Triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trong những năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý, theo đó, công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh Đồng Tháp đã có những bước chuyển biến tích cực với những kết quả đáng khích lệ.
1. Tình hình nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý của tỉnh Đồng Tháp
1.1. Tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Hiện nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Tháp có 02 phòng chuyên môn gồm Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Nghiệp vụ. 02 Chi nhánh trợ giúp pháp lý thành lập tại địa bàn các huyện có vị trí địa lý cách xa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn chiếm tỷ lệ khá cao.
Tính đến ngày 30/6/2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có 14 viên chức và 01 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (Nghị định số 68/2000/NĐ-CP), trong đó, năm 2022 được giao 19 biên chế và 01 lao động. Cụ thể, số lượng viên chức hiện có: Giám đốc Trung tâm và 02 Phó Giám đốc Trung tâm; Phòng Hành chính - Tổng hợp có 03 viên chức và 01 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; Phòng Nghiệp vụ có 06 viên chức; Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1, số 2 có 02 viên chức. Đội ngũ Lãnh đạo của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được kiện toàn và bảo đảm triển khai nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của Trung tâm.
Hiện nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có 06 trợ giúp viên pháp lý, 31 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm và 13 cộng tác viên. Nhìn chung, việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ngày càng được củng cố, tạo được lòng tin đối với người được trợ giúp pháp lý. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm được đánh giá ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý nói chung, của trợ giúp viên pháp lý nói riêng trong các vụ án đã góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người chưa thành niên và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để có được kết quả như vậy, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đã không ngừng cố gắng chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý thông qua các lớp tập huấn theo chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cũng như chủ động trao đổi kinh nghiệm cá nhân với những người thực hiện trợ giúp pháp lý có kinh nghiệm nhiều năm tham gia tố tụng. Các kết quả đạt được của người thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua việc thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể đã góp phần nâng cao uy tín của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, xây dựng được hình ảnh người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp, luôn nhận được sự tôn trọng, tin tưởng của các cơ quan nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và người dân.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng luôn coi việc phát triển đội ngũ luật sư tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ quan trọng. Tất cả các huyện, thành phố đều có luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, do đó, việc phân công vụ việc tham gia tố tụng cho luật sư tại các địa bàn đều thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại, các luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đều tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý, trong đó, tập trung vào hoạt động tham gia tố tụng, có nhiều luật sư tham gia tố tụng rất nhiều vụ việc, một số luật sư tích cực thực hiện truyền thông và tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
1.2. Huy động các nguồn lực tham gia trợ giúp pháp lý
Từ khi triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay, có 05 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và 02 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp.
Trong thời gian qua, luật sư và các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đã đóng góp vai trò không nhỏ trong công tác trợ giúp pháp lý, điều này được phản ánh qua số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý do các luật sư thực hiện theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc theo sự phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý các luật sư đã phối hợp với các trợ giúp viên pháp lý (đối với các vụ việc được phân công từ 02 người thực hiện trợ giúp pháp lý trở lên) để tìm ra những phương án bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
1.3. Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022
Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành 1.862 vụ việc (1.009 vụ tham gia tố tụng, 852 vụ tư vấn, 01 vụ đại diện ngoài tố tụng), trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 844 vụ việc, luật sư thực hiện 970 vụ việc.
Nhìn chung, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực đã đánh dấu mốc quan trọng, là kim chỉ nam cho công tác trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, vì vậy, số vụ việc tham gia tố tụng năm sau luôn cao hơn năm trước. Đối tượng được trợ giúp pháp lý chủ yếu là người thuộc hộ nghèo; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; trẻ em; người có công với cách mạng, người cao tuổi…
Thông qua hoạt động của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, ngày càng có nhiều đối tượng được cán bộ, công chức các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu để tiến hành các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, góp phần tăng đáng kể các trường hợp người dân được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, số vụ việc tư vấn pháp luật giảm nhiều do các vụ, việc đơn giản hiện nay không được tính là vụ, việc trợ giúp pháp lý. Hơn nữa, năm 2021, tỉnh Đồng Tháp cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để yêu cầu tư vấn pháp luật.
2. Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý
Công tác quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp chú trọng. Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, Tổ đánh giá gồm có Lãnh đạo Sở Tư pháp, phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Đoàn Luật sư tỉnh và những trợ giúp viên pháp lý, luật sư dày dạn kinh nghiệm trong công tác trợ giúp pháp lý. Qua hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, nâng cao hiệu quả và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, bảo đảm người dân đều được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng. Thông qua việc đánh giá, cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý có những nhận định, đánh giá cụ thể về chất lượng dịch vụ và năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, Sở Tư pháp đã thực hiện đánh giá chất lượng 1.009 vụ việc, theo đó, 100% vụ việc đều đạt chất lượng tốt, khá (51 vụ việc đạt chất lượng khá, 958 vụ việc đạt chất lượng tốt). Qua kiểm tra và đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ, các vụ việc trợ giúp pháp lý đều được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu về tuân thủ pháp luật, phù hợp đạo đức xã hội, hồ sơ, thủ tục theo quy định, quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý được bảo đảm. Người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc tận tâm, có trách nhiệm, kịp thời thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Hoạt động thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước triển khai theo quy định. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thành lập Tổ thẩm định phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định chất lượng 1.009 vụ việc trợ giúp pháp lý theo Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Qua các vụ việc được thẩm định chất lượng thì có 95% vụ việc đạt chất lượng tốt, 5% vụ việc đạt chất lượng, không có vụ nào không đạt chất lượng. Số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả năm 2020 là 52 vụ việc (chiếm 18,84% tổng số vụ việc tham gia tố tụng), năm 2021 là 61 vụ việc (chiếm 24,67% tổng số vụ việc tham gia tố tụng), 06 tháng đầu năm 2022 là 38 vụ việc (chiếm 27,74% tổng số vụ việc tham gia tố tụng).
Trong những năm qua, không có trường hợp về khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý, chưa xảy ra vụ việc gây thiệt hại cho đối tượng được trợ giúp pháp lý và phát sinh trách nhiệm bồi thường. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tạo niềm tin của nhân dân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
3. Đánh giá chung
3.1. Ưu điểm
Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực theo hướng đúng bản chất của “trợ giúp pháp lý”, giúp cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý được hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Công tác triển khai thực hiện chính sách về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả, góp phần truyền thông pháp luật ngày càng sâu, rộng trong nhân dân, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ quan tiến hành tố tụng đã từng bước thực hiện tốt việc phối hợp trong trợ giúp pháp lý để bảo đảm các đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí trong hoạt động tố tụng đều được giúp đỡ.
Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã giúp đối tượng nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật để ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, giải tỏa vướng mắc pháp luật, giảm khiếu kiện vượt cấp, đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời cho đối tượng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp không ngừng kiện toàn về tổ chức bộ máy cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đồng thời, chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước sắp xếp, phân công viên chức phù hợp với trình độ, năng lực công tác; hàng năm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, đồng thời, đôn đốc, kiểm tra đánh giá và chỉ đạo rút kinh nghiệm những mặt làm được và chưa được, từ đó, phát huy hiệu quả công tác, góp phần thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.
3.2. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
Thứ nhất, khó khăn lớn nhất trong hoạt động trợ giúp pháp lý của địa phương trong thời gian qua là công tác cán bộ. Việc bổ sung nguồn lực người thực hiện trợ giúp pháp lý (viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) trong thời gian dài chưa tuyển dụng được viên chức theo số lượng người biên chế, nguyên nhân là do chế độ, chính sách đối với những người mới được tuyển dụng chưa cao, chưa bảo đảm được cuộc sống của họ, việc thu hút những sinh viên tốt nghiệp đại học luật vào làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước còn hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng đến việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ người thực hiện công tác trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Thứ hai, hiện nay, số lượng trợ giúp viên pháp lý còn mỏng (06 người) so với khối lượng công việc ngày càng tăng của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tạo áp lực về khối lượng công việc mỗi người phải đảm nhận; chất lượng luật sư ký hợp đồng với Trung tâm không đồng đều nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật tại cơ sở chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời, đôi lúc còn chưa hợp lý về thời gian dẫn đến người dân tham dự không nhiều do người dân nông thôn thường đi làm ăn xa hoặc vào vụ mùa.
4. Một số giải pháp xây dựng nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương
Một là, cơ quan có thẩm quyền cần quy định chế độ, chính sách phù hợp đối với viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước không phải là trợ giúp viên pháp lý, vì những viên chức này không được hưởng phụ cấp công vụ, đồng thời, có chế độ, chính sách thu hút người có năng lực tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý.
Hai là, xem xét đổi tên gọi chức danh trợ giúp viên pháp lý thành luật sư công để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Ba là, trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nên trợ giúp viên pháp lý không thể tham gia trợ giúp pháp lý cho đối tượng này được. Vì vậy, cần bổ sung nhóm đối tượng này vào Luật Trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Bốn là, Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nâng cao năng lực cho trợ giúp viên pháp lý và đội ngũ người thực hiện công tác trợ giúp pháp lý.