Với tính chất là tạp chí lý luận chuyên ngành, là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, là diễn đàn của các nhà khoa học và thực tiễn trao đổi về khoa học pháp lý và hoạt động tư pháp, trong 42 năm qua, các thế hệ Tạp chí đã luôn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần bảo đảm dân chủ trong đời sống xã hội; là công cụ phục vụ cho sự hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ về công tác tư pháp; thực hiện nghiên cứu và phổ biến khoa học pháp lý nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trên toàn quốc; trao đổi kinh nghiệm, thông tin các hoạt động tư pháp ở trong nước và nước ngoài.
Xuất phát từ tôn chỉ, mục đích được giao, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xác định đối tượng phục vụ chính của mình là đội ngũ cán bộ tư pháp trong cả nước, các cán bộ, công chức làm công tác pháp luật của khối cơ quan nội chính trung ương và địa phương; cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành; cán bộ, công chức công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng và một bộ phận nhân dân có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.
Có thể nói, trong những năm qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật luôn đồng hành cùng Bộ và Ngành Tư pháp, đặc biệt là các lĩnh vực công tác trọng tâm về xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Những dự án luật mà Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì đều được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật chú trọng, thực hiện các ấn phẩm để tuyên truyền, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, những người thực hiện pháp luật trên thực tiễn và của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như: Sửa đổi Hiến pháp và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự; xây dựng và hướng dẫn thi hành Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Nuôi con nuôi, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tiếp cận thông tin... Các ấn phẩm này đã được kịp thời xuất bản, gửi đến độc giả là các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo. Nội dung ấn phẩm là những quan điểm, giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn được nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan ban hành, cơ quan soạn thảo đưa ra làm dẫn chứng trong quá trình nghiên cứu, thảo luận chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời là nơi để các chuyên gia truyền tải thông tin, định hướng tới nhân dân trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, là các ấn phẩm nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề, lĩnh vực của tư pháp và pháp luật như: Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; pháp luật quốc tế trong thời kỳ hội nhập; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính và cải cách tư pháp; Luật Tố tụng hành chính; Tòa Hành chính và việc giải quyết các khiếu kiện hành chính của công dân; chế định về Thừa phát lại; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nâng cao chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính các lĩnh vực hành chính tư pháp..., đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ triển khai thi hành pháp luật trong Ngành Tư pháp. Ngoài ra, nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân, Tạp chí đã có riêng một số chuyên đề về Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành, Tạp chí đăng tải nhiều bài viết giới thiệu về Ngày Pháp luật và cử cán bộ tham gia Ban Tổ chức Ngày Pháp luật, đóng góp vào việc tổ chức thành công Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp. Việc tuyên truyền về Ngày Pháp luật luôn được Tạp chí chú trọng, đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí từ năm đầu tiên thực hiện và duy trì trong những năm tiếp theo. Đối với công tác thi hành án dân sự, ngay từ năm 1993, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã ra “Bản tin nhanh về thi hành án dân sự” kịp thời ghi nhận sự chuyển giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang các cơ quan của Chính phủ. Năm 2003, Tạp chí ra số Chuyên đề “Mười năm thi hành án dân sự”, phục vụ cho Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành án dân sự. Năm 2016, để phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống thi hành án dân sự, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự biên soạn số chuyên đề “70 năm truyền thống Thi hành án dân sự”, qua đó, thông tin về những thành tựu, vị trí, vai trò và sự đóng góp của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự cho sự phát triển chung của đất nước.
Đến nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã công bố nhiều ấn phẩm có giá trị khoa học về nghiên cứu lý luận, thực tiễn và lịch sử phát triển của Ngành, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trên các lĩnh vực nói chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành Tư pháp, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân.
Có thể khẳng định, với những thành quả đã đạt được trong 42 năm qua, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã và đang hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và thi hành pháp luật của Ngành Tư pháp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa.
2. Những điểm nổi bật trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019
Sau 42 năm phát triển và đồng hành cùng sự nghiệp tư pháp, kết quả hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật ngày càng thể hiện sự chuyên nghiệp, bài bản, phát huy kinh nghiệm và truyền thống qua nhiều năm. Nhiệm vụ biên tập, xuất bản các ấn phẩm trong kế hoạch công tác năm của Tạp chí đã được hoàn thành trước ngày 15/12/2019.
Trong năm 2019, Tạp chí tổ chức thực hiện 30 ấn phẩm. Trong đó, có 12 số định kỳ 64 trang, 12 số chuyên đề 32 trang và 06 số chuyên đề 200 trang. Bên cạnh 12 số định kỳ 64 trang với các chuyên mục ổn định như: Xây dựng pháp luật, pháp luật và kinh tế, thi hành pháp luật, thì Tạp chí đã thực hiện 12 số chuyên đề 32 trang với những nội dung phong phú phản ánh về công tác tư pháp nói chung và tư pháp các địa phương nói riêng, cụ thể như: Pháp luật về trợ giúp pháp lý; thi hành án dân sự; pháp luật về quốc tịch, hộ tịch; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; lý lịch tư pháp; công tác pháp điển; công tác tư pháp một số địa phương... Bên cạnh đó, Tạp chí còn phối hợp với Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội thực hiện số chuyên đề 32 trang về kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ và sinh viên nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngoài ra, Tạp chí đã phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện các ấn phẩm 200 trang liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn của Bộ Tư pháp. Các ấn phẩm này đã được kịp thời xuất bản, gửi đến độc giả là các tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền, góp phần to lớn vào nhiệm vụ triển khai thi hành pháp luật trong Ngành Tư pháp. Cụ thể:
Về triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015: Quyền con người và đặc biệt là quyền công dân được bảo vệ, bảo đảm thi hành bằng pháp luật, trong đó pháp luật hình sự là một công cụ pháp lý quan trọng, sắc bén để bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền công dân. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Trên tinh thần đó, Tạp chí đã phối hợp với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính biên soạn và phát hành số chuyên đề “Bộ luật Hình sự năm 2015 với việc bảo đảm quyền con người” để phân tích rõ hơn những điểm mới tiến bộ và những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành Bộ luật Hình sự bảo đảm quyền con người. Đồng thời, Tạp chí đã phối hợp với Viện Khoa học pháp lý biên soạn và phát hành số chuyên đề “Tội phạm môi trường - Khung pháp luật và thực tiễn thực thi ở Việt Nam hiện nay” nhằm cung cấp những thông tin khoa học về pháp luật và thực trạng tổ chức thi hành các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Đối với công tác hòa giải và phổ biến, giáo dục pháp luật: Tạp chí đã phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện 02 số chuyên đề về “Tổng kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở” và “Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”. Sau 05 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, công tác hòa giải ở cơ sở đã có những đổi mới quan trọng với nhiều mô hình, phương thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương. Để có những đánh giá khoa học về việc tổ chức thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật biên soạn và phát hành số chuyên đề “Tổng kết 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở”.
Số chuyên đề “Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” ra đời nhằm đánh giá khoa học, khách quan sau 15 năm tổ chức thi hành Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình triển khai Chỉ thị; rút ra bài học kinh nghiệm; nhận diện bối cảnh, yêu cầu mới của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó đề ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường, đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Về hoàn thiện pháp luật cho hoạt động khởi nghiệp: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo và tổ chức, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, các quy định của pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của hoạt động khởi nghiệp, làm phát sinh không ít các rào cản pháp lý và gia tăng chi phí đối với chủ thể khởi nghiệp trong thời gian qua. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp thực hiện số chuyên đề “Nhận diện rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp” để xác định cụ thể những rào cản và nguyên nhân dẫn đến những rào cản pháp lý trong hoạt động khởi nghiệp, đồng thời đưa ra những giải pháp tổng thể, căn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động khởi nghiệp.
Đối với việc hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại: Sự ra đời của số chuyên đề “Pháp luật về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và hòa giải” góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại theo hướng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản” của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh các ấn phẩm in, trong năm 2019, Trang Thông tin điện tử của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với hơn 300 tin, bài được đăng tải, đã phát huy được các ưu điểm là cập nhật nhanh, lan tỏa rộng, tính tương tác cao, đồng thời, tạo diễn đàn pháp lý, dân chủ nghiên cứu, trao đổi về nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong cả nước; trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và một bộ phận quần chúng nhân dân muốn tìm hiểu pháp luật; trao đổi kinh nghiệm, thông tin về hoạt động tư pháp, pháp luật nước ngoài... Do đó, Trang Thông tin điện tử của Tạp chí ngày càng thu hút được nhiều độc giả trong và ngoài Ngành Tư pháp quan tâm theo dõi và truy cập.
3. Phương hướng trong thời gian tới
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2020, đặc biệt là phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và các mặt hoạt động của công tác tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xác định những phương hướng cụ thể như sau:
Một là, nội dung các ấn phẩm của Tạp chí tập trung nghiên cứu, chuyển tải những vấn đề mới của khoa học pháp lý, khai thác sâu khía cạnh dân chủ trong đời sống pháp luật; bám sát thực tiễn sinh động của Ngành Tư pháp và của đất nước trong thời kỳ đổi mới, nâng cao tính lý luận, khoa học và dự báo… góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác biên tập, xuất bản các số Tạp chí định kỳ và chuyên đề hàng tháng, nội dung bảo đảm tính khoa học, đồng thời mang đậm hơi thở cuộc sống; các số chuyên đề 200 trang tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm công tác tư pháp năm 2020 với những bài viết có hàm lượng khoa học cao, là tài liệu tham khảo thực sự bổ ích cho những nhà nghiên cứu khoa học pháp lý, nhà lập pháp, thi hành pháp luật và nhiều đối tượng khác.
Ba là, tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, gặp gỡ cộng tác viên, khảo sát thực tế, tập huấn nghiệp vụ cho các cộng tác viên ở địa phương để phục vụ hiệu quả cho công tác biên tập và nâng cao chất lượng bài viết cho các ấn phẩm. Qua đó, Tạp chí giúp tạo ra diễn đàn cho các nhà khoa học và những người làm công tác thực tế gặp gỡ, trao đổi; là cầu nối giữa pháp luật và đời sống thực tiễn.