Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục xây dựng ba trụ cột là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thách thức hiện nay mang tính toàn cầu và tác động đến mọi người dân, hai bên chia sẻ vai trò quan trọng của chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, cách tiếp cận toàn cầu, cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, nhất là dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thủ tướng cho biết Việt Nam tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả, với phương châm lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng đề nghị WEF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam, nhất là tư vấn chính sách giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kết nối Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu uy tín, hỗ trợ Việt Nam thu hút đầu tư, tài chính từ các tập đoàn thành viên của WEF, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng…
Giáo sư Schwab bày tỏ đặc biệt ấn tượng và chúc mừng Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng về phòng chống dịch, phục hồi kinh tế trong năm 2021. Các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã chứng tỏ quyết định chuyển chiến lược của Việt Nam sang thích ứng an toàn là hết sức đúng đắn và kịp thời.
Giáo sư Schwab cho rằng, với định hướng phát triển đúng đắn, cam kết và quyết tâm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như tiềm năng con người, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ, trở thành một đối tác xây dựng của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực định hình tương lai, đồng thời là điểm đến được được các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt các thành viên của WEF đánh giá cao.
Giáo sư Schwab khẳng định WEF và cá nhân Giáo sư có nhiều tình cảm và quan tâm sâu sắc đến Việt Nam, cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất hai bên ký kết Thỏa thuận đối tác nhằm tạo khuôn khổ hợp tác thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Giáo sư Schwab cho biết WEF đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị thường niên WEF Davos vào ngày 22-26/5/2022 theo hình thức trực tiếp với chủ đề “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt: Chính sách của Chính phủ và chiến lược của doanh nghiệp”.
Giáo sư Schwab trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Diễn đàn; cho rằng với vai trò và uy tín của Việt Nam, sự tham gia của Việt Nam, cùng lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn toàn cầu sẽ góp phần định hướng những ý tưởng, tư duy chính sách chiến lược trong giai đoạn bước ngoặt hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hội nghị thường niên WEF Davos sắp tới. Thủ tướng cảm ơn Giáo sư Schwab và khẳng định Việt Nam sẽ tham dự và đóng góp tích cực tại Hội nghị.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập và Giám đốc điều hành WEF sớm dẫn đầu đoàn doanh nghiệp thành viên đến thăm Việt Nam. Giáo sư Schwab đã vui vẻ nhận lời, mong sớm được trở lại để chứng kiến những thành tựu phát triển ấn tượng của Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam – WEF.
(Theo Báo pháp luật Việt Nam điện tử)