Sự phát triển của công nghệ thông tin và internet đã đem đến những tiện ích vô cùng to lớn cho đời sống, xã hội và con người. Những năm qua, các cơ quan báo chí điện tử ở trong nước có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu thống kê trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông thì cả nước có 103 cơ quan báo và tạp chí điện tử, gần 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp và 420 trang mạng xã hội đã tạo ra một bức tranh đa sắc mầu, đa phong cách trong làng báo chí điện tử Việt Nam[1].
Báo chí điện tử cung cấp thông tin ngày càng đa dạng và phong phú; tích cực tuyên truyền những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phát động và tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống và phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong xu thế giao lưu và hội nhập với các nước trên thế giới[2].
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nói trên, một số cơ quan báo chí điện tử còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng - văn hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích; thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội; đưa tin, rút tít theo hướng giật gân câu khách; nội dung thông tin trên các báo trùng lặp hoặc sao chép của nhau, nhất là khi có các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về các vụ án liên quan đến tình hình an ninh, trật tự; chưa quan tâm tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước...
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động ở lĩnh vực này còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của báo chí điện tử. Việc xử lý tổ chức, cá nhân sai phạm còn chưa nghiêm khắc, thiếu kiên quyết, chưa kịp thời, còn cả nể và hình thức[3]... Vì vậy, để phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của thông tin trên báo chí điện tử trong tình hình hiện nay, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí điện tử cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý nhà nước đối với báo chí điện tử
Hiện nay, chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với báo chí điện tử phụ thuộc nhiều vào mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Để báo chí điện tử phát triển, chất lượng thông tin được nâng cao, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, loại bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, lạc hậu; đồng thời ban hành mới các văn bản có chất lượng, tính pháp lý cao, sát thực với sự phát triển của báo chí điện tử, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu như: Phải đồng bộ, thống nhất, cụ thể để báo chí điện tử phát triển vững chắc, đủ khả năng định hướng, chi phối dư luận và truyền thông xã hội.
Hai là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng phẩm chất, chính trị, đào tạo và tập huấn về kiến thức, kỹ thuật cho đội ngũ làm báo chí điện tử
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hoạt động báo chí trong môi trường truyền thông số đòi hỏi phải thiết lập tiêu chuẩn đầu vào đối với cán bộ công tác trong bộ máy quản lý nhà nước về báo chí điện tử. Tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ làm công tác quản lý báo chí điện tử phải là đảng viên, có trình độ nghiệp vụ báo chí, am hiểu về công nghệ thông tin, có trình độ ngoại ngữ tương đương cử nhân, có kiến thức về quản lý và pháp luật, có đạo đức, phẩm chất tốt.
Trước mắt, đối với công chức, viên chức từ Trung ương đến cơ sở đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí điện tử cần được đào tạo, tập huấn, cập nhập kiến thức, kỹ năng và bồi dưỡng chính trị thường xuyên. Đối với cơ quan chủ quản, cán bộ được phân công theo dõi, quản lý báo chí điện tử cũng phải đủ tiêu chuẩn như đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước đối với báo chí điện tử từ Trung ương đến các địa phương để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ hiện nay. Đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử, hoạt động của báo chí điện tử phụ thuộc vào hạ tầng internet và công nghệ thông tin, vì vậy, điều kiện bổ nhiệm ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung như các loại hình báo chí khác, còn phải am hiểu công nghệ thông tin. Tiến tới yêu cầu những người quản lý phải có trình độ ngoại ngữ để cập nhập thường xuyên những tiến bộ khoa học của thế giới nhằm nâng cao chất lượng báo chí điện tử và an toàn về an ninh mạng. Kiên quyết không bổ nhiệm lại những lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử để xảy ra nhiều sai phạm. Phóng viên nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp, cố ý đưa những thông tin bất lợi về tư tưởng, tác động xấu đối với xã hội và an ninh quốc gia bị cơ quan quản lý nhà nước thu thẻ nhà báo hoặc sa thải, trường hợp nghiêm trọng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự[4]. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin trên báo chí điện tử, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ba là, ứng dụng những thành tựu khoa học mới trong quản lý nhà nước về báo chí điện tử
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, đầu tư phương tiện làm việc cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý nhà nước đối với báo chí điện tử để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao; đầu tư công nghệ kỹ thuật phục vụ công tác cung cấp và chỉ đạo thông tin định kỳ cũng như đột xuất; dùng công nghệ thông tin tạo lập đường dây nóng để khi các cơ quan báo chí phát hiện các sự việc đột xuất, nhạy cảm có thể xin ý kiến chỉ đạo nhanh, góp phần bảo đảm thông tin chuẩn xác, mang tính định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, khi có thông tin cần chỉ đạo gấp, các cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước về báo chí điện tử có thể nhanh chóng chuyển tải nội dung kịp thời tới lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử nhanh nhất, kịp thời và tiết kiệm.
Đầu tư công nghệ tin học để thường xuyên tầm soát thông tin trên mạng và báo chí điện tử. Hiện nay, có những phần mền có thể phát hiện được những tin, bài viết có dấu hiệu nhạy cảm dựa trên các tiêu chí phân loại đặt ra từ đầu, trên cơ sở đó có thể chỉ đạo báo chí điện tử điều chỉnh, hoặc ngỡ bỏ khi đưa tin sai phạm hoặc bất lợi cho quốc gia, dân tộc. Tương tự như vậy, có thể sử dụng công nghệ thông tin để chặn tình trạng vi phạm bản quyền. Xây dựng và vận hành hệ thống lưu chiểu báo chí điện tử dưới dạng file điện tử. Cần tính tới khả năng tích hợp với hệ thống lưu chiểu thông tin truyền thông xã hội.
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật đối với báo chí điện tử
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là một trong những chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước bằng pháp luật nói riêng. Mục đích của thanh tra là nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có các biện pháp khắc phục, phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Để công tác thanh tra có chất lượng và hiệu quả, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra phải thường xuyên được tập huấn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với báo chí, báo chí điện tử và nghiệp vụ công tác thanh tra. Đơn vị thanh tra cần xây dựng kế hoạch, chương trình và triển khai hoạt động thanh tra định kỳ hàng năm đối với cơ quan báo chí điện tử. Thanh tra đột xuất, thanh tra định kỳ, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc theo yêu cầu giải quyết, khiếu nại, tố cáo, hoặc do thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công. Công tác thanh tra định kỳ và đột xuất được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên sẽ giúp cơ quan báo chí có ý thức được quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nhằm hạn chế những sai sót trong quá trình hoạt động. Cơ quan thanh tra nên lập đường dây nóng, khuyến khích và tổ chức tiếp nhận báo cáo của tổ chức, công dân về những thông tin độc hại hoặc phi pháp xuất hiện trên báo chí điện tử. Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật còn cần chú trọng thanh tra, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Năm là, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế trong xu hướng hội nhập
Trong tình hình hiện nay, trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới và những thách thức đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, việc đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế là cần thiết và trở thành một giải pháp mang tính chiến lược trong chương trình công tác của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, báo chí điện tử. Cần xây dựng chương trình chiến lược tổng thể, hoạch định đối tượng và mục tiêu trong hợp tác quốc tế; tăng cường sự tham gia, phối hợp, chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí trong nước; khai thác, sử dụng các nguồn lực hợp tác quốc tế từ các trường có chức năng đào tạo, nghiên cứu về báo chí và truyền thông; đổi mới hình thức tổ chức, các hoạt động giao lưu, hội thảo, trao đổi về nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí điện tử với các nước trong khu vực và trên thế giới[5].
Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm với các nước về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, pháp lý, phát triển và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet. Đối với những thông tin vi phạm pháp luật được cung cấp theo dịch vụ xuyên biên giới từ máy chủ ở ngoài, không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành tổ chức quốc tế liên quan, thông qua con đường ngoại giao để trao đổi và xử lý; đồng thời xây dựng các quy ước và hiệp định song phương sao cho phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế trong tình hình hiện nay và thời gian tới.
Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân
[1]. Trương Minh Tuấn (2014), “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí trong tình hình hiện nay”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, ngày 20/6/2014.
[2]. Nguyễn Phú Trọng (2010), “Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22/6/2010.
[3]. Trương Minh Tuấn (2014), “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí trong tình hình hiện nay”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, ngày 20/6/2014.
[4]. Nguyễn Viết Tuấn (2010), Quản lý nhà nước đối với báo chí, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật, TP. Hồ Chí Minh.
[5]. Vũ Thanh Vân (2014), Truyền thông quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.