1. Sự cần thiết quy định về thực hiện hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Hợp đồng thương mại (HĐTM) có thể hiểu là hợp đồng được xác lập trong quá trình các bên thực hiện hoạt động thương mại. Cũng giống như các loại hợp đồng khác, HĐTM phải do các bên thỏa thuận và làm phát sinh hậu quả pháp lý là xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Bên cạnh những đặc điểm chung của hợp đồng, HĐTM cũng có những đặc điểm riêng biệt như: (i) Chủ thể tham gia HĐTM chủ yếu là thương nhân; (ii) HĐTM được thực hiện phải gắn liền với hoạt động thương mại - hoạt động mang tính nghề nghiệp của thương nhân; (iii) Đối tượng của HĐTM thường là dịch vụ, hàng hóa.
Ngay từ thời cổ đại, từ khi Hòa ước được ký giữa vua Ai Cập Ramđec II và vua Hattusin III vào năm 1278 trước Công nguyên, con người đã biết đến việc tôn trọng nguyên tắc về tính ràng buộc của hợp đồng. Một khi các bên đã giao kết, xác lập hợp đồng, thì phải tôn trọng và thực hiện đúng những điều khoản đã thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên không được lấy lý do về sự khác biệt về vị trí địa lý, truyền thống, phong tục tập quán vùng miền hay tôn giáo... để làm căn cứ cho việc “giải thoát” mình khỏi các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng. Hợp đồng được xem là “luật” của các bên chủ thể tham gia. Ngày nay, nguyên tắc này đã được pháp điển hóa và ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia và các chủ thể của pháp luật quốc tế, trong đó có Việt Nam[1]. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nguyên tắc về tính ràng buộc của hợp đồng không nên được hiểu và áp dụng một cách quá cứng nhắc, vì có thể dẫn đến sự bất hợp lý hoặc không bình đẳng cho một bên trong hợp đồng. Do vậy, việc tồn tại những ngoại lệ cho những nguyên tắc cần thiết. Quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được ghi nhận là một trong những ngoại lệ của nguyên tắc này. Theo đó, sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh phải là biến đổi mang tính khách quan mà vào thời điểm giao kết hợp đồng các bên không dự tính được trước. Sự thay đổi này phải dẫn đến sự chuyển biến một cách cơ bản những nghĩa vụ mà các bên đang phải thực hiện theo nội dung của hợp đồng[2].
Điều chỉnh HĐTM khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm đảm bảo được tính công bằng, bình đẳng giữa các bên chủ thể tham gia, hoạt động này được nhận diện bởi các đặc trưng như: (i) Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm để cứu vãn hợp đồng, hay nói cách khác là để duy trì hiệu lực của HĐTM; (ii) Mục đích của việc điều chỉnh HĐTM khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm bảo đảm công bằng giữa các bên; (iii) Việc điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhằm hướng dẫn, chỉ dẫn các chủ thể nhận biết và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi gặp hoàn cảnh thay đổi cơ bản; (iv) Vai trò của việc điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là cơ sở pháp lý cho cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, phù hợp với hoàn cảnh bị thay đổi.
2. Pháp luật Việt Nam hiện hành về thực hiện hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Bộ luật Dân sự năm 2015 lần đầu tiên quy định việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại Điều 420 với các vấn đề chủ yếu như sau:
Thứ nhất, điều kiện để điều chỉnh hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Theo khoản 1 Điều 420, hoàn cảnh thực hiện hợp đồng nói chung và HĐTM nói riêng được coi là thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện:
(i) Sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện HĐTM do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Đây được xem là một trong những điều kiện tiên quyết để xác định liệu rằng hoàn cảnh có sự thay đổi cơ bản hay không. Bên cạnh đó, cần xem xét những yếu tố tồn tại trong bối cảnh mà các bên thực hiện HĐTM đã không còn giống như tại thời điểm các bên tiến hành giao kết. Sự thay đổi này xảy ra không là do hành động của bất kỳ bên chủ thể nào của HĐTM và thời điểm của sự thay đổi là sau khi các bên đã giao kết HĐTM.
(ii) Tại thời điểm giao kết HĐTM, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Sự thay đổi không xảy ra tại thời điểm mà các bên giao kết hợp đồng, nhưng trong trường hợp thực tế có tồn tại các dấu hiệu cho thấy, sẽ xuất hiện sự kiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản và những dấu hiện ấy có thể được nhận thấy bởi người có trình độ nhận thức thông thường hay không là yếu tố để một bên chủ thể cho rằng, sự thay đổi của hoàn cảnh là “không thể lường trước được”. Quy định này tại Điều 420 là rất quan trọng, ghi nhận sự khách quan của hoàn cảnh thay đổi cơ bản (nằm ngoài ý chí của các bên chủ thể trong hợp đồng). Nếu các bên có thể nhận thức được sự thay đổi về hoàn cảnh từ trước và thậm chí là tại thời điểm giao kết hợp đồng, mà các bên vẫn thỏa thuận giao kết những nội dung như lúc không có sự thay đổi về hoàn cảnh, thì các bên không được hưởng những quyền lợi chính đáng như chấm dứt hoặc thay đổi nội dung của hợp đồng.
(iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức, nếu như các bên biết trước thì HĐTM đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Yếu tố này được đánh giá phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của các bên giao kết HĐTM. Việc đưa ra một tiêu chí nhất định khác để xác định khi nào hoàn cảnh được coi là “thay đổi lớn” là không dễ dàng. Theo quy định này, sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng làm cho các bên không thể thực hiện được những điều khoản đã ký kết. Mức độ ảnh hưởng của hoàn cảnh có thể khiến cho hợp đồng không thể giao kết hoặc giao kết nhưng với nội dung khác nhau. Dấu hiệu này nhằm hướng tới xác định mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng đối với các bên trong hợp đồng. Ví dụ như dịch bệnh hoành hành, những hợp đồng vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và các quốc gia không thể tiến hành, hay dịch bệnh hoành hành nhưng lượng nông sản không thể xuất khẩu được do thu nhập của người tiêu dùng bị suy giảm nghiêm trọng… Để hợp đồng luôn ràng buộc các bên về mặt pháp lý, giảm thiểu vi phạm HĐTM, cũng như ổn định trật tự giao dịch thì về vấn đề này cần phải được quy định chặt chẽ và rõ ràng.
(iv) Việc tiếp tục thực hiện HĐTM mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Dựa trên mức độ ảnh hưởng của sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện, nếu như các bên vẫn tiếp tục thực hiện HĐTM mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng thì có thể sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Khi đứng trước nguy cơ bị thiệt hại, bên chủ thể chịu tác động của hoàn cảnh thường có xu hướng không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện sai nội dung cam kết trước đó nhằm giảm thiểu thiệt hại. Vô hình trung hành xử này dẫn họ đến tình cảnh vi phạm hợp đồng và nếu không được bên chủ thể còn lại cảm thông, chia sẻ thì những chủ thể này sẽ phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm HĐTM. Tuy vậy, để có thể đáp ứng điều kiện này, đòi hỏi phải có sự suy đoán về thiệt hại nghiệm trọng có thể xảy ra khi tiếp tục thực hiện nội dung ban đầu của HĐTM. Cách làm thường thấy khi xem xét ảnh hưởng của sự thay đổi cơ bản là xem xét sự tác động của những thay đổi đến tình trạng kinh tế của các bên và đánh giá mức nghiêm trọng của sự thay đổi này, tuy nhiên, đây không phải là thước đo duy nhất.
(v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của HĐTM mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của bên bị thiệt hại, do vậy, một bên chủ thể của hợp đồng vẫn có khả năng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi cho dù bên đó đã nỗ lực phòng tránh. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng cần chứng minh được rằng họ đã thực hiện mọi nỗ lực nhằm vượt qua những bất lợi gây ra bởi sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh, từ đó cho thấy tinh thần tuân thủ nghiêm túc những gì các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng cũng như việc cân nhắc đến lợi ích hợp pháp và chính đáng của bên còn lại. Ví dụ: Các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải cắt giảm nhân công, cắt giảm các chuyến bay đến các vùng có dịch để phòng tránh dịch bệnh nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng phá sản nếu khách hàng buộc họ phải tiếp tục thực hiện hợp đồng vận chuyển hoặc yêu cầu chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do không thể thực hiện được hợp đồng như cam kết trước đó.
Thứ hai, trình tự, thủ tục điều chỉnh hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Khoản 2 Điều 420 quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý”. Như vậy, pháp luật chỉ ghi nhận khi xảy ra hoàn cảnh thay đổi cơ bản, theo tinh thần của nguyên tắc thiện chí, các bên phải cùng hợp tác, chia sẻ rủi ro, khó khăn trong việc thực hiện HĐTM. Bên bị ảnh hưởng do hoàn cảnh thay đổi có quyền yêu cầu bên đối tác đàm phán điều chỉnh nội dung hợp đồng đã giao kết và bên đối tác cần phải tham gia đàm phán dựa trên tinh thần thiện chí cùng hợp tác thực hiện hợp đồng. Mặc dù luật quy định đây là quyền của bên có lợi ích bị ảnh hưởng, mà không trực tiếp quy định nghĩa vụ của bên còn lại bắt buộc phải đàm phán lại trong trường hợp xảy ra hoàn cảnh thay đổi, nhưng cần phải hiểu bên được yêu cầu đàm phán buộc phải có nghĩa vụ đàm phán lại hợp đồng một cách thiện chí ngay cả trong trường hợp bên đó có thể không mong muốn điều chỉnh lại hợp đồng vì sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh trở nên có lợi hơn cho họ. Bên tiếp nhận đề nghị cần xử lý lời đề xuất theo phương thức linh hoạt, tránh những hành vi không phù hợp với nguyên tắc thiện chí, ví dụ như trì hoãn việc phản hồi lại lời đề xuất trong thời gian dài mà không nêu rõ lý do hoặc cố ý gây khó khăn, trở ngại cho quá trình điều chỉnh hợp đồng và tổn hại cho chủ thể chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, quy định pháp luật Việt Nam hiện hành vẫn còn một số nội dung chưa thực sự cụ thể. Ví dụ, nếu trong thời gian được xác định là hợp lý để yêu cầu đàm phán lại mà bên có quyền lại không thực hiện trong “thời hạn hợp lý” thì hậu quả được xác định như thế nào? Xác định “thời hạn hợp lý” có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền yêu cầu của bên bị ảnh hưởng do hoàn cảnh bị thay đổi, nhằm ổn định các giao kết và tránh lạm dụng trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ. Nếu quá thời hạn hợp lý mà không có phản hồi của bên được yêu cầu đàm phán lại thì trách nhiệm của chủ thể này là gì? Hoặc khi xảy ra sự thay đổi hoàn cảnh, bên chịu tác động không có phản hồi kịp thời cho chủ thể còn lại biết dẫn đến rất lâu sau đó mới yêu cầu thì quyền yêu cầu đàm phán, điều chỉnh lại HĐTM còn phù hợp không?
Thứ ba, chủ thể điều chỉnh hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên tham gia giao kết hợp đồng hoặc Tòa án là chủ thể được quyền điều chỉnh nội dung HĐTM. Theo đó, các chủ thể tiến hành điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trước tiên phải là các bên tham gia giao kết hợp đồng. Các bên tham gia giao kết hợp đồng cần thỏa thuận trên tinh thần hợp tác và thiện chí để tìm ra cách thức điều chỉnh hợp đồng trong hoàn cảnh đột nhiên trở nên bất lợi. Việc các bên không thể đạt được thỏa thuận về việc điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là bình thường và có khả năng xảy ra trong thực tế. Vì vậy, vai trò của Tòa án trong việc điều chỉnh hợp đồng là không thể thiếu. Sự can thiệp của Tòa án không xâm phạm đến tính tự do ý chí của các bên, mà chỉ nhằm thiết lập điều khoản mới mà Tòa án cho là phù hợp với mong muốn của mỗi bên cũng như phù hợp với pháp luật, giúp “cứu vãn” hợp đồng mà các bên đã giao kết. Tuy nhiên, quy định trên mới chỉ đề cập đến chủ thể giải quyết tranh chấp là Tòa án, mà không đề cập đến thẩm quyền của Trọng tài.
Thứ tư, hậu quả pháp lý của điều chỉnh hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Theo khoản 3 Điều 420, có hai trường hợp được dự liệu:
(i) Sửa đổi, bổ sung nội dung mới cho HĐTM. Khi các bên đàm phán lại và thỏa thuận thống nhất được phương án điều chỉnh hợp đồng, nội dung mới của hợp đồng sẽ được thiết lập và có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các bên. Khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản, thì bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng, nhằm thay đổi nội dung hợp đồng đã được ký kết để bảo đảm lợi ích của các bên. Tuy nhiên, việc đàm phán này phải được thực hiện trong một thời hạn hợp lý kể từ thời điểm có sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Trong thời hạn nhất định, nếu bên có lợi ích bị ảnh hưởng không thực hiện quyền yêu cầu này thì coi như họ không có nhu cầu thay đổi nội dung của hợp đồng.
(ii) HĐTM buộc phải chấm dứt hiệu lực. Nếu sau khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên thể hiện ý chí không tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc không thể đàm phán điều chỉnh hợp đồng thì có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Việc điều chỉnh nội dung HĐTM hoặc chấm dứt hiệu lực hợp đồng có thể được thực hiện bởi Tòa án. Tuy nhiên, Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi[3]. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quy định của khoản 3 Điều 420 cho thấy, hướng giải quyết là sửa đổi hợp đồng của Tòa án bị hạn chế áp dụng hơn so với hướng giải quyết chấm dứt hợp đồng. Bởi lẽ: (i) Cách thiết kế các điểm tại khoản 3 Điều 420 được hiểu chấm dứt hợp đồng được ưu tiên giải quyết trước sửa đổi hợp đồng[4]; (ii) Quyền sửa đổi hợp đồng lại bị giới hạn vì “Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng”. Quy định này có thể tránh được các trường hợp Tòa án lạm dụng để can thiệp quá mức vào thỏa thuận giữa các bên. Khi Tòa ra quyết định sửa đổi hợp đồng, thì việc sửa đổi các điều khoản cụ thể cần phải được đặt trong chừng mực nhất định đảm bảo cho cho hợp đồng thay đổi hoàn toàn về mặt bản chất, áp đặt cho các bên một hợp đồng hoàn toàn mới về mặt bản chất so với hợp đồng ban đầu. Khoản 4 Điều 420 lại có quy định tương đối rõ ràng kể cả trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt HĐTM, cũng như trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ đã cam kết trong HĐTM. Đây là một quy định chặt chẽ và cần thiết nhằm tránh được sự trì hoãn của một trong các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Điều 420 còn dự liệu “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, thể hiện sự tôn trọng ý chí trong việc lựa chọn giải pháp tình thế của các bên chủ thể trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc chưa có kết quả.
3. Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện
Trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam và diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, việc nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về thực hiện HĐTM là thực sự cần thiết góp phần tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tham gia thị trường của các thương nhân Việt Nam. Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 được xem là sự thay đổi tích cực trong quy định về hợp đồng. Tuy nhiên, những quy định ban đầu tại Điều 420 cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và thực tiễn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện:
Thứ nhất, cần chi tiết hóa, cụ thể hóa điều kiện để xác định sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh tại điểm c khoản 1 Điều 420 theo hướng định lượng tối thiểu sự thay đổi này làm thay đổi bao nhiều phần trăm nghĩa vụ phát sinh từ HĐTM hay giảm sút bao nhiêu phần trăm doanh thu, làm tăng bao nhiêu chi phí thực hiện hợp đồng không? Đây chính là điều kiện trọng tâm để xác định sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh thực hiện HĐTM.
Thứ hai, cần quy định cụ thể và mở rộng thẩm quyền của các cơ quan tài phán đối với trường hợp các bên không thể thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Bên cạnh Tòa án, pháp luật cần bổ sung vai trò của Trọng tài thương mại trong việc sửa đổi nội dung hợp đồng khi các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Bởi lẽ, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp các bên ký kết những HĐTM có thỏa thuận lựa chọn Trọng tài thương mại là chủ thể giúp các bên tiến hành giải quyết tranh chấp. Theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, mà một bên khởi kiện tại Tòa án, thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Như vậy, trong HĐTM, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài, thì Trọng tài thương mại cần phải được ghi nhận có thẩm quyền giải quyết việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không? Theo đó, khoản 3 Điều 420 nên được bổ sung theo hướng: “Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại…”.
Thứ ba, nên thay đổi tên gọi của Điều 420, cụ thể, từ “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thành “Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo được tính chính xác và lôgic với bản chất của sự kiện “hoàn cảnh thay đổi”. Nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng trong hoàn cảnh và điều kiện mới, thì trước hết phải có sự điều chỉnh hợp đồng, thậm chí hợp đồng còn bị chấm dứt. Không nên quan niệm vì được quy định tại mục thực hiện hợp đồng nên phải dùng từ thực hiện.
Thứ tư, về hậu quả pháp lý của việc sửa đổi HĐTM, cần được hướng dẫn cụ thể hơn nữa nhằm xác định các nghĩa vụ và trách nhiệm trước, trong và sau khi sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo tác giả, việc sửa đổi hợp đồng phải đảm bảo tối thiểu một số yêu cầu như: Việc sửa đổi hợp đồng phải tuân thủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; các điều khoản mới sửa đổi có hiệu lực thay thế cho các điều khoản cũ đã bị sửa đổi; việc sửa đổi hợp đồng không làm thay đổi việc chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp cũng như thời hiệu khởi kiện... Đồng thời, khắc phục một số khiếm khuyết như đã phân tích và luận giải trong bài viết.
NCS Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Điều 26 của Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế (Công ước nền tảng trong việc quy định cách thức, quy trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế giữa các quốc gia) có quy định: “Mọi điều ước quốc tế đã có hiệu lực đều ràng buộc các bên tham gia điều ước và phải được thi hành một cách thiện chí”.
[2]. Xem Rodrigo Momberg Uribe, “The effect of a change of circumstances on the binding force of contracts - Comparative perspectives”, 2011, p. 55-57.
[3]. Xem PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS. TS. Trần Thị Huệ, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 633 - 634.
[4]. Xem kết cấu khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015.