Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo tại phiên họp. |
Về công tác thi hành dân sự, năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án dân sự (THADS).
Đến nay, việc rà soát các văn bản trong lĩnh vực THADS cơ bản được hoàn thiện, trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động trong việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản để làm rõ tính đặc thù của bán đấu giá tài sản trong thi hành án; có ý kiến đối với nhiều vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, …
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết; 2 Quyết định; Bộ Tư pháp đã xây dựng và hoàn thiện ban hành 5 Thông tư và một số quy trình, quy chế nội bộ theo Kế hoạch công tác.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, năm 2023, Chính phủ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính (THAHC) được Quốc hội giao; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS được tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên, quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực.
Cùng với đó là thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp.
Về kết quả, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc. Thi hành xong 575.667 việc, đạt tỉ lệ 83,24%.Tổng số tiền phải thi hành trên 392 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 192.712 tỷ đồng. Thi hành xong trên 89.505 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 46,44%.
Đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỷ tăng hơn 9.490 tỷ đồng. Về kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.
Đồng thời, đã thi hành xong 61.262 việc, thu được số tiền trên 3.906 tỷ đồng của người phải thi hành án đang là phạm nhân tại các trại giam thuộc Bộ Công an.
Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS đã tiếp 7.633 lượt công dân; tiếp nhận 12.752 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đã giải quyết xong 2.590 việc/2.669 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,04%. Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng.
Liên quan đến công tác thi hành án hành chính (THAHC), Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành, trong đó, ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc. Đến nay, đã thi hành xong 582bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).
Về hoạt động Thừa phát lại, tổng số Văn phòng Thừa phát lại hiện có là 194. Các Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 9 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 5 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỷ đồng.
Đảm bảo kết quả thi hành án thực chất, có tính bền vững
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề cập đến một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Trong đó, đối với công tác THADS, THAHC, Thừa phát lại, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Hội nghị, phiên họp; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05-KL/TW. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo các văn bản pháp luật trình Quốc hội ban hành.
Cùng với đó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án biên chế THADS tổng thể giai đoạn 2023-2026. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan THADS theo quy định. Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, THAHC. Thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, thể chế hoá các định hướng về công tác thi hành án tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Quan tâm chỉ đạo rà soát, tổng kết để sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật TTHC năm 2015 theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tố tụng; thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ; thời hạn tự nguyện thi hành án...
Xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về quy định thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS để kết quả thi hành án được thực chất, có tính bền vững, tránh tạo áp lực quá lớn trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Hình ảnh tại phiên họp. |
Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan THADS theo quy định; thụ lý yêu cầu phân chia tài sản chung của đương sự trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế... Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát THADS, THAHC ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án.
Minh Khôi
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử