Tại khoản 2 Điều 22 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)[1] quy định: “Đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh; bảo đảm bố trí quỹ đất xây dựng trường học ở vị trí thuận lợi; không bố trí trường học gần nghĩa trang, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí”. Việc đề xuất nội dung trên xuất phát từ những lý giải sau:
Thứ nhất, việc đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao chính là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, Hà Nội là Thủ đô của cả nước có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện địa lý, sự quy tụ nhân lực chất lượng cao, kết nối quốc tế và các lợi thế khác, vì vậy, việc đề xuất chính sách đặc thù cho Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ “xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao” tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Thứ ba, việc cho phép Thủ đô “đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao” không đơn thuần là cơ chế đặc thù, vượt trội, mà phải coi đây là trách nhiệm mà Thủ đô phải đảm nhận trước các địa phương khác trong cả nước nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai không chỉ của Thủ đô mà của cả nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Như vậy, có thể thấy, mô hình giáo dục chất lượng cao đóng vai trò “mũi nhọn” trong đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới, góp phần phát triển giáo dục ngang tầm thời đại.
Thứ tư, việc “đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao” không phải là quy định hoàn toàn mới mà thực chất đây chính là sự tiếp nối, kế thừa quy định về việc “xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục” đã được quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Thủ đô hiện hành (Luật Thủ đô năm 2012) và được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cụ thể hóa dựa trên các nguyên tắc như: (i) Việc theo học tại các trường chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện; (ii) Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập; (iii) Trường chất lượng cao phải được kiểm định theo quy định và được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công nhận; được công bố công khai, rộng rãi trong xã hội.
Thứ năm, thời gian vừa qua Hà Nội đã thí điểm triển khai mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao và kết quả cho thấy: Các trường chất lượng cao đã khẳng định được vai trò làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục của Thành phố, có khả năng tham gia cạnh tranh cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, đồng thời tạo ra sản phẩm giáo dục đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh và người dân trong thời kỳ mới. Để tiếp tục phát triển mô hình trường chất lượng cao, một trong những yêu cầu đặt ra là cần phải rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật làm cơ pháp lý để triển khai trong thực tiễn.
Việc đề xuất mô hình trường chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp với xu thế tất yếu của lịch sử trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế hiện nay, đồng thời cũng cụ thể hóa quan điểm của Đảng về giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thủ đô./.
Nguyễn Bích Thủy
Sở Tư pháp Hà Nội
Ảnh: internet