Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Tham dự hội có đại diện lãnh đạo và cán bộ nhà báo, phóng viên của các đơn vị báo chí cùng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực báo chí và chuyển đổi số báo chí.
Thực tiễn trong việc triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí trong bối cảnh hiện nay
Báo cáo dẫn đề Hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Quý - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội. Nhận thức tầm quan trọng và sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 453/VP-TT ngày 31/5/2023 về việc triển khai Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó yêu cầu các cơ quan báo chí thuộc Bộ, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan phối hợp xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ, Ngành gắn với các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đồng thời chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, trình cơ quan chủ quản báo chí phê duyệt và chỉ đạo triển khai Kế hoạch chuyển đổi số trong đơn vị. Thực tiễn triển khai chuyển đổi số báo chí cho thấy, nhận thức và kinh nghiệm về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là một bước ngoặt, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về chất của mỗi cơ quan báo chí và tiếp nhận của công chúng, nhưng đồng thời cũng đem đến cho báo chí nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp xử lý, thích ứng từ góc độ quản lý của cơ quan chủ quản và từng cơ quan báo chí.
Giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí
Trình bày tham luận về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, đồng chí Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong ngành báo chí; mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp đúng trọng tâm, trong đó, cần quan tâm đến chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; công tác đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số để hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí cần tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Đồng chí Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số
Tại Hội thảo, đồng chí Trịnh Thị Hương Giang - Phó Giám đốc Trung tâm mạng xã hội Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin về những kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại Báo Pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều ấn phẩm điện tử như: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử; Pháp luật Plus, Truyền hình Pháp luật, Pháp luật Media và Trung tâm Mạng xã hội quản lý các nền tảng mạng xã hội của Báo và Mạng xã hội Cộng đồng pháp luật. Tất cả các ấn phẩm điện tử của Báo đều được ứng dụng hệ thống CMS quản trị hiện đại, giúp các phóng viên, biên tập viên có thể làm tin, bài ở mọi nơi trên cả máy tính và điện thoại. Thông qua hệ thống CMS, các thư ký và lãnh đạo Báo cũng dễ dàng thực hiện công tác quản lý các tin, bài.
Đồng chí Trịnh Thị Hương Giang - Phó Giám đốc Trung tâm mạng xã hội, Báo Pháp luật Việt Nam.
Khó khăn và thách thức
Theo TS. Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang, quá trình chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như đòi hỏi đầu tư lớn, cần sự tự chủ và đầu tư về công nghệ, cũng như các nguy cơ từ mạng xã hội, nguy cơ liên quan tới bản quyền... Tiếp đó, trong đội ngũ những người làm báo có rất nhiều người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm nhưng lại lúng túng khi gặp công nghệ mới. Ngoài ra, TS. Nguyễn Quang Hòa đồng thời khẳng định: "Để chuyển đổi số thành công, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thực hiện các giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao độ".
Đồng chí Nguyễn Quang Hoà - Giảng viên khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang.
Cùng chia sẻ về cơ hội, khó khăn và thách thức, đồng chí Đào Thùy Linh – Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp đã nêu ra các vấn đề mà Tạp chí phải đối mặt trước các yêu cầu của chuyển đổi số báo chí. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là một Tạp chí khoa học của Bộ Tư pháp có bề dày trưởng thành, có uy tín trong khối các tạp chí khoa học, có nhiều kinh nghiệm về sản xuất, xuất bản các ấn phẩm tạp chí in. Tuy nhiên, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật luôn xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, áp dụng công nghệ số nhằm thay đổi toàn diện hoạt động trong cơ quan báo chí; mang lại nhiều lợi ích. Nhận thức tầm quan trọng và sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, thì tháng 12/2022, Tạp chí Dân chủ pháp luật điện tử đã chính thức đi vào hoạt động. Mặc dù Tạp chí đã đạt được những kết quả ban đầu về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số báo chí nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều những khó khăn, thách thức trong việc phát triển Tạp chí điện tử nói riêng và thực hiện nhiệm vụ chuyển đối số nói chung. Với đặc thù là một tạp chí khoa học, ngoài việc sản xuất, xuất bản các bài nghiên cứu khoa học thì Tạp chí còn thực hiện chức năng thông tin, truyền thông chính sách bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của bộ, ngành, tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời cũng là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… do đó để xây dựng nội dung thu hút được đông đảo bạn đọc, phù hợp với nhiều nhu cầu tiếp cận thông tin trên môi trường mạng hướng tới đa dạng người đọc, tạo sự lan tỏa và thu hút là một thách thức rất lớn. Bên cạnh đó yếu tố về thu hút nguồn nhân lực chuyên sâu có kinh nghiệm báo chí và nguồn lực vật chất phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của đơn vị cũng là một rào cản khó khăn đối với Tạp chí trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, Tạp chí vẫn đang nỗ lực trước các yêu cầu của thực tiễn để phục vụ cho chuyển đổi số báo chí như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, triển khai, nghiên cứu thêm nhiều phương án phát triển kinh tế báo chí, tích cực đẩy mạnh công nghệ số phục vụ cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Tạp chí. Xây dựng lộ trình thúc đẩy sự hợp tác giữa 04 nhà (Nhà nước; cơ quan báo chí, nhà quảng cáo, nhà công nghệ) để phát triển mạnh mẽ hơn nhiệm vụ chuyển đổi số đối với đơn vị góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp.
Đồng chí Đào Thùy Linh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp.
Bài học và kinh nghiệm
Đồng chí Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban điện tử Báo Nhân dân đã giới thiệu về một số kinh nghiệm chuyển đổi số tại Báo Nhân dân. Năm 2021, Báo Nhân dân đã xây dựng Chiến lược chuyển đổi số để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực với những định hướng và lộ trình thực hiện rõ ràng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công nghệ, phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và các sản phẩm báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ.
Báo Nhân dân ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram... vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu. Đặc biệt, Báo Nhân dân đã hợp tác với đối tác quốc tế đưa công cụ Shorthand vào hoạt động sản xuất các bài e-magazine, longform. Đây là công cụ có nhiều tính năng vượt trội cho phép trình bày ấn tượng các sản phẩm đồ họa tương tác, ảnh, video, phục vụ cho nội dung báo chí. Báo Nhân dân cũng đẩy mạnh phát triển fanpage Báo Nhân dân trên các mạng xã hội Facebook, Tik Tok… theo xu hướng social-first.
Trong 3 năm qua, Báo Nhân dân đã khai trương nhiều trang thông tin đặc biệt nhằm tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển đa nền tảng, đa phương tiện của Báo Nhân dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm tuyên truyền sinh động, hiệu quả về xây dựng Đảng, đặc biệt là lĩnh vực phát triển lý luận về xây dựng Đảng như trang thông tin đặc biệt Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân là gốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và "Những việc cần làm ngay”...
Tháng 6 năm nay, Tòa soạn hội tụ Nhân dân điện tử được khai trương trên khu vực có diện tích hơn 400 m2 với không gian làm việc mở, có các hệ thống màn hình theo dõi chỉ số bạn đọc... Tòa soạn hội tụ hiện đại đã tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Với không gian làm việc mở, tòa soạn hội tụ cũng tăng tính tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo cho những người làm báo.
Tòa soạn hội tụ hiện đại đã tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Với không gian làm việc mở, tòa soạn hội tụ cũng tăng tính tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo cho những người làm báo.
Đồng chí Ngô Việt Anh - Phó Trưởng Ban điện tử Báo Nhân dân.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đánh giá: Hội thảo đã giải đáp được nhiều vấn đề chung xoay quanh vấn đề chuyển đổi số báo chí trong bối hiện nay, từ đó, đề ra giải pháp phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí, góp phần phục vụ hiệu quả hơn nữa hoạt động của bộ, Ngành Tư pháp trong thời gian tới./.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo.
Hoàng Trung