
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có những quy định mang tính nguyên tắc cơ bản về trình tự, thủ tục thi hành án hành chính. Nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác thi hành án hành chính, thực hiện khoản 3 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định về thi hành án hành chính, trong đó cụ thể hóa các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về công tác thi hành án hành chính. Trong những năm qua, trên cơ sở các quy định của pháp luật, công tác thi hành án hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nhiều mặt. Bên cạnh đó, công tác thi hành án hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế mà một trong những nguyên nhân là do vấn đề thể chế, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Một số đặc trưng, lưu ý của việc thi hành án hành chính đó là: Cũng giống như thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, thi hành án hành chính là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án trên thực tế cuộc sống và được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật có liên quan, tuy nhiên, khác với thi hành án dân sự và thi hành án hình sự, thi hành án hành chính là quá trình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; không phải mọi phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đều được điều chỉnh hoàn toàn bởi pháp luật tố tụng hành chính, vì những phán quyết của Tòa án về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật thi hành án dân sự và được tổ chức thực hiện theo quy trình thi hành án dân sự; nếu như thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, pháp luật quy định cơ chế một chủ thể thứ ba (cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự) được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành, thì thi hành án hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án; Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thi hành án dân sự bao gồm các bước như sau: Bước 1. Tự nguyện thi hành án; Bước 2. Yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính; Bước 3. thi hành án dân sự sau khi có quyết định buộc thi hành án dân sự của Tòa án. Bên cạnh quy định chung về trình tự, thủ tục thi hành một bản án hành chính như trên thì Nghị định số 71/2016/NĐ-CP cũng hướng dẫn thủ tục thi hành bản án hành chính trong những trường hợp cụ thể.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, kính mời độc giả tìm đọc bài viết ”Thực trạng trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và một số kiến nghị” của ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.