp sức người có chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tham nhũng. Do đó, vẫn cần phải nghiên cứu để quy định thêm chủ thể của tham nhũng trong các trường hợp trên.
Bên cạnh đó, việc quy định chủ thể tham nhũng là người được giao thực hiện nhiệm vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó còn có nhiều cách hiểu khác nhau, bởi theo quy định này thì không rõ nhiệm vụ được nêu là nhiệm vụ ở trong khu vực công hay ở khu vực tư. Nếu bao gồm cả khu vực tư thì người được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể (chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát của doanh nghiệp; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát hợp tác xã) đã lợi dụng nhiệm vụ của mình để vụ lợi cũng được coi là chủ thể của tham nhũng. Vì vậy, cần quy định cụ thể người được giao công vụ, nhiệm vụ là người được những người có chức vụ, quyền hạn giao nhiệm vụ; được giao nhiệm vụ quản lý, kiểm soát nguồn vốn, tài sản, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tập thể.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định pháp nhân là chủ thể của tham nhũng, nhưng trong thực tế có xảy ra. Để bảo đảm phòng, chống tham nhũng được toàn diện và triệt để hơn, cần bổ sung một số hành vi tham nhũng của pháp nhân. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với pháp nhân có hành vi tham nhũng là bằng biện pháp kinh tế và biện pháp hành chính, như: Phạt tiền, cấm kinh doanh, giải thể pháp nhân… Việc xử lý hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân mà không thể xử lý đối với pháp nhân theo đúng nguyên tắc của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong trường hợp pháp nhân có hành vi tham nhũng, có thể truy cứu trách nhiệm của những người thuộc pháp nhân đó có những hành vi vi phạm pháp luật thì có thể bị xử lý hình sự nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Thanh tra tỉnh Đồng Nai
1. Nguyễn Xuân Yêm, Nguyễn Hòa Bình, Bùi Minh Thanh (2007), Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam và thế giới, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
2. Phan Xuân Sơn, Hoàng Thế Lực (2010), Nhận diện tham nhũng và các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. J. Edgardo Campos, Sanjay Pradhan (2007), The many faces of corruption: Tracking vulnerabilities at the sector level, The World Bank, Washington.
4. Rick Stapenhurst, Niall Johnston, Riccardo Pellizo (2006), The role of Parliament in curbing corruption, The World Bank, Washington.