Để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, Tạp chí luôn đổi mới toàn diện trong phương thức hoạt động, đặc biệt là đổi mới cách thức tổ chức nội dung các ấn phẩm, tổ chức xuất bản và phát hành ấn phẩm, công tác cộng tác viên và công tác hỗ trợ và phát triển bạn đọc... để đáp ứng yêu cầu của đa dạng các đối tượng độc giả trong cả nước. Tạp chí đã thể hiện vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp trên các phương diện chủ yếu sau đây:
Một là, Tạp chí luôn xác định phạm vi, giới hạn hoạt động và đối tượng phục vụ theo đúng tôn chỉ, mục đích được giao
Xuất phát từ tôn chỉ, mục đích được giao, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xác định phạm vi, giới hạn hoạt động của mình bám sát các nhiệm vụ chính trị của Ngành Tư pháp, từ đó đã thể hiện bản sắc và diện mạo riêng so với một số tạp chí cùng nghiên cứu về vấn đề nhà nước và pháp luật. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cũng xác định đối tượng phục vụ chính của mình là đội ngũ cán bộ tư pháp trong cả nước, các cán bộ, công chức làm công tác pháp luật của khối cơ quan nội chính trung ương và địa phương; cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành; cán bộ, công chức công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và một bộ phận nhân dân có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
Trong 43 năm qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vẫn luôn khẳng định được thương hiệu là người bạn tinh thần của nhiều độc giả do tính chất chuyên môn sâu, tính học thuật cao và khả năng lưu trữ bền lâu của Tạp chí.
Hai là, các ấn phẩm của Tạp chí đã góp phần tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực cùng với Bộ và toàn Ngành tích cực thực hiện tuyên truyền để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của đất nước. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cũng cử cán bộ tham gia vào tổ công tác chuẩn bị Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Bộ Tư pháp và của Chính phủ, đồng thời tổ chức bản thảo, biên tập và xuất bản số chuyên đề “Ngành Tư pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013” góp phần tuyên truyền nội dung Hiến pháp đến người dân và đưa các ý kiến góp ý phản hồi của người dân, chuyên gia đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp trong quá trình soạn thảo, thông qua và tổ chức thi hành Hiến pháp. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tiếp tục xây dựng bản thảo, biên tập và xuất bản số chuyên đề chuyên sâu 200 trang "Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013", phổ biến những điểm mới quan trọng của Hiến pháp năm 2013 đến toàn thể nhân dân, phổ biến những điểm mới phục vụ công tác xây dựng pháp luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Cán bộ Tạp chí cũng tích cực tham gia cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tuyên truyền để bạn đọc biết và tham gia cuộc thi. Tạp chí cũng có cán bộ tham gia Ban Giám khảo cuộc thi này, góp phần vào thành công của cuộc thi. Sau một thời gian Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống, năm 2019, Tạp chí đã thực hiện số chuyên đề 200 trang “Sơ kết 05 năm thi hành Hiến pháp năm 2013” để làm rõ hiệu quả, ý nghĩa của việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, thông qua đó đề xuất giải pháp tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân, Tạp chí đã có riêng một số chuyên đề về “Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Năm 2019, Tạp chí phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện 01 số chuyên đề 200 trang để tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị này.
Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Tạp chí đăng tải nhiều bài viết giới thiệu về Ngày Pháp luật và cử cán bộ tham gia Ban Tổ chức Ngày Pháp luật, đóng góp vào việc tổ chức thành công Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp. Việc tuyên truyền về Ngày Pháp luật luôn được Tạp chí chú trọng, đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí từ những năm đầu tiên thực hiện và duy trì trong những năm tiếp theo. Năm 2016, Tạp chí đã phối hợp cùng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật biên tập và phát hành số chuyên đề “Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật”; năm 2017, biên tập và phát hành ấn phẩm đặc biệt “Các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực và hiệu quả” nhằm giúp các Bộ, ngành, địa phương có thêm tư liệu tham khảo để triển khai thực hiện Ngày Pháp luật... Hằng năm, hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam, Tạp chí đăng tải nhiều bài viết trên các ấn phẩm và trên Trang Thông tin điện tử. Đặc biệt, Tạp chí đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật biên soạn số chuyên đề “Ngày Pháp luật Việt Nam” để thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020, đồng thời góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2020, Tạp chí đã thực hiện số chuyên đề 200 trang “Sáu năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở” để truyền thông cho Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”, đồng thời, đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp luật về hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam.
Đối với công tác thi hành án dân sự, ngay từ năm 1993, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã xuất bản “Bản tin nhanh về thi hành án dân sự” kịp thời ghi nhận sự chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang các cơ quan của Chính phủ. Năm 2003, Tạp chí ra số Chuyên đề “Mười năm thi hành án dân sự”, phục vụ cho Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành án dân sự, cùng nhiều số chuyên đề chuyên sâu có tính chất khoa học và hướng dẫn nghiệp vụ như: Hòa giải trong thi hành án dân sự; Cưỡng chế thi hành án dân sự và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án; Triển khai Luật Thi hành án dân sự năm 2014; Tổ chức thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014; số chuyên đề về Thừa phát lại và rất nhiều các số chuyên đề phản ánh về công tác thi hành án dân sự ở địa phương… Năm 2016, để phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự biên soạn số chuyên đề “70 năm truyền thống Thi hành án dân sự”, qua đó, thông tin về những thành tựu, vị trí, vai trò và sự đóng góp của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự cho sự phát triển chung của đất nước.
Ba là, Tạp chí luôn là diễn đàn diễn đàn trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin nghiệp vụ thực tiễn hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật và công tác tư pháp, nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp
Trong 43 năm qua, Tạp chí thực sự đã trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhân dân, là diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, từ đó tận dụng được trí tuệ của toàn ngành, của các nhà khoa học và toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là các ấn phẩm về tổng kết thi hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Ấn phẩm của Tạp chí có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống tạp chí nghiên cứu về khoa học pháp lý, được các cơ quan nhà nước, các chuyên gia và nhà nghiên cứu trích dẫn thường xuyên trong các công trình khoa học, các văn bản chuyên môn với số lượng lớn thông tin về quan điểm và các giải pháp khoa học.
Xác định công tác xây dựng pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của Ngành Tư pháp, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của Nhà nước, vấn đề an ninh trật tự và đời sống nhân dân trong toàn xã hội. Vì vậy, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, các ấn phẩm của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã luôn thể hiện đầy đủ những quan điểm, tư tưởng và những đề xuất, kiến nghị của Bộ, Ngành Tư pháp về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh các bài viết đăng tải trên số định kỳ, các ấn phẩm 200 trang của Tạp chí được phát hành đều đặn, thường xuyên 06 - 08 số/năm bám sát các lĩnh vực công tác của Bộ Tư pháp và Ngành Tư pháp. Những dự án luật mà Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì đều được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật chú trọng, thực hiện các ấn phẩm để tuyên truyền, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, những người làm công tác thực tiễn và của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như: Sửa đổi Hiến pháp và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự; Xây dựng và hướng dẫn thi hành Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Nuôi con nuôi, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tiếp cận thông tin... Các ấn phẩm này đã được kịp thời xuất bản, gửi đến độc giả là các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo. Nội dung ấn phẩm là những quan điểm, giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn được nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan ban hành, cơ quan soạn thảo đưa ra làm dẫn chứng trong quá trình nghiên cứu, thảo luận chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời là nơi để các chuyên gia truyền tải thông tin, định hướng tới nhân dân trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, các ấn phẩm nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề, lĩnh vực của tư pháp và pháp luật như: Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập; Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Cải cách hành chính và Cải cách tư pháp; Luật Tố tụng hành chính; Toà Hành chính và việc giải quyết các khiếu kiện hành chính của công dân; Chế định về Thừa phát lại; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nâng cao chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực hành chính tư pháp... đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ triển khai thi hành pháp luật trong Ngành Tư pháp.
Bốn là, cùng với các ấn phẩm in, Trang Thông tin điện tử đã phát huy vai trò trong việc phản ánh nhanh, đảm bảo tính thời sự, kịp thời, sâu sắc các vấn đề của khoa học pháp lý và nhiệm vụ công tác tư pháp nhằm nâng cao vị thế của Bộ, Ngành Tư pháp
Trong quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng của đất nước, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại hình báo chí cũng ngày càng phong phú đa dạng hơn. Bên cạnh các loại hình báo chí truyền thống trước đây như báo in, báo nói, báo hình thì báo điện tử xuất hiện làm thay đổi thói quen của quần chúng nhân dân. Thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Bộ Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã xây dựng “Trang Thông tin điện tử Tạp chí Dân chủ và Pháp luật” với mục đích phản ánh nhanh, đảm bảo tính thời sự, kịp thời, sâu sắc các vấn đề của khoa học pháp lý và nhiệm vụ công tác tư pháp đến với bạn đọc.
Trang Thông tin điện tử của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật được chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 đã phát huy được các ưu điểm là cập nhật nhanh, lan tỏa rộng, tính tương tác cao, đồng thời, tạo diễn đàn pháp lý, dân chủ nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong cả nước; trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và một bộ phận quần chúng nhân dân muốn tìm hiểu pháp luật; trao đổi kinh nghiệm, thông tin về hoạt động tư pháp, pháp luật nước ngoài... Số lượng các bài viết đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của Tạp chí đã ngày càng gia tăng, tính chất khoa học, chất lượng các bài viết nghiên cứu ngày càng được nâng cao, thu hút được nhiều độc giả trong và ngoài Ngành Tư pháp quan tâm theo dõi và truy cập. Chính nhờ các chuyên mục trên Trang Thông tin điện tử đã tạo ra mảnh đất để các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung và những nhà nghiên cứu khoa học thuộc Bộ, Ngành Tư pháp nói riêng có thể đưa ra những quan điểm của mình; qua đó, góp phần khơi dậy phong trào nghiên cứu khoa học, nhất là đối với những cán bộ khoa học trẻ. Điều này, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Tạp chí, của Bộ và Ngành Tư pháp trong lòng bạn đọc.
Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, công nghệ số, các trang báo điện tử, tạp chí điện tử cũng phát triển nhanh chóng và đã thực sự trở thành một trong những kênh báo chí được nhiều bạn đọc quan tâm. Tạp chí điện tử có rất nhiều ưu thế so với tạp chí giấy truyền thống do việc truy cập dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng; khả năng đưa tin kịp thời với tính chất công nghệ truyền tin của internet; khả năng tương tác giữa độc giả và tòa soạn cao; thông tin đa dạng bao gồm tin dạng văn bản, tin ảnh, tin bằng video, phim tư liệu…, sức lan tỏa nhanh và dễ dàng tiếp cận của tạp chí điện tử đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với bạn đọc, lượng truy cập tạp chí điện tử sẽ ngày càng nhiều hơn, nếu chỉ duy trì hình thức tạp chí giấy chưa đáp ứng hết được nhu cầu của bạn đọc. Trước bối cảnh đó, Tạp chí đang xây dựng Đề án Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong kỷ nguyên công nghệ số.
Có thể thấy rằng, để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của một tạp chí đầu ngành Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã luôn phát huy tốt tinh thần báo chí cách mạng, phục vụ đắc lực công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng khoa học pháp lý và tư pháp, đạt được những kết quả nổi bật trong hoạt động của mình gắn kết chặt chẽ với công tác tư pháp trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng Tạp chí thực sự là một trong những công cụ truyền thông sắc bén, xứng đáng với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp./.
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - 43 năm luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp
Tạp chí là diễn đàn trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin nghiệp vụ thực tiễn hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật và công tác tư pháp, nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của Bộ Tư pháp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật; tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội.
Bùi Huyền