Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng; Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam Vanessa Steinmetz; Chánh án Tòa án khu vực Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức Tobias Oelsner cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về pháp luật dân sự, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và thực tiễn liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, tài sản trí tuệ và nền kinh tế tri thức được xác định là hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết và tác động hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu theo hướng làm chuyển dịch dần tỷ trọng các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp tri thức và công nghệ cao, tài sản trí tuệ ngày càng thể hiện rõ vai trò là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc xây dựng khung pháp lý và khai thác, tận dụng hiệu quả các ứng dụng của khoa học, công nghệ, tài sản trí tuệ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn có bảo đảm từ tài sản trí tuệ để khai thác hiệu quả các tài sản này phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực kinh tế tri thức, kinh tế số và hoạt động sáng tạo của các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, việc tìm kiếm các mô hình tài trợ vốn được bảo đảm bằng tài sản trí tuệ và xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp và hiệu quả là nhiệm vụ hết sức cấp thiết.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam Vanessa Steinmetz bày tỏ niềm vinh dự khi được đồng hành và chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức đối với Việt Nam trong việc quản lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý và thể chế để đáp ứng các cam kết hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu, những kinh nghiệm từ Cộng hòa Liên bang Đức về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ càng trở nên có ý nghĩa. Đặc biệt, với việc tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), bà Vanessa Steinmetz khẳng định, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ không chỉ là cần thiết mà còn là yếu tố then chốt để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bà Vanessa Steinmetz Giám đốc quốc gia FNF Việt Nam Vanessa phát biểu tại Hội thảo.
Báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, Trưởng phòng Phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Quang Hương Trà đã phân tích hiện trạng pháp luật Việt Nam về tài sản trí tuệ và khả năng sử dụng tài sản trí tuệ là công cụ bảo đảm. Theo đó, mặc dù Việt Nam đã có những quy định pháp lý cơ bản nhưng hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ và linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu giao dịch về tài sản trí tuệ trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng.
Trưởng phòng Phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Quang Hương Trà báo cáo dẫn đề tại Hội thảo.
Trao đổi tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng chia sẻ về sự phức tạp trong việc định giá và quản lý các loại tài sản trí tuệ tại Việt Nam. Ông cho rằng, tài sản trí tuệ là sản phẩm của hoạt động trí tuệ, bao gồm một loạt các lĩnh vực từ tác phẩm văn học, nghệ thuật, đến các sáng chế, phần mềm máy tính và bí mật thương mại. Với sự tiến bộ của công nghệ và sự phát triển kinh tế, tài sản trí tuệ ngày càng được công nhận là nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế tri thức của Việt Nam. Việc quản lý tài sản trí tuệ gặp nhiều khó khăn do đặc thù vô hình của loại tài sản này. Một trong những trở ngại chính là thiếu khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt đối với các dạng tài sản mới như tài sản kỹ thuật số hay công nghệ thông tin. Điều này tạo ra khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc xác định giá trị, định nghĩa và thực hiện quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ. Để giải quyết khó khăn này, Phó Cục trưởng đề xuất một số giải pháp quan trọng như cần mở rộng các loại tài sản trí tuệ có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm, đồng thời, cần xây dựng cơ chế pháp lý minh bạch và toàn diện để bảo đảm rằng các quyền tài sản trí tuệ có thể được đăng ký và bảo vệ đầy đủ khi sử dụng làm tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, cần thiết lập sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý đăng ký tài sản trí tuệ và cơ quan giao dịch bảo đảm để chia sẻ thông tin, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia giao dịch tài sản trí tuệ.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Lê Hồng trình bày tham luận tại Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Bích Thảo cho biết, tại các quốc gia như Hoa Kỳ và Đức, tài sản trí tuệ đã được công nhận như một loại tài sản có thể sử dụng trong các giao dịch bảo đảm để cung cấp tài chính cho doanh nghiệp. Từ cuối thế kỷ XIX, Hoa Kỳ đã phát triển hệ thống tài trợ vốn dựa trên tài sản trí tuệ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền. Đức cũng đã xây dựng một hệ thống pháp luật vững chắc nhằm hỗ trợ tài sản trí tuệ trở thành một công cụ tài chính hiệu quả. Các hệ thống pháp luật này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp họ vượt qua được các rào cản về tài chính để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Bà Nguyễn Bích Thảo cũng chỉ ra những khó khăn và hạn chế trong hệ thống pháp lý của Việt Nam khi áp dụng các mô hình quốc tế vào thực tiễn trong nước. Hiện nay, tài sản trí tuệ tại Việt Nam chủ yếu được công nhận trong phạm vi sở hữu trí tuệ nhưng chưa có cơ chế rõ ràng để sử dụng làm tài sản bảo đảm. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc chứng minh giá trị của tài sản trí tuệ, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn. Để phát triển khung pháp lý về tài sản trí tuệ tại Việt Nam, bà Nguyễn Bích Thảo đưa ra một số khuyến nghị như sau: (i) thiết lập các tiêu chuẩn định giá cụ thể cho tài sản trí tuệ, bao gồm các quy định về kiểm định và đánh giá giá trị tài sản trí tuệ, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chứng minh giá trị của tài sản khi sử dụng làm tài sản bảo đảm; (ii) cần có quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của cả bên cho vay và bên đi vay khi tài sản trí tuệ được dùng làm tài sản bảo đảm; (iii) xây dựng các quy định linh hoạt, cho phép tài sản trí tuệ được chuyển nhượng, sử dụng và bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Khung pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu tài sản trí tuệ mà còn thúc đẩy các giao dịch bảo đảm trên thị trường tài chính.
Chủ nhiệm Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Bích Thảo trình bày tham luận tại Hội thảo.
Trao đổi, chia sẻ về thực tiễn pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài sản trí tuệ tại Đức, Chánh án Tòa án khu vực Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức Tobias Oelsner đã cung cấp cái nhìn đa chiều về cách mà Đức phát triển hệ thống pháp lý hỗ trợ việc sử dụng tài sản trí tuệ như một công cụ bảo đảm trong giao dịch tài chính. Đức áp dụng hệ thống đăng ký quyền sở hữu đối với nhiều loại tài sản trí tuệ, bao gồm sáng chế, nhãn hiệu và quyền thiết kế. Hệ thống pháp lý này giúp thiết lập cơ chế công khai, minh bạch, hỗ trợ các bên dễ dàng kiểm tra quyền sở hữu trước khi tiến hành giao dịch bảo đảm. Ông nhấn mạnh rằng, tính minh bạch trong đăng ký quyền sở hữu là yếu tố then chốt giúp tài sản trí tuệ trở thành tài sản đáng tin cậy trong các giao dịch tín dụng. Việc quản lý đăng ký không chỉ dừng ở mức xác nhận quyền sở hữu mà còn bao gồm các cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên khi xảy ra tranh chấp. Trong trường hợp tài sản trí tuệ được sử dụng làm tài sản bảo đảm, pháp luật tại Đức cho phép các bên có quyền ưu tiên đối với tài sản này khi có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc khi bên vay không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính. Điều này giúp các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi chấp nhận tài sản trí tuệ làm tài sản thế chấp, đồng thời, tạo ra sự linh hoạt cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Pháp luật Đức cũng quy định rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, bảo đảm rằng bên nhận bảo đảm có thể thu hồi giá trị tài sản trong trường hợp cần thiết mà không gây tổn hại đến quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.
Ông Tobias Oelsner Chánh án Tòa án khu vực Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ tại Hội thảo.
Dựa trên kinh nghiệm từ Đức, Ông Tobias Oelsner đề xuất Việt Nam cần xây dựng một hệ thống đăng ký và thẩm định giá trị tài sản trí tuệ nhằm hỗ trợ giao dịch bảo đảm một cách hiệu quả. Việt Nam nên thiết lập các cơ chế pháp lý cho phép tài sản trí tuệ dễ dàng được đăng ký và xác nhận quyền sở hữu trước khi sử dụng làm tài sản bảo đảm. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tạo niềm tin cho các bên khi tham gia giao dịch tài chính dựa trên tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu các phương thức thẩm định giá trị tài sản trí tuệ, bảo đảm tính khách quan và phù hợp với thị trường. Việc này sẽ giúp các tổ chức tài chính xác định giá trị chính xác của tài sản, từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn và bảo đảm quyền lợi của các bên trong giao dịch.
Các ý kiến trao đổi, chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia tại Hội thảo kỳ vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tài sản trí tuệ và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ, từ đó, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực kinh tế tri thức, kinh tế số và khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, thúc đẩy tiến trình hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Hoàng Trung