1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “thần linh pháp quyền”
Nửa đầu năm 1919, ở Pháp có một tài liệu được phân phát rộng rãi như những tờ truyền đơn cách mạng, đó là bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hòa bình họp ở Vécxây. Bản yêu sách tám điểm bằng tiếng Pháp này đã được đăng toàn văn trên báo L’ Humanité số ra ngày 18/6/1919, phía dưới có ghi: “Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam - Nguyễn Ái Quốc”. Sau đó, bản yêu sách này đã được Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát, chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”. Nếu như bản Yêu sách của nhân dân An Nam là một bản văn mẫu mực về chính trị, thì bản dịch thơ Việt Nam yêu cầu ca không chỉ dừng lại ở mục đích chính trị ấy, mà còn được xem là một tác phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật, trong đó có có hai câu thơ:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Với hai câu thơ trên, Hồ Chí Minh có thể được xem là một trong những người đầu tiên đặt ra khái niệm “pháp quyền” ở Việt Nam và Người đã nhận thức rằng, để xây dựng được Nhà nước pháp quyền, nơi mà mỗi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, thì pháp luật phải có vị trí tối thượng như thần linh.
Trong tôn giáo, thần linh là một thực thể tự nhiên hoặc siêu nhiên, được xem là thiêng liêng và quyền năng. Một số tôn giáo có một vị thần tối cao (độc thần), trong khi những tôn giáo khác có nhiều vị thần của các bậc khác nhau (đa thần). Theo quan niệm của tôn giáo, thần linh được cho là có khả năng làm phép lạ siêu nhiên, ảnh hưởng và điều khiển các khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Một số vị thần đã trao tặng luân lý và đạo đức cho con người, là các thẩm phán tối cao về giá trị con người và hành vi... Thần linh là đối tượng để cho con người thờ phụng và tuân theo.
Mỗi nền văn hóa có một hệ thống thần linh riêng biệt và có sự khác nhau, tuy nhiên, tựu trung lại, thần linh luôn có một vị trí tối cao, luôn được tôn trọng tuyệt đối và mọi sự xâm phạm đến thần linh đều phải bị trừng phạt. Trong thần thoại Hy Lạp, Zeus đã biến Pandareus thành một hòn đá vì tội dám trộm cắp một con chó bằng thiếc từ một trong những ngôi đền thờ thần trên đảo Crete; Zeus đã giết Salmoneus bằng một tia sét vì đã cố tỏ ra ngang hàng với thần bằng cách cưỡi một cỗ xe bằng đồng thiếc, giả làm tiếng sấm; Zeus cũng đã buộc tiên nữ Chelone phải im lặng vĩnh viễn vì đã từ chối tham dự lễ cưới của thần và Hera[1]…
Như vậy, thần linh, theo cách hiểu phổ biến, là một đối tượng có sức mạnh vô cùng, tồn tại để bảo vệ một/một số những giá trị, quy chuẩn xã hội, đem lại cho một/một số người niềm tin mang tính tuyệt đối, nếu ai đi ngược lại, phải bị trừng phạt. Còn thần linh trong pháp quyền, không gì khác chính là luật tự nhiên. Chỉ có luật tự nhiên mới phản ánh được những quy luật, những mối quan hệ vốn có, nên mới có được sự linh thiêng như những vị thần. Thần linh pháp quyền, theo tư tưởng của Bác, không chỉ là Nhà nước pháp quyền, mà còn phải là xã hội pháp quyền, ở đó, tất cả cán bộ, công chức và người dân đều phải tuân thủ pháp luật. Người dân mới là chủ thể chủ yếu của điều chỉnh pháp luật, điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước phải được xây dựng trên nền tảng xã hội tương ứng của nó. Một xã hội pháp quyền, không gì khác là được xây dựng trên nền tảng của công lý - ngự trị như thần linh. Điều này lý giải vì sao mỗi khi bị vi phạm vào điều cấm của thần linh (ở miền văn hóa cụ thể), có người đã bị chính vị thần canh giữ đó trừng phạt. Ở đây, dường như chính những vị thần linh tồn tại để bảo vệ công lý. Qua hai câu thơ ở trên, dường như Hồ Chí Minh đã kết hợp tính hiện thực và tâm linh để đánh thức niềm tin của con người vào công lý, vào luật pháp. Từ khái niệm tâm linh - tín ngưỡng, Người chuyển sang khái niệm về niềm tin - xã hội. So sánh luật pháp với thần linh, Hồ Chí Minh đưa đến một sự khẳng định rằng, không có gì cao hơn pháp luật và mọi sự vi phạm pháp luật đều có chế tài tương ứng. Không quá lời khi chúng ta đưa ra nhận định, ngay từ những ngày đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam, xây dựng một nhà nước mà yếu tố thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu. Pháp luật - suy cho cùng cũng là một sản phẩm của con người, là ý chí của một nhóm thành viên trong xã hội được ghi nhận và tôn lên thành chuẩn mực hành động cho một xã hội, được tập thể đám đông xã hội thừa nhận, bất kể ai không tuân theo đều có thể bị trừng phạt. Pháp luật có thể được áp dụng hay không, phụ thuộc vào việc tập thể thành viên trong xã hội có thống nhất sử dụng luật đó làm luật chơi cho các quan hệ mà họ tham gia vào hay không? Luật pháp sẽ chỉ là tập hợp của những con chữ vô tri, vô giác, không được bất kỳ ai tôn trọng nếu toàn bộ thành viên trong xã hội không chọn đó là luật chơi mà họ sẽ tuân theo. Điều này hàm ý rằng, nếu pháp luật được xây dựng mang tính chủ quan của nhà làm luật, không dựa vào công lý khách quan, thì sớm muộn luật đó sẽ không được tôn trọng. Luật pháp cần chân lý khách quan, đủ sự oai nghiêm để người dân nể trọng và tuân theo, khi đó, pháp luật được tôn trọng như thần linh.
2. Hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về thần linh pháp quyền và những vấn đề đặt ra
Hồ Chí Minh muốn truyền tải và xây dựng trong bản “Việt Nam yêu cầu ca” một hệ thống pháp luật ổn định, được các thành viên trong xã hội tôn trọng, được tự nguyện thực thi và tuân thủ, được coi là luật chơi công bằng cho các bên tham gia, nhưng cho đến ngày hôm nay dường như vẫn chưa thật sự hiện hữu. Thần linh chỉ oai nghiêm khi đó là một vị thần công tâm, luật pháp ở Việt Nam đang được xây dựng và hoàn thiện cần khiến người dân tôn kính như một vị thần, nhưng mục tiêu đó sẽ không bao giờ đạt được nếu vị thần ấy bị chi phối ở nhiều lĩnh vực. Điều đó, có thể được chứng minh:
Thứ nhất, một bức tượng linh thiêng thì phải được làm bởi một người thợ tốt
Nếu coi pháp luật Việt Nam như một bức tượng thần linh, thì tính oai nghiêm của bức tượng ấy đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng ngay từ khâu xây dựng. Rất nhiều bộ luật, đạo luật được soạn thảo, lấy ý kiến, được cơ quan lập pháp nhiều lần thảo luận đi, tranh luận lại, nhưng vẫn phát sinh rất nhiều sai sót, bất cập. Dường như quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn luận. Quy trình làm luật ở các nước trên thế giới, về cơ bản, gồm các bước sau: Phân tích từ góc độ chính sách đối với dự luật; phê duyệt về mặt chính sách đối với dự luật; soạn thảo dự luật; thẩm định hoặc thẩm tra dự luật; phê duyệt dự luật; tham vấn nhân dân (nếu cần thiết), xem xét và thông qua. Dù là dự luật của Chính phủ hay của cá nhân hoặc nhóm đại biểu Quốc hội đều phải trải qua quá trình này2. Đại đa số các dự luật ở các nước cũng là do Chính phủ soạn thảo và trình ra Quốc hội3, nên xin được trình bày về quy trình làm luật ở các nước với sự tham gia của Chính phủ. Quy trình đó có các bước sau: Phân tích chính sách lập pháp, phê duyệt chính sách, soạn thảo dự luật, tham vấn nhân dân (nếu cần thiết), thẩm định dự luật, phê duyệt dự luật (các bước này làm ở Chính phủ), trình dự luật cho Quốc hội đọc lần một, xem xét ở các Ủy ban của Quốc hội, trình Quốc hội đọc lần hai, xem xét ở các Ủy ban, trình Quốc hội đọc lần ba để thông qua. Như vậy, có thể thấy, quy trình lập pháp ở các nước là một công việc có sự góp sức của cả Chính phủ, Quốc hội và người dân.
Trong khi đó, ở nước ta dường như vẫn coi lập pháp chỉ là công việc của Quốc hội, cắt khúc công đoạn làm luật ở Quốc hội ra khỏi một quy trình lập pháp chung, tổng thể, trong đó có cả công đoạn ở Chính phủ. Mỗi khi nhắc đến thuật ngữ “lập pháp”, hầu như chúng ta chỉ nghĩ đến các hoạt động ở Quốc hội. Hơn thế, vì quan niệm này mà việc xây dựng pháp luật đang đi theo một quy trình lập pháp chưa chuẩn tắc. Nó bắt đầu từ lập chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, mà lại không phải từ việc phân tích các tác động tiềm năng của một đạo luật đối với xã hội, do các cơ quan của Chính phủ phải làm. Xuất phát từ quan niệm này mà chúng ta vẫn để lọt nhiều đạo luật có chất lượng kém ra Quốc hội, mà một trong những biểu hiện là tính chất chung chung của luật hay luật được ban hành nhưng không thể áp dụng được. Mặt khác, chúng ta cũng cắt khúc hoạt động lập pháp ra khỏi giám sát và đại diện. Chưa nhận thấy hết chính lập pháp là một hình thức giám sát, giám sát ngay từ khi xây dựng pháp luật và ngược lại, các ý tưởng lập pháp cũng bắt đầu từ các hoạt động giám sát. Mà nói cho cùng, giám sát chính là để bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích cử tri, là thực hiện chức năng đại diện. Vì cái nhìn cắt khúc này mà khi thảo luận luật, đại biểu Quốc hội chưa nhìn thấy hết rằng, đằng sau những quy định pháp luật là lợi ích của cử tri, của quốc gia mà đại biểu cần phải bảo vệ, tức là thực hiện vai trò, chức năng đại diện.
Thêm nữa, dự luật ở các nước được chuẩn bị rất bài bản, căn cơ, theo từng bước của một quy trình chuẩn đã được thử nghiệm qua hàng trăm năm, mỗi bước đều có cái lý của nó. Không những thế, lại còn được xem xét, rà soát rất kỹ nhiều lần (nhưng không bị trùng lặp), từ lúc ý tưởng lập pháp, đến phân tích chính sách, soạn thảo, thẩm định, phê chuẩn của Chính phủ, cho đến giai đoạn Ủy ban, các đại biểu cộng với đội ngũ chuyên gia giúp việc của từng đại biểu trước khi đại biểu biểu quyết ở phiên họp toàn thể. Trong quy trình như thế, ai làm việc nấy, không trùng lên nhau, từ thực tiễn hoạt động, Chính phủ chuẩn bị, hoạch định chính sách, thể hiện chính sách trong dự luật; từ góc nhìn lợi ích của quốc gia và của cử tri, Quốc hội “gác cổng”, phản biện chính sách, chỉ cho qua những chính sách đã “chín” và hợp với các lợi ích đó.
Thứ hai, một nguyên nhân nữa làm thiếu sự thiêng liêng của thần linh luật pháp ở Việt Nam phải kể đến văn hoá pháp luật của người Việt
Tôn trọng pháp luật là một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền - một yếu tố không thể thiếu để hình thành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chính xác hơn, tinh thần trọng pháp không phải chỉ có trong Nhà nước pháp quyền, mà nó cần thiết trong mọi xã hội. Tuy nhiên, trong các xã hội trước (nô lệ, phong kiến), vì những lý do khác nhau (chẳng hạn xảy ra quyền uy của ông vua chuyên chế trong xã hội phong kiến...) mà luật pháp luôn bị vi phạm, hình thành nên ý thức “vượt qua” sự chế ước của luật pháp. Bởi vậy, mới xảy ra tình trạng luật pháp không vươn tới tầng lớp thống trị hay nói cách khác, trong xã hội đó, luật pháp tác động không hiệu quả tới hành vi của tầng lớp thống trị xã hội. Lăng kính này soi chiếu vào xã hội Việt Nam, trong cái nhìn lịch đại, có thể khẳng định nhiều lúc, chúng ta vẫn thiếu một tinh thần tôn trọng pháp luật. Điều này được hiểu cả từ góc độ cán bộ và người dân chưa lấy pháp luật làm quy chuẩn cho hành vi của mình.
Một trong những lý giải cho điều này là một thời gian dài, đất nước chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Song trong gần một nghìn năm đô hộ, sức sống mãnh liệt của làng xã Việt Nam, mà đặc trưng là tính khép kín tự trị vẫn bảo lưu được trong mình nó những “quy chuẩn xã hội” tồn tại rất lâu đời và ít nhiều tạo nên cơ chế “miễn dịch” hữu hiệu, ngăn trở những quy phạm pháp luật ngoại bang được thực thi. Trong tâm thức của những “con Lạc, cháu Hồng”, việc làm đó tạo nên những “kháng thể mạnh” đủ sức tiêu diệt những “vi rút đồng hoá” để giữ gìn được bản sắc và minh chứng cho sức sống bất diệt của dân tộc này trong mọi hoàn cảnh bị áp bức và cưỡng bức.
Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, pháp luật của nhà nước luôn phải đối diện với tính chất tự trị của làng xã. Tình trạng “phép vua thua lệ làng” nảy sinh từ đó, dẫn tới việc Nhà nước phong kiến chưa bao giờ nắm được một cách trọn vẹn làng xã Việt Nam. Biểu hiện của “phép vua thua lệ làng” trong một chừng mực nhất định, đã dẫn tới một hệ quả là sự “coi thường” pháp luật của nhà nước, tạo điều kiện cho thói cục bộ địa phương hình thành… Mặt khác, thể chế Nhà nước phong kiến tập quyền mà đỉnh chóp của nó là hình mẫu của một ông vua thâu tóm mọi quyền hành về tay mình, vì thế, dẫn tới việc lạm quyền để thống trị đất nước. Sự lạm quyền vượt lên luật pháp đó, suy cho cùng, một mặt là do sự chi phối của lợi ích cá nhân người cầm quyền cao hơn lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân, mặt khác, do cơ chế “ban phát” lợi ích cho “thần dân” từ vị trí cực tôn quý của mình (là thiên tử - con trời) dẫn tới sự tùy tiện không tuân thủ luật pháp. Chính điều này cũng đã hình thành nên hiện tượng bất tuân luật pháp của ông vua chuyên chế, tạo nên một “đặc tính” không tôn trọng pháp luật, không đặt mình dưới sự chỉnh hướng của pháp luật, tức là không có tinh thần trọng pháp như đã đề cập ở trên.
Bước sang thời hiện đại, do có một thời gian dài chúng ta duy trì cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, không tuân thủ những quy luật kinh tế khách quan của sự phát triển, làm cho các thiết chế pháp luật được ban hành không phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội, làm xuất hiện mâu thuẫn tất yếu là hiện tượng vi phạm pháp luật xuất hiện tràn lan như sự “xé rào”, xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng… Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, nhưng việc thiếu tinh thần trọng pháp, thượng pháp, vốn có căn nguyên lịch sử trong chiều sâu văn hoá không thể dễ dàng dẹp bỏ trong một sớm một chiều thì cần hình thành một cách mạnh mẽ ý thức tấn công vào nhược điểm này để hình thành “tinh thần thượng tôn luật pháp”, để xây dựng cho được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một cơ sở vững chắc làm điểm tựa cho một nền dân chủ ở Việt Nam.
3. Để tư tưởng Hồ Chí Minh về thần linh pháp quyền ăn sâu vào tiềm thức người dân
Để gây dựng tính linh thiêng của pháp luật trong xã hội Việt Nam, không phải là một câu chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, nhiệm vụ của luật pháp phải làm sao để dựng lại tính linh thiêng ấy và câu trả lời là phải: (i) Nâng cao chất lượng lập pháp; (ii) Nâng cao ý thức pháp luật trong người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, để nâng cao chất lượng lập pháp, cần phát huy vai trò trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, nâng cao chất lượng kiểm tra các dự án luật theo quy trình lập pháp. Tuy nhiên, không nên quan niệm Quốc hội lập pháp là Quốc hội tự làm lấy luật. Đa số nghị viện trên thế giới đều thực hiện quyền lập pháp trên cơ sở các dự án luật do cơ quan hành pháp soạn thảo và đưa trình. Chỉ trên cơ sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nắm bắt nhu cầu thực tiễn điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật, thể hiện thành các dự thảo luật là chức năng tự nhiên của Chính phủ. Do đó, quyền lập pháp của Quốc hội chính là quyền kiểm tra các dự án luật do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà chủ yếu là Chính phủ đưa trình Quốc hội có phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân hay không? Nói cách khác, Quốc hội lập pháp là Quốc hội đại diện cho nhân dân tiến hành kiểm tra các dự án luật, đảm bảo cho các dự án luật khi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, thể hiện đầy đủ, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Một Quốc hội đại diện thực sự cho ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân là một Quốc hội biết phát hiện, yêu cầu sửa đổi, huỷ bỏ các chính sách, các phương án điều chỉnh không phù hợp với thực tiễn, không phúc đáp ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong các dự án luật do Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đưa trình.
Thứ hai, để nâng cao ý thức cho người dân, có thể áp dụng đồng thời các biện pháp sau: (i) Tổ chức điều tra, khảo sát để nắm được trình độ hiểu biết pháp luật thực tế của nhân dân. Sự hiểu biết pháp luật của mỗi cá nhân khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như nghề nghiệp, khu vực sống, trình độ văn hóa, giới tính... Vì vậy, khảo sát, điều tra thực trạng trình độ hiểu biết pháp luật phải căn cứ vào các yếu tố như vậy mới có thể xác định được nhu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng, từ đó, đề ra mức độ giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền như thế nào là phù hợp và nâng dần trình độ hiểu biết pháp luật của họ. Kết quả điều tra, khảo sát là cơ sở thực tế để các cơ quan có trách nhiệm ở các cấp lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp và đảm bảo đạt được kết quả cao; (ii) Nội dung tuyên truyền pháp luật cần thiết thực, dễ hiểu: Nội dung này bao gồm thông tin về pháp luật, thông tin về thực hiện pháp luật, về tình hình phạm pháp... Đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật là toàn dân, trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao và mục tiêu của tuyên truyền, phổ biến pháp luật là làm cho các công dân hiểu mình là ai, mình làm gì và làm như thế nào, công dân hiểu và nắm được các quy định của pháp luật để giải quyết công việc, để bảo vệ quyền lợi của mình trước các cơ quan nhà nước. Vì vậy nội dung tuyên truyền cần được giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản, càng dễ hiểu bao nhiêu càng tốt để tiếp cận được mọi đối tượng một cách hiệu quả, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiến thức pháp luật cơ bản, các khái niệm, các quy phạm pháp luật... (iii) Triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay rất đa dạng: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hội nghị, tuyên truyền thông qua công tác hoà giải ở cơ sở, qua công tác xét xử của Tòa án, qua tủ sách pháp luật, qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, qua các hội thi... Bên cạnh việc phát huy hiệu quả các hình thức này, đối với các vùng nông thôn, vùng sâu cần lựa chọn những hình thức thích hợp như: Phát sách hướng dẫn thực hiện pháp luật; tổ chức nói chuyện pháp luật ở các tụ điểm dân cư; tăng cường các hình thức phát sóng đa dạng, liên tục, hấp dẫn trên hệ thống đài truyền thanh huyện và xã…
Học viện Hành chính Quốc gia