Như vậy, xác định áp dụng biện pháp cưỡng chế thuộc thẩm quyền của chấp hành viên và khi chấp hành viên áp dụng biện pháp này phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc cưỡng chế thi hành án thường được chấp hành viên chuẩn bị lên kế hoạch kỹ càng, mất nhiều thời gian, công sức cho một vụ việc, có những vụ việc cưỡng chế thành công, nhưng có những vụ thất bại do nhiều nguyên nhân (có cả khách quan, chủ quan), những vụ cưỡng chế thất bại (không thành công) có thể dẫn đến tạm dừng việc cưỡng chế. Xung quanh vấn đề “tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án” có nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, chấp hành viên không có quyền tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án, đơn giản là vì pháp luật không quy định trường hợp này, chấp hành viên tạm dừng việc cưỡng chế, vì bất kỳ lý do gì đều do lỗi của chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm, gánh chịu mọi hậu quả đối với việc làm của mình. Bởi trước khi tổ chức việc cưỡng chế, chấp hành viên đã chuẩn bị kỹ, đầy đủ mọi vấn đề như: Xác minh, họp ban chỉ đạo thi hành án dân sự, xin chỉ đạo chuyên môn của cấp trên (khi cần thiết) và quan trọng nhất chấp hành viên đã có những dự liệu, tình huống phức tạp phát sinh…
Ý kiến khác cho rằng, trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên có quyền tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án, pháp luật quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế là của chấp hành viên và chỉ có chấp hành viên có quyền áp dụng và đương nhiên chấp hành viên có quyền tạm dừng vì lý do nào đó nếu xét thấy cần thiết, sự tạm dừng này phù hợp với điều kiện thực tiễn phát sinh. Việc cưỡng chế sẽ được tổ chức lại khi những yếu tố khách quan cản trở không còn, đảm bảo cho việc cưỡng chế thành công.
Pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, song trước thực tế phát sinh trong đời sống xã hội thì pháp luật về thi hành án dân sự chưa thể điều chỉnh hết được, cụ thể là vấn đề tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án. Tạm dừng - một thuật ngữ được quy định trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 nhưng chỉ được dùng trong trường hợp để giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (điểm b, khoản 1 Điều 145), còn những trường hợp khác thì không được áp dụng, song không vì thế mà có những trường hợp chấp hành viên không thể không tạm dừng việc cưỡng chế. Ví dụ thực tế đã xảy ra, chẳng hạn: Khi có quyết định cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế, thông báo cưỡng chế, thì Ủy ban nhân dân huyện có văn bản chỉ đạo xem xét tạm dừng việc cưỡng chế do tình hình chính trị tại địa phương đó có những dấu hiệu bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (bạo loạn, biểu tình, có thể thế lực thù địch lợi dụng kích động nhân dân…) như vậy trong trường hợp này, chấp hành viên không thể không tạm dừng, hoặc trường hợp khác khi tổ chức cưỡng chế, thông thường hội đồng cưỡng chế và những người tham gia cưỡng chế tập kết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế để bàn bạc, thống nhất và hội ý để triển khai, bố trí lực lượng, kiểm tra thành phần, nhưng thiếu thành phần tham gia là đại diện địa phương mà không có lý do, lãnh đạo xã cũng không phân công cán bộ chuyên môn cấp xã tham gia buổi cưỡng chế (đại diện Ủy ban nhân dân xã, cán bộ địa chính xây dựng xã...) theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Thi hành án dân sự thì việc kê biên phải lập thành biên bản và đại diện chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế... phải ký vào biên bản cưỡng chế, như vậy đại diện địa phương, tổ dân phố tham gia chứng kiến việc cưỡng chế là bắt buộc, không được vắng dù bất kỳ lý do gì, bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì kế hoạch cưỡng chế phải gửi ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế, do đó, Uỷ ban nhân dân xã phải sắp xếp bố trí thời gian, cử người tham gia, đây là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong công tác phối hợp tổ chức cưỡng chế nói riêng và công tác thi hành án nói chung (Điều 175 Luật Thi hành án dân sự). Vì thế, khi Uỷ ban nhân dân cấp xã vắng, thì phải tạm dừng, việc cưỡng chế không thể thực hiện được khi thiếu thành phần đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã, tổ dân phố, thôn làng. Đó là một trong những ví dụ, lý do về việc tạm dừng cưỡng chế của chấp hành viên, đối chiếu với các quy định của pháp luật thi hành án dân sự, những ý kiến khác nhau về việc tạm dừng cưỡng chế thi hành án, thiết nghĩ, khoảng trống pháp lý này cần được cấp có thẩm quyền xem xét để bổ sung hoàn thiện các quy định pháp lý của pháp luật thi hành án dân sự, tránh việc áp dụng không thống nhất, sai quy định và xảy ra những hậu quả pháp lý như các chi phí cưỡng chế mà chấp hành viên đã tạm ứng trước để thực hiện việc cưỡng chế, nay tạm dừng, thì chi phí này ai chịu, bởi trong trường hợp này không phải do lỗi của người phải thi hành án…?
Do đó, chúng tôi cho rằng, vấn đề là chấp hành viên phải xác định và nhận thức đúng việc “tạm dừng”, chấp hành viên không được “tạm dừng” khi xét thấy không cần thiết để tránh gây ra những hậu quả pháp lý khó xử lý, có thể bị khiếu kiện do hành vi, quyết định của mình.
Trịnh Văn Tuyên