Phát biều khai mạc đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ nhấn mạnh mục đích của buổi tập huấn này nhằm đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực lao động, phòng, chống tham nhũng, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Mở đầu, với chuyên đề thứ nhất về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn trong thực thi chính sách pháp luật về lao động, phòng, chống tham nhũng, TS. Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp đã lần lượt giới thiệu đến các đại biểu những nội dung như: Khái quát về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong lĩnh vực lao động; quyền, trách nhiệm của công đoàn, đoàn viên công đoàn và Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động công đoàn; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn trong việc phòng, chống tham nhũng.
Tiếp theo đó, Báo cáo viên Lê Trọng Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ giới thiệu đến các đại biểu chuyên đề trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở để góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo ông, dân chủ cơ sở được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở, nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Khi mọi người dân đều được tham gia vào quá trình chính trị , xã hội đến các khâu từ hoạch định đường lối, đến tổ chức triển khai thực hiện, giám sát, kiểm tra, tổng kết… thì các vấn đề nảy sinh được phát hiện kịp thời, các khó khăn sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, của địa phương, của cơ quan, của đơn vị. Thông qua việc giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ và Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, ông đã chỉ ra những điểm cần lưu ý trong quá trình tổ chức thực hiện quy định về thực hiện dân chủ trong hoat động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Cuối cùng, ông nhấn mạnh công tác phòng ngừa tham nhũng là công tác mà Đảng và Nhà nước ta đang đặc biệt quan tâm, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 ra đời với số lượng điều khoản và nội dung về phòng ngừa tham nhũng chiếm tỉ lệ rất lớn, phần lớn những điểm mới trong quy định của pháp luật về chống tham nhũng nằm trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đây được xem là nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu hăng say thảo luận cùng báo cáo viên.
Kết thúc buổi tập huấn, đồng chí Khương Thị Thanh Huyền trân trọng cảm ơn 02 đồng chí báo cáo viên về sự chia sẻ rất chi tiết, cụ thể giúp lãnh đạo các cơ quan trong Bộ, cán bộ phụ trách công tác công đoàn cùng các đoàn viên tham gia tổ chức công đoàn có một cái nhìn tổng quát hơn về chính sách pháp luật lao động đối với công chức, viên chức người lao động trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.