Hội đồng đã tiến hành thẩm định về nội dung và hình thức của Dự thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo trước khi trình Chính phủ ban hành. Trong quá trình thẩm định, hầu hết các thành viên của Hội đồng đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Dự thảo và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự thảo.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề nghị các thành viên của Hội đồng tập trung phân tích và đánh giá về một số nội dung chủ yếu của Luật Giáo dục quốc phòng mà Dự thảo cần làm rõ: Thẩm quyền triệu tập đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; giấy chứng nhận, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh; trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng an ninh và vấn đề nguồn kinh phí cho giáo dục và quốc phòng. Các thành viên Hội đồng phát biểu sôi nổi và có những quan điểm khác nhau về các vấn đề trọng tâm này.
Đại diện Vụ Pháp luật hình sự hành chính - Bộ Tư pháp cho rằng: Dự thảo đã đáp ứng được tính hợp hiến, hợp pháp nhưng tính khả thi thì chưa được đảm bảo, cần phải giải trình và cụ thể hóa những vấn đề còn chung chung để việc áp dụng được thuận lợi.
Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Công an cũng nêu rõ những quan điểm của mình, trong đó nhấn mạnh: Cần làm rõ hơn vai trò phối hợp của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng, an ninh và cần bổ sung các đơn vị có chức năng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh thuộc Bộ Công an vào danh sách cơ sở bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí rằng: Cần phải cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh trong Dự thảo để Nghị định không chỉ dừng lại ở việc quy định lại luật, nên quy định chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn về vấn đề cấp giấy chứng nhận, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng quốc phòng và an ninh để tránh gây lúng túng cho các cơ quan có chức năng khi áp dụng…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận định: Việc xây dựng Dự thảo là cần thiết, về cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp thẩm định, cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để Nghị định sớm được trình Chính phủ ban hành, góp phần đưa Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh đi vào đời sống.
Phạm Thu Hằng