Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có các thành viên đại diện một số Bộ, ngành: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải... và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và sửa đổi, bổ sung ngày 10/6/2020. Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện cho thấy, công tác giám định đã có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả; đội ngũ người làm giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động giám định tư pháp, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp là hết sức cần thiết.
Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trình bày các nội dung của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi)
Theo đó, đề cương Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tiếp tục kế thừa, phát triển một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành thời gian qua như về khái niệm giám định tư pháp, nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp, trình tự, thủ tục giám định tư pháp, quản lý nhà nước về giám định tư pháp... Bên cạnh đó, đề cương Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về: (i) tiêu chuẩn, việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp; tiêu chuẩn, việc công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; (ii) tổ chức giám định tư pháp, mở rộng việc thành lập văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực; (iii) việc trưng cầu giám định, tiếp nhận trưng cầu giám định, quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định, người được trưng cầu giám định, thời gian giám định tư pháp, thành phần hồ sơ giám định, kết luận giám định tư pháp; (iv) chi phí giám định tư pháp và chế độ, chính sách đối với giám định viên tư pháp; (v) trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp và thông tin, phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng. Với phạm vi sửa đổi này, dự kiến Luật Giám định tư pháp sẽ sửa đổi, bổ sung 34 điều trên tổng số 46 điều của Luật Giám định tư pháp hiện hành và bổ sung 07 điều.
Đại diện Bộ Công an trao đổi tại phiên họp
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cơ bản đồng ý với đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi và 03 chính sách được nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an còn băn khoăn đối với nội dung mở rộng việc thành lập văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự, đại biểu cho biết, kết luận giám định được xác định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để quyết định việc đánh giá, xử lý vụ án có khách quan hay không, có thể khởi tố hay không khởi tố vụ án. Vì vậy, việc giao cho các văn phòng giám định tư pháp có thể không bảo đảm được tính chính xác. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, bởi theo Thông tư số 32/2022/TT-BCA ngày 12/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự; tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y trong Công an nhân dân; công bố tổ chức, người giám định theo vụ việc trong Công an nhân dân có quy định về tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự phải là sĩ quan nghiệp vụ công an. Tuy nhiên, đối tượng này lại không phải là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên không thể đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
Đại diện Bộ Quốc phòng trao đổi tại phiên họp
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, trước khi quy định các nội dung liên quan đến mở rộng việc thành lập văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét tình hình thực tiễn về khả năng thực hiện các công việc của các cơ quan có thẩm quyền giám định tư pháp công lập; nghiên cứu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các văn phòng này khi đã được thành lập; nghiên cứu nguồn đào tạo các giám định viên. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc giải quyết xung đột giữa kết luận giám định do cơ quan có thẩm quyền giám định tư pháp công lập cung cấp với kết luận giám định văn phòng giám định tư pháp cung cấp.
Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cáo, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nội dung về việc giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu các cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định tư pháp; chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút các chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực giám định tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.
Trao đổi về nội dung Đề cương Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung “sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp” là áp dụng cho quy định về việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp hay áp dụng cho nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cần thiết theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn lĩnh vực giám định tư pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp thẩm định
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật Giám định tư pháp (sửa đổi). Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, cân nhắc việc lược bỏ các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong các bài viết, phát biểu gần đây, cũng như quan điểm của Chủ tịch Quốc hội trong việc xây dựng luật.
Về các chính sách tại Tờ trình, Thứ trưởng cho rằng, Chính sách 2 có nội dung rất rộng, có thể bao hàm cả Chính sách 1 và Chính sách 3. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh tên gọi cho phù hợp với nội dung, mục đích đề xuất chính sách. Liên quan đến đề cương Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại nội dung các quy định với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực tố tụng; các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân... nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.
Thùy Dung