Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải thời gian qua, nhất là trong giai đoạn kinh tế - xã hội bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và những bất ổn của tình hình địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống, tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Đồng thời, Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các thành viên Chính phủ khác tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Theo đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm.
Xây dựng chương trình hành động với các chiến lược, kế hoạch, đề án, giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; triển khai có hiệu quả các nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ, làm giàu đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đánh giá chính xác tình hình thế giới và nhu cầu trong nước, cân đối, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào. Không để xảy ra tình trạng thiếu chủ động về giống và vật tư nông nghiệp. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong nước và phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, minh bạch về giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm.
Giám sát chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa
Đối với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình); sớm phê duyệt và triển khai đề án huy động nguồn lực cho Chương trình.
Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan sớm điều hòa, hoàn thiện danh mục, giao vốn cho các dự án sử dụng vốn của Chương trình, thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác thuộc Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023.
Tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào và các vật tư chiến lược, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với biến động của từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung - cầu, bình ổn giá.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và khả thi, nhất là các văn bản dưới luật. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp, việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Tổ chức cơ cấu lại toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, bền vững, thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn, hoạt động đầu tư trên thị trường vốn, bảo đảm thị trường hoạt động thông suốt, nhất quán và phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về chính sách thuế, mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.
Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu
Đối với lĩnh vực ngân hàng, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu để áp dụng khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.
Giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; đồng thời, bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Triển khai quyết liệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, phát triển các tổ chức tài chính vi mô an toàn, hiệu quả…
Kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh việc phê duyệt và triển khai các dự án giao thông theo đúng yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án kết nối vùng, bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng công trình, phù hợp với các quy hoạch liên quan và không gian phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án; khẩn trương nghiên cứu đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là về chính sách, pháp luật phục vụ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác quản lý và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực để chủ động phòng ngừa; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các dự án trọng điểm trong quá trình triển khai.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án giao thông, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước. Tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành, có biện pháp phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí điện tử không dừng. Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)