Khai mạc buổi tọa đàm, TS. Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã khẳng định: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, đặc biệt là trong điều kiện nước ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quyền được thông tin về pháp luật của công dân được đảm bảo, từ đó giúp cho cán bộ và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, có niềm tin và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác này.
Tiếp nối lời phát biểu khai mạc, đồng chí Phùng Thị Kim Nga, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết: Cùng với những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, những năm qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, hàng năm UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm với nhiều nội dung, hình thức mở rộng, đa dạng, có chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Tiếp theo buổi tọa đàm là tham luận của các đại biểu đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh xoay quanh các chủ đề trọng tâm như: Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử lưu động; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp; Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số… Đại diện phòng tư pháp các huyện cũng có bài tham luận liên quan đến phương thức, các cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện như: Thông qua sinh hoạt chi bộ, thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã được nghe rất nhiều ý kiến thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đồng chí Phùng Thị Kim Nga, Giám đốc Sở Tư pháp nhận định: Thông qua các bài tham luận cũng như thảo luận tại buổi tọa đàm có thể thấy rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng được đẩy mạnh, dần đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả. Thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng nhận thức của cán bộ, đảng viên và người lao động từ đó chấp hành, thực hiện tốt quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Kết thúc tọa đàm, TS. Đặng Vũ Huân, Tổng biên tập Tạp chí trân trọng cảm ơn Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho buổi tọa đàm được tiến hành thuận lợi và đạt kết quả tốt đẹp; cảm ơn các đại biểu đã tích cực thảo luận, cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Tổng biên tập cũng hy vọng rằng, những vấn đề mà các đại biểu đã nêu trong buổi tọa đàm sẽ được làm rõ ràng và sâu sắc hơn trong ấn phẩm chuyên để 32 trang dự kiến phát hành trong tháng 3/2017.
Ảnh: Thu Trang