Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được thông qua ngày 22/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. So với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật năm 2015 đã có những quy định mới về thẩm quyền ban hành và nội dung nghị định của Chính phủ. Thẩm quyền này được quy định tại Điều 19 của Luật năm 2015, theo đó, Chính phủ ban hành nghị định trong 3 trường hợp. Ở đây, mặc dù quy định theo Luật năm 2015 không có nhiều thay đổi so với Luật năm 2008, tuy nhiên đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới, đáp ứng yêu cầu kịp thời, sáng tạo của quản lý điều hành, đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa…
Vấn đề này đã được đề cập trong bài viết “Thẩm quyền ban hành và nội dung Nghị định của Chính phủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 64 trang tháng 9/2015.
Bên cạnh nội dung những điểm mới, bài viết còn đưa ra những vấn đề cần cụ thể hóa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như: Cụ thể hóa thẩm quyền ban hành và nội dung Nghị định của Chính phủ; bảo đảm từng bước xây dựng đủ các đạo luật để quản lý xã hội bằng các luật. Trong đó, tác giả phân tích những điểm phù hợp, những điểm cần cân nhắc, những điểm cần lưu ý khi cụ thể hóa thẩm quyền ban hành. Đồng thời, tác giả còn nhấn mạnh cần phải thay đổi quan niệm áp dụng về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật “luật/pháp lệnh - nghị định - thông tư”, đảm bảo luật phải là nguồn chính có hiệu lực thi hành ngay, tranh tình trạng luật khung, cần chờ nghị định, thông tư hương dẫn.
Ngô Huyền