Về công tác trợ giúp pháp lý, bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác TGPL còn gặp nhiều những khó khăn, thách thức, trong đó có khó khăn về nguồn lực tài chính, mà một trong những nguyên nhân đáng chú ý là từ năm 2010, nguồn tài trợ quốc tế đã chấm dứt do Việt Nam đã vượt qua ngưỡng nghèo. Cũng tại Tọa đàm, một số địa phương cũng nêu lên khó khăn: Chế độ công tác phí trả cho Trợ giúp viên pháp lý hạn hẹp; Luật sư tham gia TGPL rất ít (do được trả thù lao bằng mức tham gia chỉ định); Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, muốn TGPL đạt được hiệu quả thì người trợ giúp pháp lý cần phải biết tiếng của dân tộc họ.
Chính vì vậy, Trung tâm TGPL của các địa phương này gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL miễn phí.
Hiện nay, Quỹ TGPL đang đứng trước thách thức lớn đó là dự kiến đến năm 2015, ngân sách chi trả dịch vụ TGPL toàn quốc cần thêm khoảng 250 tỷ mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng TGPL miễn phí của người dân.
Vì vậy, Tọa đàm đã thảo luận đưa ra một số đề xuất được kể đến như:
Đối với công tác truyền thông: Cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông; cần thay đổi hình thái truyền thông để gần gũi hơn với người dân (thay tờ rơi bằng lịch phát cho người dân, khi đó họ sẽ lưu giữ lịch lâu hơn); tăng cường hoạt động quảng cáo lưu động; Nên có văn bản liên tịch về phối hợp giữa truyền thông và TGPL; Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản TGPL miễn phí; Thành lập công ty để dành quỹ cho người nghèo; Cần có văn bản phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức để họ nhận thức về Quỹ TGPL, khi thấy được ý nghĩa của Quỹ này, họ sẽ ủng hộ, tài trợ; Cần có quy chế phối hợp giữa Đoàn Luật sư và Quỹ TGPL; Thành lập một quỹ nhỏ tại các Đoàn Luật sư địa phương cho hoạt động TGPL; Đăng cai đấu thầu Quỹ
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội đã đề xuất ký thỏa thuận để kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho 1 huyện nghèo.
Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Phạm Quang Đại – Phó Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp đã kết luận về lâu dài, nhiệm vụ cần phải thực hiện:
- Xây dựng hoàn chỉnh cơ chế chính sách về nguồn lực tài chính, cần xác định dịch vụ TGPL là dịch vụ gì, từ đó xác định được cơ chế áp dụng cho nó
- Cần sửa đổi Luật TGPL theo hướng chiến lược: TGPL đặt ra như thế nào cho Luật sư trong 2 hoạt động là cung cấp dịch vụ pháp lý nhà nước và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí; mở rộng đối tượng được TGPL, bảo đảm bình đẳng (nếu người nghèo được TGPL miễn phí toàn bộ thì người có thu nhập trung bình cũng cần được miễn phí một phần; người dân tộc thiểu số cũng có người giàu thì những người này được TGPL miễn phí ở mức độ ra sao cho phù hợp); một số lĩnh vực TGPL cũng cần được mở rộng không nên khống chế như hiện nay.
Ngô Huyền