Tạo nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Sau hơn 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau hơn 08 năm thi hành, Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra…
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Bộ trưởng nhấn mạnh Dự thảo Luật thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, từ đó giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.
Thống nhất quản lý đất đai
Theo đó, dự thảo luật quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.
Hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 03 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội, nhất là đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, tạo động lực phát triển và có yêu cầu đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc.
Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai. Tiếp tục thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.
Chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch, hành chính để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của Hội đồng nhân dân; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, mục đích của dự thảo Luật; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; đấu giá đất…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời các chính sách lớn trong Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Tuy nhiên, một số vấn đề bức xúc trong thực tế liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quyền chuyển nhượng, thế chấp, hợp đồng thuê đất với đất thuê trả tiền hàng năm… vẫn chưa được đề cập tại Nghị quyết số 18. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc thêm nội dung nào chưa rõ để tiếp tục báo cáo trong những đợt sửa đổi tiếp theo.
Vì Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều lĩnh vực nên Thứ trưởng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Quy hoạch, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…
“Dự án Luật này sửa cùng thời gian với nhiều luật khác nên phải rà soát thật kỹ đối với cả Luật hiện hành và các Luật đang trong quá trình sửa đổi hoặc định hướng sửa đổi, bổ sung các dự án luật khác để đảm bảo khi ban hành thống nhất với nhau”, Thứ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần thống nhất các thuật ngữ giữa các luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư để tránh tranh cãi trong khi áp dụng. Đồng thời chỉ rõ trường hợp nào đấu giá, đấu thầu, ưu tiên đấu giá đất… để tối đa hóa việc thu ngân sách nhà nước.
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)