Hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo tiến độ
Tại Hội nghị, ông Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm hình đến năm 2030” (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022). Theo đó, ngay sau khi Quyết định số 06/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ (do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc làm Tổ trưởng), đồng thời ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, các công văn hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao trong Quyết định.
Với sự nhận thức và quyết tâm cao, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên rà soát, có điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tiễn; Bộ cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đã đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 theo đúng lộ trình, trong đó: Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng hướng dẫn các Bộ, ngành, tỉnh/thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát; hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình đối với các dịch vụ ưu tiên; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng 95% so với cuối năm 2021; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp hoàn thành, đảm bảo tiến độ…
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế như nguồn nhân lực chất lượng chưa cao; việc hỗ trợ địa phương trong việc khai thác sử dụng hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch nhiều lúc còn chậm, chưa kịp thời. Hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ chưa đáp ứng yêu cầu để triển khai đầy đủ các nghiệp vụ hộ tịch, dẫn đến nhiều khi quá tải… từ đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, triển khai trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, ưu tiên triển khai các Dự án Cơ sở dữ liệu hộ tịch nhằm nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch hiện nay đáp ứng yêu cầu, nghiệp vụ quản lý hộ tịch; Dự án Đầu tư Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp nhằm bổ sung hạ tầng, an toàn bảo mật cho các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ nói chung và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch nói riêng.
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị thuộc Bộ; Sở Tư pháp đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ. Để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 06/QĐ-TTg trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Tổ công tác tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể theo từng đơn vị.
Đối với Cục Công nghệ thông tin, đơn vị thường trực Tổ công tác, cần theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao theo tiến độ, lộ trình Đề án. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị đôn đốc địa phương cung cấp các dịch vụ công thiết yếu; liên thông, khai thác hiệu quả giữa hệ thống một cửa với cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Hộ tịch; Lý lịch tư pháp. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống nói chung và các Hệ thống kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư nói riêng. Đặc biệt, triển khai Dự án “Đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp” theo đúng quy định, tiến độ nhằm cung cấp hạ tầng cho triển khai các ứng dụng của Bộ, Ngành nói chung và Đề án 06/CP nói riêng. Phối hợp chặt chẽ với Cục Hộ tịch quốc tịch, chứng thực trong nghiên cứu, xây dựng, triển khai Dự án Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch; với các đơn vị trong việc kết nối chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ: Người đứng đầu tất cả các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin của đơn vị mình. Chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng phần mềm đã được xây dựng phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhất là phần mềm Quản lý văn bản và điều, Thư điện tử, Văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số; các nhiệm vụ mới được giao.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)