1. Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng
1.1. Công tác chăm lo cho các đối tượng người có công với cách mạng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, được chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian qua. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta chỉ rõ phải “thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng”[1]. Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định “quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân, sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với cách mạng”[2]. Đến Đại hội VIII, Đảng ta chỉ rõ “tổ chức tốt việc thi hành pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ”[3]. Tại Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định “chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”[4]... Đến Đại hội XI của Đảng, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010 - 2020, Đảng ta chỉ rõ “thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công”[5]; “hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”[6]. Ở Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu “thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội”[7], đồng thời, phải “quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”[8]; “gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”[9].
Chỉ đạo cụ thể hơn về vấn đề này, ngày 19/7/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Theo đó, Ban Bí thư chỉ đạo phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Ban Bí thư chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ: (i) Lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. (ii) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Nghiên cứu, ban hành pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành; rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp Huy chương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng. (iii) Tổ chức tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng theo Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót. Nghiên cứu, xem xét xác nhận người có công với cách mạng đối với những trường hợp do trước đây chưa đủ điều kiện xác nhận, hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không đủ điều kiện, nhưng nay có thêm được cơ sở, căn cứ xác nhận khác theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng; từng bước rà soát, phân loại và có hướng giải quyết đối với các đối tượng người có công với cách mạng còn tồn đọng ở cấp cơ sở. (iv) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sỹ và mộ liệt sỹ. Tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. (v) Kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hoá các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sỹ nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng. (vi) Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (vii) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng, kiến nghị với cấp uỷ và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.
1.2. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chính sách về ưu đãi người có công được quy định trong Hiến pháp, đạo luật gốc của Nhà nước ta. Điều 67 Hiến pháp năm 1992 đã xác định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khoẻ và đời sống ổn định. Những người và gia đình có công với nước được khen thưởng, chăm sóc”. Nguyên tắc này đã được quy định cụ thể bằng Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 (gọi tắt là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (năm 1994) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Có thể nói, đây là một bước tiến mới của pháp luật Việt nam về cụ thể hóa chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được ban hành năm 1994 đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần (các năm 1994, 2005, 2007, 2012) nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 đã cơ bản hoàn thiện và mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận đối tượng cũng như các chế độ, chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Đến Hiến pháp năm 2013, chính sách người có công tiếp tục được ghi nhận, khoản 1 Điều 59 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước”.
Để thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về ưu đãi người có công như: Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Tiếp theo đó, ngày 15/5/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân; Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng... Mới đây nhất, ngày 01/7/2019, Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Nghị định đã điều chỉnh tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện hiện tại của đất nước, thay thế Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 của Chính phủ. Nghị định số 58/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2019. Qua đó, có thể khẳng định hành lang pháp lý để thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã tương đối đầy đủ, những quy định của pháp luật đã góp phần quan trọng trong công tác ưu đãi người có công. Nhiều vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại cũng như vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, như vấn đề xác nhận liệt sỹ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết hiệu quả. Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước được ban hành, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng thời kỳ. Chính sách ưu đãi người có công được thực hiện đã tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân, bản thân và gia đình người có công với cách mạng, có tác động sâu sắc đến toàn xã hội, phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.
2. Thực trạng công tác ưu đãi người có công với cách mạng
Theo Báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng phát triển sâu rộng từ trung ương đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành pháp luật về ưu đãi người có công đến nay còn có một số khó khăn, hạn chế như[10]:
Một là, khái niệm về các diện đối tượng người có công chưa được làm rõ về điều kiện, tiêu chí mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh; chưa quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chưa có một khái niệm chung thế nào là “người có công với cách mạng”. Do các quy định còn chưa rõ ràng nên thực tiễn thời gian qua, đã có nhiều trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ người có công để “trục lợi” chính sách ưu đãi; những người không đúng đối tượng vẫn được hưởng chính sách, những người đúng đối tượng nhưng lại chưa được giải quyết do thiếu hồ sơ, giấy tờ gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Một số quy định của pháp luật đã tạo “kẽ hở” cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi hối lộ, tham nhũng, làm sai, làm giả hồ sơ vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.
Hai là, chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày mới chỉ giới hạn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chưa giải quyết chế độ đối với người bị địch bắt tù sau 30/4/1975 tại chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ... Quy định của Pháp lệnh về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sỹ, thương binh, bệnh binh trong thời chiến quá hẹp và ngược lại điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình quá rộng, không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, chưa hợp lý trong việc công nhận và trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Ba là, một số quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng, như: (i) Chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn sống (trong khi đó thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 61% trở lên đã được hưởng). (ii) Chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi. (iii) Quy định thân nhân của liệt sỹ có từ 4 liệt sỹ trở lên cũng chỉ được hưởng tối đa 3 định suất tuất là không phù hợp. Chính vì vậy, dẫn đến thực trạng tình trạng khiếu nại, tố cáo tăng, vi phạm pháp luật do làm hồ sơ giả, làm sai lệch hồ sơ để được hưởng lợi, tham nhũng.
Bốn là, vấn đề huy động nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc người có công (tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực xã hội) và phong trào đền ơn đáp nghĩa những năm gần đây có xu hướng giảm; Nhà nước chưa có chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện huy động nguồn lực, phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa thực sự phát triển, nguồn kinh phí chi trả cho người có công với cách mạng mặc dù đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, nhưng chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước, chưa phát huy được phát huy được nguồn lực của cả cộng đồng trong việc chăm sóc, giúp đỡ người có công với cách mạng.
3. Một số đề xuất
- Tiếp tục quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tới các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân.
- Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành theo hướng toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay.
- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động ưu đãi người có công với cách mạng, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa ba chủ thể Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng nhằm huy động được nguồn lực của cả cộng đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” “uống nước nhớ nguồn” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm không để sai sót, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách pháp luật; kiên quyết xử lý sai phạm trong việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng./.
2] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-vi-trinh-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vii-cua-dang-1800, truy cập ngày 10/7/2019.
[3] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549, truy cập ngày 10/7/2019.
[7] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-cac-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang-1601, truy cập ngày 11/7/2019.
8] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600, truy cập ngày 11/7/2019.
[9] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang-1600, truy cập ngày 11/7/2019.