Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội và phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010 (sau đây gọi chung là Luật Giáo dục) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Nhờ đó, sau hơn 11 năm thực hiện Luật Giáo dục, tổ chức và hoạt động giáo dục đã ổn định và phát triển phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra cho nền giáo dục những yêu cầu mới về chất lượng, trình độ nguồn nhân lực, sự đổi mới hệ thống và phương thức giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bởi vậy, Luật Giáo dục cần phải tạo ra những cơ chế, chính sách mang tính đổi mới, tạo bước đột phá nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tại thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục là cần thiết với một số lý do sau:
Thứ nhất, việc sửa đổi Luật Giáo dục phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW)
Thứ hai, sửa đổi Luật Giáo dục đảm bảo sự thống nhất với các Luật khác về lĩnh vực giáo dục, như: Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Bộ luật Dân sự; đồng thời bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan được ban hành trong thời gian gần đây, như: Luật Đầu tư năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện năm 2016; Luật Doanh nghiệp năm 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015…
Thứ ba, một số nội dung chính sách và các điểu khoản của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển nền giáo dục theo định hướng mở, liên thông và hội nhập quốc tế. Những nội dung cơ bản của hệ thống giáo dục được quy định trong Luật, như: Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, phân luồn, thời gian đào tạo các cấp học, giáo dục thường xuyên, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục… đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, việc sửa đổi Luật Giáo dục sẽ tạo sự phù hợp với các cam kết quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục tại thời điểm hiện nay là cần thiết.
2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục phải quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:
Một là, thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đặc biệt là các quan điểm của Đảng đã được nêu trong các Nghị quyết: Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (Khóa VII); Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hai là, tổ chức xây dựng dự án Luật theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đã xây dựng. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tập trung vào các nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua và đã được thể hiện trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đồng thời trong quá trình rà soát sửa đổi, bổ sung có mở rộng phạm vi xem xét một số điều luật tuy không nằm trong các chính sách đã báo cáo nhưng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất với các điều, khoản đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lồng ghép vào các chính sách đó, sao cho không phát sinh các chính sách mới.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục theo tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện” mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã chỉ ra, dự thảo Luật đã xem xét và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chính sách đối với nhà giáo (lương, chuẩn trình độ đào tạo) và học phí. Đây là những vấn đề cơ bản, là những điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin đề xuất bổ sung những nội dung chính sách đó vào dự án Luật, kèm theo thuyết minh và đánh giá tác động chính sách.
Ba là, các quy định của dự án Luật phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Hiến pháp, các bộ luật và luật hiện hành; phù hợp với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên. Việc chỉnh sửa dự án Luật bảo đảm Luật Giáo dục là luật khung, tương đối cụ thể, quy định toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân; đối với các quy định về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chỉ quy định những nguyên tắc chung bảo đảm sự thống nhất của hệ thống, còn các quy định cụ thể dẫn chiếu hoặc do Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học quy định.
3. Một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 4, Hệ thống giáo dục quốc dân. Việc sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các luồng di chuyển của người học trong hệ thống; tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích lũy kiến thức và học tập suốt đời. Đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng. Thiết lập được hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người học. Hệ thống giáo dục sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, phục vụ người học, phục vụ xã hội; tạo cơ hội để mọi người học tập suốt đời theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm tính thống nhất, liên thông, liên kết, phù hợp giữa các ngành nghề, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính ổn định và tính thống nhất tương đối của các quy định pháp luật về hệ thống giáo dục tại các luật về giáo dục đào tạo (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp). Thể chế hóa các quy định tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được thực tiễn kiểm nghiệm thành quy định của Luật.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa nhằm: Tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm học sinh học hết trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, học sinh trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau trung học phổ thông có chất lượng, bảo đảm năng lực học suốt đời; đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba, bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
- Bổ sung Điều 14a. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo để phù hợp với Luật Quy hoạch đang được trình Quốc hội thông qua và thực tiễn phát triển giáo dục thời gian qua, theo đó giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy vào đó xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục do địa phương quản lý, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt, đồng thời bảo đảm phù hợp với Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhằm xây dựng phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
- Sửa đổi, bổ sung quy định Điều 71 về giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học để phù hợp với thực tiễn, làm rõ trách nhiệm của giáo sư, phó giáo sư trong việc nghiên cứu khoa học.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 77 về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học; sửa đổi, bổ sung Điều 81 về tiền lương của nhà giáo, nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW.
- Bổ sung khoản 2 Điều 54 về thẩm quyền ban hành chuẩn nhà giáo; khoản 4 Điều 78 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục của cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Điều 80 quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; khoản 2 Điều 99 ban hành điều kệ ban đại diện cha mẹ học sinh; ban hành quy định về tổ chức của cơ sở giáo dục khác; ban hành quy định hoạt động dạy học và giáo dục trong và ngoài nhà trường; quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp; khoản 2 Điều 110c quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định về tiêu chuẩn, quy trình đánh giá đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
- Bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chịu trách nhiệm về chất lượng của giáo dục địa phương tại khoản 4 Điều 100.
- Sửa đổi, bổ sung đối tượng học sinh trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí tại khoản 1 Điều 105.
- Để phù hợp với một số luật mới được ban hành, sửa đổi một số điều sau: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 105 về học phí để phù hợp với Luật Giá; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 113 về thanh tra giáo dục để phù hợp với Luật Thanh tra.
Thứ tư, sửa đổi các quy định, điều về kỹ thuật
- Nhằm đảm bảo phù hợp và thống nhất với quy định của khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư: “3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngành bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh: Sửa đổi khoản 4 Điều 51 giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định cụ thể thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo; khoản 2 Điều 110c giao cho Chính phủ quy định điều kiện thành lập và giải thể của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;
- Để phù hợp với Luật Người khuyết tật: Bãi bỏ cụm từ “tàn tật” tại Điều 10, khoản 2 Điều 26, Điều 63, khoản 1 Điều 82, khoản 1 và khoản 2 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12.
4. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau
- Về chính sách đối với nhà giáo: Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục (Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp)
- Vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học: Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (“…tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở... phải có trình độ từ đại học trở lên…”). Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.
- Vấn đề chính sách phổ cập liên quan đến học phí: Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh trung học cơ sở trường công lập.
- Dự thảo 2 Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục)
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp