1. Vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các loại hình truyền thông đã trở thành một “đòn bẩy” thiết yếu trong hàng loạt các hoạt động hướng tới mục đích bảo về nhân quyền, quyền công dân trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Nếu như các thiết chế khác tác động gián tiếp đến việc bảo vệ quyền con người, thì thiết chế truyền thông với nhiều loại hình truyền thông đa dạng đã tác động trực tiếp đến hoạt động bảo vệ quyền con người bằng những vai trò tích cực nhất. Những vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người, đó là:
Một là, thiết chế truyền thông thể hiện vai trò tích cực tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các nội dung quan trọng về vấn đề nhân quyền trong các văn kiện pháp lý quốc tế tới các quốc gia trên toàn thế giới, tới từng dân tộc, không giới hạn phạm vi lãnh thổ, biên giới. Nhờ có hoạt động truyền thông, báo chí và chức năng đưa tin của các phương tiện truyền thông đại chúng mà các nội dung quan trọng về nhân quyền được phổ quát tới nhiều nơi, ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn thế giới, giúp cho các quốc gia, các vùng lãnh thổ tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện để hiểu được các quy định của pháp luật quốc tế và thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về nhân quyền tại quốc gia sở tại.
Hai là, báo chí, truyền thông là phương tiện quan trọng công khai các thành tựu trong quá trình bảo vệ quyền con người của các quốc gia trên thế giới. Vai trò này đã giúp cho quá trình bảo vệ quyền con người ở nhiều quốc gia được phổ biến, giới thiệu, truyền bá và trở thành những bài học kinh nghiệm nâng cao công tác quản lý, tổ chức hoạt động bảo về quyền con người cho quốc tế và cho những quốc gia khác.
Ba là, truyền thông đại chúng là diễn đàn để nhân dân, công dân của mỗi quốc gia bày tỏ ý kiến, quan điểm về hoạt động giáo dục, bảo vệ quyền con người. Cũng nhờ truyền thông mà nhiều quan điểm, ý kiến, đề xuất, giải pháp khả thi được cơ quan nhà nước tiếp nhận và hiện thực hóa để nâng cao hiệu qua trong hoạt động bảo vệ quyền con người nói chung và quyền công dân nói riêng.
Bốn là, thiết chế truyền thông đã truyền tải được nhanh chóng các vụ việc, các vấn đề, các hành vi vi phạm và xâm hại nghiêm trọng quyền con người, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, đấu tranh chống các hành vi tiêu cực, phê phán và cảnh báo những hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Vai trò này của thiết chế truyền thông đã có tác dụng trong việc ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái và bảo đảm tối đa những lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi cá nhân đối với việc hưởng quyền con người và quyền công dân. Ngoài ra, trên cơ sở tham khảo những thông tin mà truyền thông, báo chí truyền tải, các cơ quan chức năng, các nhà chức trách cũng có căn cứ, cơ sở để giải quyết, làm rõ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về nhân quyền.
Năm là, thiết chế truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm quyền được tiếp nhận thông tin về quyền con người của mỗi cá nhân và đây cũng là cơ sở hình thành các chức năng khác của thiết chế truyền thông đối với hoạt động bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như chức năng giáo dục, vai trò giám sát, quản lý, điều tiết các vấn đề khác liên quan đến quyền con người.
Tại Việt Nam, vai trò chủ yếu và quan trọng nhất của các thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người đó là bảo đảm được tính chất cung cấp thông tin nhân quyền, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về nhân quyền cho nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội. Với điều kiện kinh tế - xã hội và điều kiện về nhận thức ở Việt Nam như hiện tại, vai trò này càng phát huy được những hiệu quả nhất định trong quá trình tương tác với các thiết chế khác nhằm mục đích đưa pháp luật quyền con người vào đời sống cụ thể và bảo vệ con người, bảo vệ các chủ thể khác nhau khỏi những hành vi xâm phạm quyền con người.
Truyền thông ngày càng phát triển và trở thành một “món ăn” không thể thiếu trong mỗi gia đình và toàn xã hội thì việc tác động của truyền thông đối với vấn đề bảo vệ quyền con người là hoàn toàn dễ dàng và tiện lợi. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động của thiết chế truyền thông từ cơ quan nhà nước cũng là một vấn đề cần thiết để hoạt động truyền thông đi vào khuôn khổ và phát huy được những vai trò bản năng của mình trong đời sống xã hội nói chung và việc bảo vệ nhân quyền nói riêng.
2. Thực trạng vai trò của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
Vai trò của thiết chế truyền thông như đã nêu trên luôn được đặt ra với tư cách là nhiệm vụ, chức năng và sứ mệnh của các loại hình truyền thông trong việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về quyền con người. Tuy nhiên, thiết chế truyền thông có đảm đương được những vai trò này với mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người hay không lại là một vấn đề đáng lưu ý với các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Thực tế cho thấy, ở mỗi quốc gia khác nhau thì thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người sẽ thực hiện những vai trò khác nhau (có thể là thực hiện cùng lúc nhiều vai trò hoặc có thể thực hiện xen kẽ, đan xen hoặc riêng lẻ các vai trò). Việc này sẽ quyết định đến tính hiệu quả của hoạt động báo chí, truyền thông đến vấn đề bảo vệ quyền con người và thúc đẩy những giá trị mang tính giáo dục đối với nhân quyền. Sự đa dạng hóa của loại hình truyền thông khác nhau trong thiết chế truyền thông sẽ là cơ sở để nảy sinh hai mặt của công tác dùng truyền thông tác động đến nhân quyền - mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Ở Việt Nam, quyền con người không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được thực thi trong thực tế. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, có rất nhiều hình thức truyền thông nhằm tác động trực tiếp đến vấn đề nhân quyền. Các con số làm dẫn chứng cụ thể cho tác động của truyền thông lên đời sống xã hội nói chung và lên nhân quyền nói riêng như: Có hơn 800 cơ quan báo chí in, gần 70 đài phát thanh, truyền hình; Ðài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng gần 100% diện tích lãnh thổ, qua vệ tinh tới nhiều nước trên thế giới; hơn 90% hộ gia đình đã sử dụng sóng của Ðài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời, người dân Việt Nam được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh nổi tiếng. Ngoài ra, có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Đặc biệt, internet đã được Nhà nước khuyến khích sử dụng và phát triển ấn tượng. Đến nay, Việt Nam có hơn 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động; giá cả dịch vụ internet ở Việt Nam rẻ nhất khu vực, người dân có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times[1]... Nhiều cuộc điều tra xã hội đã cho thấy, phần lớn người dân Việt Nam thường biết tới các thông tin thời sự, pháp luật và nhân quyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nói cách khác, báo chí, truyền thông là phương tiện hữu hiệu trong việc cung cấp, trang bị thông tin, kiến thức trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các các nội dung liên quan đến quyền con người nhằm góp phần nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của bản thân mình. Đây là lý do tạo nên sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Chính từ sự tin tưởng đó, công chúng mới đi theo định hướng của báo chí, có phản hồi và tích cực hợp tác, thậm chí trở thành nguồn tin của báo chí trong các nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân quyền.
Nhờ vào các thực trạng về sự phát triển truyền thông ở Việt Nam mà hàng loạt các vấn đề về quyền con người trong thời gian gần đây được đưa tin, có thể kể đến như: Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang); vụ án oan của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận); vụ án xét xử em Nguyễn Mai Trung Tuấn; vụ án của tử tù Hồ Duy Hải; các vụ việc đòi quyền lợi của cộng đồng LGBT; các quan điểm, chính sách kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới luật của Việt Nam để phù hợp với pháp luật quốc tế và nhu cầu thiết yếu của vấn đề nhân quyền…. Vai trò của truyền thông tại Việt Nam là khá rõ ràng, hơn bất cứ một công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội nào khác, thì truyền thông có quyền năng tăng cường nhận thức trực tiếp hoặc gián tiếp ở nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt truyền thông cũng làm gia tăng các suy nghĩ, nhìn nhận về vấn đề quyền con người. Đã một thời gian khá dài, đặc biệt trong những năm gần đây, từ “quyền” và cụm từ “quyền con người” được báo chí sử dụng thường xuyên với mục đích phản ảnh chân thực các góc cạnh của cuộc sống liên quan đến nhân quyền. Điều đó cho thấy, sự phản ánh này đồng nghĩa với việc các cơ quan truyền thông, báo chí đã tác động trực tiếp tới vấn đề bảo vệ quyền con người khi cung cấp hàng loạt những thông tin hữu ích, có giá trị cho người dân.
Ở khía cạnh tích cực, thiết chế truyền thông ở Việt Nam hiện nay đã mang lại nhiều hiệu quả khá khả quan như: Nhờ có truyền thông, báo chí thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến và vận động nên nhiều kế hoạch, mục tiêu thiên niên kỷ (xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục) mà Việt Nam tham gia ký kết trong nhiều điều ước quốc tế đã hoàn thành trước thời hạn cam kết. Điều này có thể thấy rõ qua các hoạt động hợp tác tổ chức chương trình tuyên truyền nhân quyền của Việt Nam với UN, UNDP, EU, ASEAN, Hội đồng Anh…; nhiều bài viết, bản tin, nhiều thông tin phản ánh chính xác và kịp thời những thành tựu trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam[2]; các cơ quan báo chí, truyền thông đã chủ động và kịp thời cung cấp những thông tin trung thực, khách quan về những vấn đề, vụ việc mà các thế lực cơ hội, thù địch thường xuyên tìm cách xuyên tạc, vu cáo như chính sách dân tộc, tôn giáo của Việt Nam, tình hình nhân quyền trong nước… giúp bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Để giúp người dân có nhận thức đúng đắn về quyền con người, đề cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh chống diễn biến hòa bình, nhiều tờ báo đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về các vấn đề thuộc lĩnh vực quyền con người, trong đó có nhiều nội dung về quyền con người, quyền công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, góp phần kịp thời định hướng dư luận trước những ý kiến sai lệch về dân chủ, nhân quyền cũng như thông tin xuyên tạc, phản ánh sai thực tế về tình hình nhân quyền Việt Nam. Sau khi hàng loạt các vụ việc thực tế về vi phạm quyền con người được báo chí, truyền thông đưa tin như: Vụ việc ông Huỳnh Nghĩa đã chết tại nhà riêng sau khi bị cảnh sát hành hung trong một cuộc thẩm vấn tại tỉnh Đắk Nông; vụ án 5 công an dùng nhục hình đánh chết người ở Phú Yên; vụ án các điều tra viên bức cung, tra tấn ông Nguyễn Thanh Chấn... có thể thấy rằng, sự ảnh hưởng không hề nhỏ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức truyền thông trong việc tác động vào nhận thức của người dân nhằm lên án các hành vi sai trái, xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng trên thực tế của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Đây cũng là hoạt động đáng khích lệ đối với truyền thông khi thiết chế này thực sự là một công cụ xã hội sắc bén trong hoạt động bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền.
Bên cạnh những điểm tích cực của thiết chế truyền thông tác động đến việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, thì một số loại hình truyền thông cụ thể vẫn còn bất cập, nhược điểm trong công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người cần phải khắc phục kịp thời như: Việc thông tin, tuyền truyền, giáo dục quyền con người chưa diễn ra thường xuyên, thiếu tính toàn diện, nhiều hoạt động mang tính chất tự phát, không có kế hoạch, lộ trình cụ thể rõ ràng, nhiều bài viết, chương trình, bản tin chưa phản ánh đúng thực chất sự việc liên quan đến nhân quyền; trong một số trường hợp, việc đấu tranh phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá cách mạng của các thế lực thù địch còn bị động, một số bài viết trên báo, tạp chí chưa sâu sắc, thuyết phục, hiểu biết, kỹ năng tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên viết về quyền con người còn một số mặt hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin, tuyên truyền; cơ quan truyền thông, báo chí vẫn chưa sâu sát được đến tất cả các vùng miền, các đối tượng khác nhau trên lãnh thổ nên việc người dân được tiếp cận những thông tin chính thống về quyền con người còn hạn chế, trình độ nhận thức và việc tự bảo vệ quyền của mình ở nhiều người còn chưa cao…
Nhìn chung, các thiết chế truyền thông trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, công tác truyền thông, báo chí của một số loại hình truyền thông vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản nên những giá trị phổ quát về quyền con người của toàn nhân loại nói chung và ở Việt Nam nói riêng vẫn chưa được tất cả mọi người trong xã hội quan tâm và nhận thức đầy đủ. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm phát huy tối đa vai trò quan trọng của thiết chế truyền thông đối với việc bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
3. Một số đề xuất nâng cao hiệu quả của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam
Để nâng cao hiệu quả của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người ở Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng của thiết chế truyền thông trong việc bảo vệ quyền con người. Muốn làm được điều này, Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động truyền thông, báo chí trong vấn đề bảo vệ quyền con người xây dựng một lộ trình cụ thể, có kế hoạch rõ ràng, có chiến lược lâu dài. Đồng thời, để hoạt động truyền thông có hiệu quả tích cực, cần thiết phải có các cơ chế bảo vệ nhân quyền cấp quốc gia, có cơ quan chuyên trách phụ trách quản lý hoạt động truyền thông về quyền con người phối kết hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu cốt lõi của vấn đề bảo vệ nhân quyền.
Thứ hai, các văn bản luật, văn bản dưới luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, bảo vệ quyền con người cần được phổ biến rộng rãi. Để nâng cao hiệu quả và chất lượng truyền thông về quyền con người, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cần cố gắng xuất bản, in ấn các văn bản pháp luật, các nội dung chính sách của Đảng, Nhà nước và các tài liệu hướng dẫn, phổ biến nâng cao kiến thức, nhận thức về quyền con người cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc các vùng có điều kiện kinh tế và trình độ dân trí thấp…
Thứ ba, thực hiện các chương trình, kế hoạch, nội dung, chuyên đề về quyền con người dưới nhiều hình khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau trong nhiều hoàn cảnh khác nhau để đối tượng hướng tới có thể hiểu sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách, văn bản pháp luật và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Ngoài ra, cũng cần thiết phải thực hiện hoạt động giáo dục về nhân quyền trong hệ thống giáo dục quốc dân (kết cấu thành các môn học bắt buộc ở các cấp độ học khác nhau) và ngoài hệ thống giáo dục quốc dân (tổ chức diễn đàn trao đổi, tuyên truyền, giải thích, giáo dục về nhân quyền).
Thứ tư, có những giải pháp triệt để khi những loại hình truyền thông báo chí đưa tin sai sự thật, xuyên tạc sự việc, vi phạm quy định pháp luật về báo chí hoặc có những hành vi nói xấu, bôi nhọ các tổ chức, cá nhân liên quan khác. Giải quyết triệt để vấn đề này sẽ góp phần gia tăng hiệu quả và nâng cao chất lượng của truyền thông, báo chí trong quá trình thực hiện chức năng bảo vệ quyền con người.
Thứ năm, tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ về nhân quyền cho đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Đội ngũ này phải là những người nhiệt huyết, có trách nhiệm, có đạo đức, biết tôn trọng quyền con người, quyền công dân.
Hoàn thiện và nâng cao vai trò của thiết chế truyền thông trong công tác bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho con người, cho các công dân là điều quan trọng cần thiết phải thực hiện. Từ những ưu điểm và hạn chế của thiết chế truyền thông tác động lên nhân quyền hiện nay giúp chúng ta dễ dàng nhận ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu cốt lõi là tôn trọng những quyền năng và phẩm giá bẩm sinh của con người sao cho phù hợp và hài hòa với chuẩn mực quốc tế cũng như thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
(Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Bộ "Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam").