Ra đời ngày 20/12/1977, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa thuộc Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ được giao nhiệm vụ chính là “phổ biến”, trong đó có phổ biến đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước, phổ biến lý luận khoa học pháp lý xã hội chủ nghĩa, phổ biến phương hướng, chủ trương công tác pháp chế xã hội chủ nghĩa của Hội đồng Chính phủ và văn bản luật lệ của cơ quan nhà nước. Một nhiệm vụ nữa là trao đổi và phổ biến kinh nghiệm về nghiệp vụ công tác pháp chế xã hội chủ nghĩa, thông qua đó, đề xuất những vấn đề cần thiết phục vụ cho sự chỉ đạo của Ủy ban Pháp chế. Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa mặc dù ra ba tháng một số, nhưng nó đã đến với các cán bộ trong ngành, đến với địa phương và chứng tỏ được vai trò của mình là một trong những phương tiện quan trọng phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Pháp chế Chính phủ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta được thống nhất, sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Chặng đường 37 năm xây dựng và trưởng thành với một sinh lực mới mẻ và tràn đầy hứng khởi, trong những năm qua, Tạp chí đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực cùng với Bộ và toàn Ngành tích cực thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với truyền thống đó và sự nỗ lực không ngừng của những người mang sứ mệnh tiếp nối, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đang thực sự chuyển mình mạnh mẽ.
Năm 2014 là năm đánh dấu bước chuyển mình căn bản của Tạp chí trong việc nỗ lực đổi mới về nội dung và hình thức của các ấn phẩm. Tạp chí đã kết cấu lại mục lục của số định kỳ (64 trang) bao gồm các chuyên mục: Bình luận sự kiện chính trị - pháp lý; Xây dựng pháp luật; Pháp luật và Kinh tế; Thi hành pháp luật; Diễn đàn công tác tư pháp; Văn hóa pháp lý; Phản hồi từ cơ sở. Chủ đề các số chuyên đề 32 trang và số chuyên sâu 200 trang năm 2014 của Tạp chí bám sát Chương trình hoạt động của Bộ Tư pháp và phản ánh các mảng công việc của Ngành Tư pháp như: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thi hành án dân sự, công chứng, trợ giúp pháp lý, hòa giải, sửa đổi Bộ luật Hình sự, lý lịch tư pháp, Thừa phát lại, bồi thường nhà nước..., đặc biệt là việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, để làm phong phú thêm các ấn phẩm của Tạp chí, với mục đích đổi mới toàn diện, đảm bảo tính thời sự, phản ánh sâu sắc hơn các vấn đề của khoa học pháp lý và nhiệm vụ công tác tư pháp, Tạp chí đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin Tạp chí thay đổi giao diện Trang Thông tin điện tử Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Hiện nay, bên cạnh các chuyên mục chính và chuyên mục phụ kể trên Trang Thông tin điện tử của Tạp chí còn có các chuyên mục mang tính chất tương tác với bạn đọc để bạn đọc có thể liên hệ đặt mua tạp chí. Qua quá trình theo dõi nhận thấy đã có nhiều độc giả trong cả nước quan tâm tìm đọc và đặt mua Tạp chí giấy.
Về dự Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vui mừng trước sự trưởng thành, lớn mạnh của Tạp chí với khối lượng cộng tác viên, chất lượng bài viết, hình thức của Tạp chí được nâng cao, số lượng độc giả đón đọc Tạp chí ngày càng tăng và khẳng định dù không còn trực tiếp công tác tại Tạp chí nhưng các đồng chí vẫn luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với Tạp chí. Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng để làm phong phú, lớn mạnh thêm diễn đàn nghiên cứu chuyên sâu của Tạp chí, tạo sự tin tưởng, quan tâm của độc giả góp phần vào sự phát triển của Tạp chí trong thời gian tới.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại Tạp chí, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 37 năm qua. Nhiều ấn phẩm đã đồng hành với quá trình xây dựng và thực thi các đạo luật quan trọng, đồng hành với công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tiến trình đổi mới đất nước. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Tạp chí cần nỗ lực để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chặng đường phía trước còn dài, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, các cộng tác viên trong và ngoài Ngành của Tạp chí để đáp ứng tốt nhất sự mong mỏi của độc giả. Nhấn mạnh một số nội dung cần chú trọng, Thứ trưởng đề nghị: Nội dung của Tạp chí cần bám sát hơn với đời sống chính trị của đất nước, của Bộ, Ngành; tập trung nhiều cho công tác tuyên truyền triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; các ấn phẩm của Tạp chí cần có những bài viết mang tính đột phá; tiếp tục đa dạng hóa, làm phong phú hơn các chuyên trang, chuyên mục gắn với nhu cầu của bạn đọc; chú trọng xây dựng bản sắc riêng để khẳng định vị trí, vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, đồng thời có những sự phát triển gìn giữ những nét đặc trưng đó; chú trọng phát triển Tạp chí điện tử để đưa ra nhiều kênh thông tin cũng như có sự tương tác giữa Tạp chí và bạn đọc; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đặt hàng các bài nghiên cứu theo chuyên đề, định hướng tin bài hàng năm; cử cán bộ tham gia tích cực hơn các hoạt động của Bộ để có hoạt động nghiên cứu, đưa tin viết bài thường xuyên.
Thứ trưởng tin tưởng rằng với đội ngũ cán bộ, biên tập viên trẻ trung, năng động, có tri thức luật pháp và báo chí, với bộ máy đang ngày càng được kiện toàn và lực lượng cộng tác viên nòng cốt nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài Ngành Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và pháp luật sẽ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp tư pháp của Bộ, của Ngành. Trên những kết quả đã đạt được, Tạp chí sẽ gặt hái được nhiều thành tích trong thời gian tới góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của Ngành Tư pháp.
Minh Trí
Ảnh: Thái Nguyên