Xử phạt vi phạm hành chính là một lĩnh vực rộng lớn bao quát hầu như toàn bộ mọi hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiện nay, có đến hơn 100 lĩnh vực quản lý nhà nước áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. Trong số các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng phổ biến. Cũng giống như các hình thức xử phạt khác, phạt tiền nhằm góp phần vào việc duy trì trật tự, kỷ cương, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội, thông qua cơ chế gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế, vật chất của cá nhân, tổ chức vi phạm, mang tính “răn đe” đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực cụ thể phải bảo đảm nhiều yêu cầu khác nhau như: Tính thích đáng với hậu quả của vi phạm hành chính gây ra; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như điều kiện về mặt tài chính của từng đối tượng vi phạm cụ thể nói riêng… và một yêu cầu khác cũng quan trọng không kém là phải bảo đảm được tính “răn đe” của chế tài xử phạt, từ đó, giúp giảm thiểu vi phạm hành chính có thể xảy ra.
Sau 07 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể thấy rằng, mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực cụ thể so với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay không còn phù hợp, không bảo đảm tính răn đe khi các hành vi vi phạm xảy ra ngày càng tinh vi, phổ biến và gây hậu quả lớn đến xã hội, gây thiệt hại kinh tế, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Những bất cập trên nảy sinh cũng là dễ hiểu bởi sự phát triển nhanh của kinh tế - xã hội đất nước, trong khi các chế tài luật, nghị định có độ lùi, trễ lớn về mặt thời gian.
Qua bài viết “Sửa đổi, bổ sung về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”, tác giả Triệu Thị Bình đã khái quát về mức tiền phạt tối đa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nêu lên những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn thực hiện, từ đó, có những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2020.