Abstract: The article presents the current status of law observance of youths, teens, thereby proposing solutions to raise the awareness of law observance of youths, teens in the coming time.
1. Thực trạng chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên hiện nay
Trong xu thế giao lưu, hội nhập, phát triển, những trào lưu, xu hướng sống mới xuất hiện ngày càng nhiều trong thanh niên. Hiện nay, thanh niên có thái độ sống cởi mở hơn với những trào lưu, xu hướng mới, song họ cũng thể hiện rõ chính kiến của bản thân khi có xu hướng phản đối, không chấp nhận những trào lưu, xu hướng thiếu lành mạnh, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thanh niên. Đồng thời, thanh niên có xu hướng đề cao và khuyến khích sự phát triển của các trào lưu mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội cũng như thể hiện tính tích cực xã hội của thanh niên như trào lưu thành lập các nhóm, hội theo sở thích trên mạng xã hội; trào lưu kêu gọi giúp đỡ, làm từ thiện trên mạng xã hội…
Bên cạnh đó, còn một số vấn đề cần quan tâm, một bộ phận thanh niên có những biểu hiện như: Ngại đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; vi phạm an toàn giao thông, ngại gian khổ, khó khăn, đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích tập thể. Lối sống của thanh niên ngày càng có xu hướng gắn liền với cộng đồng ảo nhiều hơn là cộng đồng xã hội thực, trong đó, biểu hiện rõ rệt nhất là xu hướng thiết lập các mối quan hệ qua mạng xã hội ngày càng tăng của thanh niên. Tình trạng “nghiện” internet và mạng xã hội gia tăng trong thanh, thiếu niên, kéo theo đó là một số hệ lụy liên quan đến đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật… Một số biểu hiện tiêu cực, chưa phù hợp trong giao tiếp ứng xử nơi công cộng của thanh niên đáng phải quan tâm như: Dễ kích động trong ứng xử khi va chạm; không thực hiện những quy định nơi công cộng (xả rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào...).
Tình hình vi phạm pháp luật trong thanh niên còn nhiều diễn biến phức tạp. Các loại tội danh vi phạm trong thanh niên, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng vẫn không giảm. Nhiều hình thức vi phạm pháp luật mới cũng hình thành trong thanh niên. Nhóm thanh niên vi phạm pháp luật đa phần có trình độ dân trí thấp. Đặc biệt, tình trạng sử dụng ma túy trong thanh, thiếu niên vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát; 8% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi[1]. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên nghiện ma túy cao hơn nhiều lần so với nhóm thanh niên không nghiện.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên
Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên được đoàn thanh niên các cấp luôn chú trọng triển khai, tạo nên phong trào thi đua, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên, qua đó bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, chủ động phòng ngừa, loại bỏ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Một là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác tổ chức giáo dục pháp luật thông qua hoạt động truyền thông như mít tinh, ra quân, diễu hành cổ động, hội trại thanh, thiếu niên, phát hành tờ gấp, sách hỏi đáp, phát tài liệu tuyên truyền, tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên, thanh niên thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, phong trào xây dựng tủ sách pháp luật, qua đó thu hút sự chú ý của đông đảo thanh, thiếu niên và nhân dân. Tổ chức giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi viết, thi vẽ, thi dưới hình thức sân khấu hóa tìm hiểu về Luật Phòng, chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tuyên truyền về an toàn giao thông… đã được tổ chức thường xuyên, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng các cụm pa nô, tuyên truyền với nội dung về Ngày Pháp luật như: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức”; an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV… đã có tác dụng giáo dục cao với thanh, thiếu niên. Trung ương Đoàn duy trì Trang thông tin điện tử cộng đồng “Tuổi trẻ với pháp luật” trên mạng xã hội Facebook, cung cấp thường xuyên, kịp thời các thông tin về pháp luật, những lưu ý đối với thanh, thiếu niên trong chấp hành pháp luật và lên án các hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, Trang thông tin này có gần 10.000 người thường xuyên theo dõi, tương tác.
Các cấp bộ Đoàn đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên. Việc kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với hướng dẫn, áp dụng pháp luật được thực hiện khá đồng bộ, chặt chẽ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, dễ nhớ, dễ vận dụng trong cuộc sống.
Hai là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phong trào, các cuộc vận động và hoạt động của đoàn thanh niên
Các cấp bộ đoàn đã tập trung chỉ đạo phổ biến, giáo dục pháp luật đối với thanh niên thông qua tổ chức các phong trào hành động và đưa thanh niên tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chỉ đạo điểm, hướng dẫn xây dựng đội thanh niên xung kích an ninh tại địa bàn dân cư; tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và tuyên truyền viên của Đoàn, những biện pháp đó đã có hiệu quả thiết thực, tạo đà cho hoạt động cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh, thiếu niên, tạo ra sân chơi lành mạnh nhằm tập hợp, thu hút thanh, thiếu niên tham gia hưởng ứng, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội.
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên, các đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ ở các địa phương đã phối hợp và hỗ trợ tích cực với lực lượng công an trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra, phát hiện và tham gia giải quyết nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ở địa bàn dân cư; tổ chức cho thanh niên tham gia các chiến dịch, các đợt cao điểm phòng, chống ma tuý, mại dâm, đua xe trái phép... Phối hợp phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ người hoàn lương ở cộng đồng bằng các hoạt động như: Tham gia dự phiên tòa lưu động; phát động phong trào “Tìm địa chỉ đen”; đặt “Hòm thư tố giác tội phạm”; “Hòm thư cứu bạn”; “Hòm thư xanh”; “Điện thoại đường dây nóng”, qua đó thanh niên đã cung cấp nhiều tin có giá trị giúp cho lực lượng công an; tham gia quản lý, giáo dục hàng vạn đối tượng tại cộng đồng. Đã có nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật đối với thanh niên ở cơ sở từng bước được củng cố và có sự phát triển nhiều về số lượng, đa dạng về phương thức, loại hình tổ chức, hoạt động, tiêu biểu như: Mô hình câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật; mô hình “phiên tòa giả định”; mô hình đội tuyên truyền thanh niên về pháp luật; mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho thanh, thiếu niên; mô hình đội giáo dục đồng đẳng…
Các cấp Đoàn, hội, đội tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên học sinh, sinh viên ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “03 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm ma túy) gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; phát động chi đoàn, chi hội thanh niên thực hiện mục tiêu “Mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống ma túy, mại dâm”.
Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Nghị quyết liên tịch số 03/NQLT/TWĐ-BCA ngày 24/6/2010 giữa Trung ương Đoàn và Bộ Công an về phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên (Nghị quyết liên tịch số 03/NQLT/TWĐ-BCA), tại các địa phương tiếp tục duy trì, cảm hóa, giáo dục thanh niên do Đội thanh niên Thắp sáng niềm tin hằng năm và tiếp tục đăng ký giúp đỡ những đối tượng mới. Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” tiếp tục được thành lập mới ở nhiều địa phương và hoạt động hiệu quả, với nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như: Giới thiệu tư vấn nghề nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện tại địa phương, vay vốn sản xuất kinh doanh.
Tăng cường chỉ đạo các tổ chức Hội như: Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ về giữ gìn trật tự an toàn giao thông trong các dịp: Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè, Chương trình “Tiếp sức mùa thi”... Hoạt động tham gia tuyên truyền và trực tiếp giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều tỉnh, thành đoàn và được tập trung cao điểm vào các dịp tết, ngày kỷ niệm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ở địa phương. Hình ảnh màu áo xanh của thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông trên đường phố đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và có tính giáo dục cao đối với thanh, thiếu niên khi tham gia giao thông.
Ba là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn thanh niên
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường cung cấp thông tin đến vùng sâu, vùng xa, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo Ban biên tập Báo Tiền Phong, Báo Thanh niên, Báo Thiếu niên Tiền phong và Báo Nhi đồng, Tạp chí Thanh niên mở các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với đặc thù đối tượng cấp phát miễn phí cho thanh, thiếu nhi vùng sâu, vùng xa nhằm giới thiệu, phổ biến các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Các nội dung định hướng chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Đồng đội Trung ương được các đơn vị báo, đài của Đoàn, Hội, Đội và các website của các tỉnh, thành đoàn thường xuyên thông tin, tích cực tuyên truyền bằng việc xây dựng nhiều chuyên mục, đăng tải nhiều tin, bài tuyên truyền về Luật Thanh niên, Luật Trẻ em, Bộ luật Lao động, Luật Phòng, chống buôn bán người, Bộ luật Hình sự... và giới thiệu gương người tốt, việc tốt bằng việc duy trì hiệu quả chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên website và fanpage của các cấp bộ Đoàn, hội; duy trì và thường xuyên cung cấp thông tin về pháp luật cho thanh, thiếu niên thông qua fanpage “Tuổi trẻ với pháp luật”.
Hệ thống tờ tin thanh niên của các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đều dành diện tích thỏa đáng để kịp thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cổ vũ, khích lệ, nêu gương điển hình, mô hình, kinh nghiệm hay của tuổi trẻ trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Việc giáo dục pháp luật trên các báo, tạp chí, nhà xuất bản và tờ tin của Đoàn thanh niên đã thực sự thu hút sự quan tâm và có tác dụng phổ biến, giáo dục pháp luật cao tới đông đảo thanh, thiếu niên và nhân dân.
Các nhà xuất bản của Đoàn (Nxb. Kim Đồng, Nxb. Thanh niên) đẩy mạnh liên kết các nhà xuất bản, tham gia các dự án sách giáo dục, sách cho các thư viện, sách cho chiến sỹ, sách trang bị cho xã, phường, thị trấn. Từng bước xây dựng và tham gia các dự án sách cho thanh, thiếu nhi vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các ấn phẩm cũng đề cập đến nhiều các quy định pháp luật của Nhà nước ban hành, những văn bản pháp luật liên quan và tác động hàng ngày đến hoạt động của thanh niên, ảnh hưởng trực tiếp đến lao động, việc làm và đời sống hàng ngày của thanh niên.
Có thể nói, nội dung, hình thức tuyên truyền cũng được hệ thống truyền thông của Đoàn cải tiến phù hợp: Tuyên truyền pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, giải đáp thắc mắc những vấn đề liên quan đến đời sống của thanh niên hoặc nêu những câu chuyện trong thực tế gắn với pháp luật để giáo dục thanh niên. Đặc biệt, hình thức phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong thanh niên được nhiều báo thực hiện góp phần khuyến khích phong trào tìm hiểu pháp luật trong thanh niên và cũng là biện pháp “tự tìm hiểu, tự giáo dục” pháp luật của thanh niên.
3. Giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên trong thời gian tới
Thứ nhất, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, mở rộng lực lượng phổ biến, giáo dục pháp luật. Rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả và kiện toàn, phát huy đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Đoàn. Hàng năm, 100% tổ chức đoàn từ cấp huyện đến trung ương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật cho đội ngũ cán bộ đoàn trực tiếp tham mưu về công tác tuyên truyền, giáo dục và tư vấn pháp luật và báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo của tổ chức Đoàn, hội, đội các cấp về phổ biến, giáo dục pháp luật. Hướng dẫn đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật vào nội dung sinh hoạt của các cấp bộ Đoàn, hội, đội, cụ thể hóa vào chương trình công tác đoàn, phong trào thanh, thiếu niên và các hoạt động của các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt. Lấy kết quả ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, phân loại tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh, thiếu niên. Tiếp tục phát huy chức năng của Viện Nghiên cứu thanh niên trong việc nắm chắc tình hình thanh niên; nghiên cứu, tham mưu về chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Thứ ba, xây dựng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với thanh, thiếu niên. Chú trọng định hướng tư vấn tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới, các nội dung pháp luật thiết thực với thanh, thiếu niên, đội ngũ doanh nghiệp trẻ, bao gồm: Các thông tin về pháp luật (bao gồm cả kiến thức pháp luật cơ bản và văn bản pháp luật thực định có liên quan đến thanh, thiếu niên); các thông tin về việc thực hiện pháp luật (về tình hình vi phạm pháp luật, về điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật đối với thanh, thiếu niên); các thông tin về kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học về thực hiện, áp dụng pháp luật; về vị trí, tác động của từng văn bản pháp luật đối với đời sống kinh tế - xã hội... đối với thanh, thiếu niên; các thông tin hướng dẫn kỹ năng thực hiện pháp luật và áp dụng pháp luật cụ thể (quyền, nghĩa vụ pháp luật, các quy trình, thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với thanh niên). Trong đó, tập trung phổ biến sâu rộng cho thanh, thiếu niên các quy định của pháp luật gắn trực tiếp với đời sống, sinh hoạt, học tập của đoàn viên, thanh niên.
Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đối với thanh niên, tập trung vào tuyên truyền miệng; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng lưới truyền thanh ở cơ sở; thông qua các phương tiên truyền thông đại chúng, mạng xã hội; biên soạn và phát hành các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các loại hình câu lạc bộ pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; xây dựng, duy trì các tủ sách pháp luật; triển khai các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; thông qua việc lấy ý kiến, góp ý vào các dự thảo luật của thanh niên. Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phát triển các hoạt động tư vấn pháp luật; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận, sử dụng các hình thức trợ giúp pháp lý, dịch vụ pháp lý.
Thứ năm, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc nêu gương điển hình người tốt, việc tốt. Nêu gương, cổ vũ những tấm gương thanh niên thực hiện tốt pháp luật cũng như góp phần bảo vệ pháp luật như: Tổ chức gặp mặt thanh niên tiên tiến trong phong trào giữ gìn trật tự an toàn giao thông; công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... biểu dương, nêu gương trên hệ thống thông tin của tổ chức Đoàn, hội, đội... Thông qua đó, nhân rộng phong trào đồng thời, cũng là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả trong cộng đồng.
Thứ sáu, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, có nguy cơ cao, nhóm đối tượng đặc thù như thanh niên dân tộc thiểu số, người dân ở vùng ngoại ô, ven biển, ngư dân; người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo, thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Đồng thời, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn đô thị hóa, ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ, địa bàn có tỷ lệ vi phạm pháp luật, nguy cơ vi phạm pháp luật cao trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, an toàn thực phẩm; hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội khác; trật tự, an toàn giao thông và các lĩnh vực quản lý khác có nhiều vi phạm pháp luật.
Phó Trưởng Ban tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
[1]. Linh Phan, 8% số người sử dụng ma túy lần đầu chưa đủ 18 tuổi, https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/8-so-nguoi-su-dung-ma-tuy-lan-dau-chua-du-18-tuoi-264793/, ngày đăng 14/6/2016