Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số quốc gia trên thế giới, đánh giá khả năng áp dụng thuế carbon ở Việt Nam để đề xuất hoàn thiện pháp luật thuế theo hướng áp dụng thuế carbon ở Việt Nam.
Abstract: The article studies the experience of applying a carbon tax in some countries around the world, evaluates the possibility of applying a carbon tax in Vietnam, and proposes to improve the tax law towards the application of a carbon tax in Vietnam.
1. Kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số quốc gia trên thế giới
Tính đến tháng 12/2021, theo Ngân hàng Thế giới, có 35 quốc gia đã áp dụng thuế carbon, bao gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore[1]...
Ở châu Âu, các quốc gia thuộc khối liên minh châu Âu như Đan Mạch, Ai-Len, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ đánh thuế carbon vào nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, ngoại trừ một số ngành đặc biệt như hàng không quốc tế, vận tải biển và các ngành trong danh mục Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Thuế suất carbon của các quốc gia này có sự khác biệt khá lớn, cao nhất lên tới 132 USD/tấn CO2 (Thụy Điển) và thấp nhất là 5 USD/tấn CO2 (Bồ Đào Nha). Nguồn thu từ thuế carbon được các nước châu Âu chủ yếu sử dụng cho mục đích nâng cao bảo hiểm xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm dân cư dễ bị tổn thương bởi tác động của thuế carbon và đầu tư cho các chương trình phát triển năng lượng tái tạo[2].
Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng thuế carbon[3]. Thuế carbon được Chính phủ Pháp đề xuất từ năm 2000, được thông qua vào năm 2013 và chính thức có hiệu lực từ năm 2014. Đối tượng chịu thuế là các loại nhiên liệu hóa thạch như khí gaz, dầu sưởi, sản phẩm than đá và nhiên liệu vận tải. Tuy nhiên, thuế carbon ở Pháp không phải là một loại thuế độc lập mà được bổ sung (cộng thêm) vào thuế tiêu thụ năng lượng, là thuế nội địa thu vào việc tiêu thụ các sản phẩm năng lượng. Chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế carbon ở Pháp là doanh nghiệp và hộ gia đình có tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch chịu thuế. Mức thuế suất được xác định trên cơ sở hàm lượng CO2 (hệ số phát thải) của mỗi loại nhiên liệu hóa thạch chịu thuế, các chi phí xã hội của carbon và có lộ trình tăng dần theo từng năm. Nguồn thu thuế carbon được Chính phủ sử dụng cho trợ cấp xanh, một phần để giảm thuế giá trị gia tăng cho việc đổi mới xây dựng nhiệt điện và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho chuyển tiếp từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, một phần để đền bù cho các hộ gia đình trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ở khu vực châu Á, Nhật Bản áp dụng thuế carbon từ tháng 10/2012[4]. Đối tượng chịu thuế carbon là dầu thô, xăng, khí gaz tự nhiên và than đá tại điểm bắt đầu đưa các sản phẩm nhiên liệu này vào thị trường (khâu nhập khẩu hoặc khai thác). Theo đó, chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế carbon là các doanh nghiệp nhập khẩu, khai thác các loại nhiên liệu hóa thạch chịu thuế. Ở Nhật Bản, thuế carbon không tồn tại độc lập mà được bổ sung vào thuế than đá và dầu mỏ đã có. Mức thuế suất hiện nay là 289 Yên/tấn CO2. Nguồn thu từ thuế carbon được Nhật Bản sử dụng để đầu tư phát triển công nghệ carbon thấp, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.
Trong khối ASEAN, Singapore là quốc gia đầu tiên áp dụng thuế carbon với mục tiêu chuyển đổi thành một nền kinh tế carbon thấp. Theo Đạo luật định giá carbon[5] được Singapore thông qua vào ngày 20/3/2018 và áp dụng từ năm 2019, đối tượng chịu thuế carbon là 06 loại khí nhà kính: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs, SF. Thuế carbon sẽ thu vào các chủ thể có hành vi phát thải khí nhà kính, nhưng không phải tất cả các chủ thể phát thải khí nhà kính đều phải nộp thuế carbon. Thuế suất carbon được quy định bằng 5 SGD/tấn CO2 trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023. Chính phủ sẽ rà soát điều chỉnh thuế suất này, có tính đến tình hình quốc tế về biến đổi khí hậu, tiến độ thực hiện các nỗ lực giảm phát thải của Singapore và tính cạnh tranh kinh tế của quốc gia này. Do đối tượng nộp thuế carbon chủ yếu là các nhà máy phát điện sẽ dẫn đến làm tăng giá điện và tác động trực tiếp đến người tiêu dùng nên để giảm nhẹ tác động này của thuế carbon, các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ được Chính phủ chi trả một khoản tiền trên năm trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.
Tóm lại, việc thiết kế và triển khai thuế carbon ở mỗi quốc gia có sự khác biệt nhất định bởi sự khác nhau về điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường của từng nước. Tuy nhiên, về tổng thể, thuế carbon của các nước thống nhất với nhau ở những vấn đề cơ bản sau đây: (i) Thuế carbon có thể được áp dụng độc lập hoặc được áp dụng bổ sung vào các loại thuế hiện hữu trong hệ thống thuế quốc gia đang điều tiết vào hành vi phát thải khí nhà kính; (ii) Đối tượng chịu thuế carbon là các loại nhiên liệu hóa thạch hoặc các loại khí nhà kính gây ra hiệu ứng khí nhà kính; (iii) Người nộp thuế carbon là các chủ thể nhập khẩu, khai thác các loại nhiên liệu hóa thạch, tức cung ứng nhiên liệu hóa thạch vào thị trường hoặc các chủ thể trực tiếp phát thải khí nhà kính; (iv) Mức thuế suất được xác định bằng một số tiền tuyệt đối tính trên đơn vị 01 tấn CO2 hoặc 01 tấn CO2e phát thải vào môi trường, thuế suất khởi điểm sẽ khá thấp sau đó được điều chỉnh tăng dần theo thời gian; (v) Doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, ngành nghề có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội có thể phải đối mặt với những khó khăn lớn do tác động của thuế carbon được xem xét miễn hoặc giảm thuế carbon; (vi) Nguồn thu từ thuế carbon được sử dụng cho việc xây dựng nền kinh tế carbon thấp và hỗ trợ cho các chủ thể dễ bị tổn thương bởi thuế carbon như các cá nhân, hộ gia đình có mức thu nhập thấp. Nhìn chung, việc áp dụng thuế carbon ở các nước đều đem lại kết quả tích cực trong việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
2. Đánh giá khả năng áp dụng thuế carbon ở Việt Nam
2.1. Đánh giá khả năng áp dụng thuế carbon ở Việt Nam xét từ góc độ tương thích với thị trường carbon - một công cụ kinh tế khác để định giá carbon
Trong nền kinh tế thị trường, các quốc gia thường sử dụng công cụ kinh tế - định giá carbon - tác động lên hành vi phát thải khí nhà kính nhằm giảm phát thải thay vì sử dụng các công cụ hành chính mang tính áp đặt. Một cách cụ thể, định giá carbon là công cụ để xác định các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính. Căn cứ vào chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính, giá cả của việc phát thải carbon được quy định cụ thể. Khi phải trả tiền cho lượng khí nhà kính phát thải, các chủ thể phát thải được thúc đẩy giảm thiểu lượng khí phát thải hơn là phải trả tiền đầy đủ cho việc phát thải[6].
Thuế carbon và thị trường carbon là hai biện pháp thuộc nhóm công cụ định giá carbon[7], đều có điểm chung là áp giá lên lượng carbon phát thải, làm cho việc sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch trở nên đắt đỏ hơn, qua đó, tạo động lực để giảm sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm gây phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nếu như thuế carbon là hình thức định giá carbon hoàn toàn mới và chưa được áp dụng ở Việt Nam thì khoản 2 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, “tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước” là một biện pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Điều này tiếp tục được ghi nhận trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Sự khác biệt giữa thuế carbon và thị trường carbon là với thuế carbon, Nhà nước xác lập mức giá carbon, còn với thị trường carbon, Nhà nước xác lập tổng hạn ngạch phát thải và để thị trường quyết định giá carbon. Theo đó, Nhà nước kiểm soát được giá carbon khi áp dụng thuế carbon và kiểm soát được mức phát thải khi áp dụng thị trường carbon. Khi trọng tâm ưu tiên là kiểm soát mức phát thải thì nên áp dụng thị trường carbon (do cố định được mức phát thải tối đa) và khi trọng tâm ưu tiên là kiểm soát giá carbon thì nên áp dụng thuế carbon (do cố định giá 01 tấn khí nhà kính phát thải vào khí quyển).
Tuy nhiên, so với thuế carbon, việc áp dụng thị trường carbon có một số hạn chế sau: (i) Thị trường carbon chỉ có tác dụng giảm phát thải khi tổng hạn ngạch phát thải được thiết lập ở mức chặt chẽ, phù hợp đủ để tạo nhu cầu mua hạn ngạch phát thải. Nếu tổng hạn ngạch phát thải quá cao có thể sẽ không phát sinh nhu cầu mua hạn ngạch phát thải, thị trường carbon sẽ không hoạt động được. (ii) Thuế carbon luôn tạo ra nguồn thu cho Nhà nước trong khi thị trường carbon chỉ tạo nguồn thu khi hạn ngạch phát thải được tổ chức bán đấu giá, nếu hạn ngạch phát thải được phân bổ miễn phí, Nhà nước sẽ không có khoản thu này. (iii) Quy trình vận hành thị trường carbon phức tạp hơn rất nhiều so với thuế carbon. Để vận hành thị trường carbon, Nhà nước phải xác lập mức tổng phát thải, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải, giám sát mức phát thải của từng doanh nghiệp, thiết lập và giám sát thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải... Với thuế carbon, Nhà nước chỉ cần xác định mức thuế suất rồi giám sát việc nộp thuế thông qua giám sát mức phát thải của các doanh nghiệp nếu thuế carbon đánh trực tiếp vào phát thải, hoặc giám sát hoạt động nhập khẩu, khai thác nguyên liệu hóa thạch nếu thuế carbon đánh vào khâu đưa nhiên liệu hóa thạch vào thị trường[8].
Tóm lại, thuế carbon và thị trường carbon là hai công cụ định giá carbon hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, việc “tổ chức và vận hành thị trường carbon” nhằm giảm phát thải khí nhà kính là hợp lý vì dễ nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và xã hội hơn là thuế carbon. Tuy nhiên, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm khí nhà kính, chúng ta cần sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, cần cân nhắc áp dụng thuế carbon để khắc phục các hạn chế của thị trường carbon, đồng thời, phát huy vai trò của công cụ này trong việc giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.
2.2. Đánh giá khả năng áp dụng thuế carbon ở Việt Nam xét từ góc độ xem xét tính tương thích của thuế carbon với hệ thống thuế hiện hành, đặc biệt là với thuế bảo vệ môi trường
Trong các loại thuế của Việt Nam, có 02 loại thuế có đối tượng chịu thuế bao gồm những sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ môi trường là thuế bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên.
Mặc dù, thuế tài nguyên thu vào các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng cơ sở ban hành thuế, phương pháp tính thuế và mục tiêu của thuế không bao gồm các hoạt động kinh tế tạo ra phát thải khí nhà kính, không hướng tới việc nhằm giảm phát thải khí nhà kính, do đó, thuế tài nguyên không được xem là tương thích với thuế carbon.
Thuế bảo vệ môi trường thu vào việc sản xuất, nhập khẩu các hàng hóa khi sử dụng có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường. Số tiền thuế bảo vệ môi trường phải nộp được xác định bằng số lượng hàng hóa nhân với mức thuế tuyệt đối/đơn vị hàng hóa chịu thuế[9]. Trong đó, mức thuế bảo vệ môi trường được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa chịu thuế[10]. Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, cấu thành trong giá bán của hàng hóa chịu thuế làm cho giá bán các mặt hàng này tăng lên, từ đó tác động làm giảm tiêu thụ những hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bao gồm cả nguy cơ làm gia tăng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, thuế bảo vệ môi trường có đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, mức thuế suất được quy định trên cơ sở cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và phần nào đã tính đến việc thu thuế để đạt được giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nói cách khác, thuế bảo vệ môi trường được xem là tương đồng với thuế carbon. Tuy nhiên, mức thuế tuyệt đối của thuế bảo vệ môi trường chưa phản ánh rõ ràng giá carbon nên tác động của thuế tới việc giảm phát thải khí nhà kính là chưa đáng kể. Bên cạnh đó, tiền thuế bảo vệ môi trường chưa được tách riêng khỏi nguồn thu của các cấp ngân sách để đầu tư trở lại cho lĩnh vực môi trường. Những điểm còn hạn chế này của thuế bảo vệ môi trường sẽ được khắc phục nếu thuế carbon được áp dụng. Rõ ràng, khả năng áp dụng thuế carbon vào hệ thống thuế hiện hành là hoàn toàn có cơ sở.
Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, các biện pháp tài chính nhằm hướng tới mục tiêu góp phần kiểm soát phát thải khí nhà kính ở Việt Nam còn có các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Phí và lệ phí năm 2015 (Luật này không quy định về lệ phí môi trường)[11] và phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Cụ thể, theo Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015, phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường có một số các loại phí liên quan đến phát thải khí nhà kính bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và phí xử lý chất thải nguy hại. Theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì “hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh các loại dịch vụ môi trường” là một trong các loại dịch vụ môi trường rừng[12]. Đồng thời, điểm đ khoản 2 Điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: “Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”. Có thể thấy, các loại phí nói trên đều phát sinh từ việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến môi trường và chỉ được trả khi dịch vụ trên thực tế đã được cung cấp. Quan hệ thu, trả phí được hình thành trên nguyên tắc bình đẳng, thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ (bên thu phí) và bên sử dụng dịch vụ (bên trả phí). Tuy nhiên, thuế carbon không phải khoản tiền mà Nhà nước thu khi cung cấp dịch vụ cho người dân mà là khoản tiền người dân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước do có phát thải khí nhà kính vào môi trường, nhằm phần nào khắc phục hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường của mình gây ra và phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Do vậy, việc áp dụng thuế carbon hoàn toàn không mâu thuẫn, xung đột hay chồng chéo lên các loại phí bảo vệ môi trường vì chúng khác nhau về bản chất và cơ chế tác động trong việc làm giảm phát thải khí nhà kính.
Tóm lại, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và hệ thống văn bản pháp luật thuế hiện nay ở Việt Nam chưa quy định về thuế carbon. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam là có tính khả thi và cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế của công cụ thị trường carbon, đồng thời, bổ sung cho thuế bảo vệ môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu.
3. Kiến nghị cụ thể nhằm triển khai áp dụng thuế carbon ở Việt Nam
3.1. Các yêu cầu đối với việc thiết kế nội dung của thuế carbon
Từ kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số các quốc gia tiêu biểu trên thế giới và điều kiện đặc thù về kinh tế - xã hội, pháp luật cũng như chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh, tác giả cho rằng, nội dung của thuế carbon phải cụ thể hóa được các yêu cầu sau đây để thuế carbon có thể áp dụng và phát huy vai trò ở Việt Nam. Cụ thể:
Một là, về cơ sở thuế carbon: Cơ sở thuế carbon phải được thiết kế phù hợp để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, nếu cơ sở thuế carbon hẹp sẽ không có tác dụng làm giảm phát thải, nhưng việc mở rộng cơ sở thuế carbon (bao gồm càng nhiều nguồn phát thải càng tốt) để tăng tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính phải được cân bằng với khả năng hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của thuế carbon lên nền kinh tế. Đồng thời, việc xác định phạm vi đối tượng chịu thuế carbon phải bảo đảm tránh đánh thuế hai lần, tránh làm gia tăng thêm gánh nặng thuế cho xã hội có thể dẫn tới việc thuế carbon bị người dân và doanh nghiệp phản đối.
Hai là, về người nộp thuế carbon: Bản chất của thuế carbon là điều tiết thuế vào việc tiêu thụ/đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây ra phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể cuối cùng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch có nhiều khó khăn bởi sản phẩm nhiên liệu hóa thạch khi đưa vào thị trường có thể trải qua quá trình phân phối, lưu thông phức tạp. Để thuận lợi cho công tác quản lý thuế, thuế carbon nên điều tiết vào khâu đầu tiên đưa nhiên liệu hóa thạch vào thị trường. Theo đó, người nộp thuế carbon sẽ là các chủ thể nhập khẩu, khai thác nhiên liệu hóa thạch. Như vậy, cách thức xác định người nộp thuế carbon giống với cách thức xác định người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa chịu thuế và cách thức xác định người nộp thuế môi trường theo pháp luật thuế hiện hành.
Ba là, về thuế suất: Yêu cầu đối với thuế suất thuế carbon là phải có sự cân bằng giữa giá carbon đủ cao để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tạo động lực cho việc đầu tư vào các phương án carbon thấp, đồng thời, phải hạn chế được tác động tiêu cực lên sự phát triển kinh tế, ví dụ như làm giá năng lượng tăng quá cao. Mức thuế suất khởi điểm nên quy định thấp để thuận lợi áp dụng thuế carbon vào thực tiễn do được người dân và doanh nghiệp dễ chấp nhận hơn. Sau đó, mức thuế suất được điều chỉnh tăng dần lên trên cơ sở xem xét các yếu tố khác nhau như diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, giá trong nước và quốc tế của nguyên liệu hóa thạch... Theo khuyến cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ tối đa 1,5oC vào cuối thế kỷ 21 thì mức thuế carbon phù hợp là từ 40 USD đến 80 USD/tấn CO2[13].
Bốn là, về ưu đãi thuế carbon: Về cơ bản, thuế carbon là thuế gián thu và mang tính lũy thoái. Do đó, doanh nghiệp nhỏ, tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp là những đối tượng dễ bị “tổn thương” khi thuế carbon được áp dụng vào thực tiễn. Để giảm thiểu tác động lũy thoái của thuế carbon, các đối tượng này cần được xem xét miễn và giảm tiền thuế carbon phải trả. Đồng thời, có thể xem xét miễn, giảm tiền thuế carbon phải trả cho một số lĩnh vực đặc thù để hạn chế ảnh hưởng của thuế carbon đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn đầu mới áp dụng thuế carbon. Ví dụ: Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải công cộng như xe bus, hàng không, đường sắt; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp...
Năm là, về mục đích sử dụng tiền thuế carbon: Theo kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của nhiều nước trên thế giới, mục đích sử dụng tiền thuế carbon là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thuế carbon. Bởi lẽ, vai trò của thuế carbon thể hiện ở hai khía cạnh, một mặt, thuế carbon tác động làm giảm sử dụng nhiêu liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, mặt khác, tiền thuế carbon được chi hỗ trợ cho việc sử dụng năng lượng tái tạo và bù đắp tổn thất do việc thực thi thuế carbon gây ra cho các nhóm chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Do đó, khi áp dụng thuế carbon, pháp luật ngân sách nhà nước phải bổ sung quy định về việc tách bạch riêng thuế carbon ra khỏi các nguồn thu khác và xác định rõ mục đích sử dụng tiền thuế carbon là cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3.2. Phương án xây dựng thuế carbon trong hệ thống thuế hiện hành ở Việt Nam
Trên cơ sở kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số nước trên thế giới và thực tiễn hệ thống thuế hiện hành ở Việt Nam, việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam có thể được thực hiện theo một trong hai phương án sau đây: (i) Tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường hiện có; (ii) Ban hành thuế carbon với tư cách là một loại thuế hoàn toàn mới, độc lập trong hệ thống thuế (áp dụng song song với thuế bảo vệ môi trường).
Tuy nhiên, phương án ban hành thuế carbon với tư cách là một loại thuế độc lập có nhiều hạn chế, khó khăn như sau:
Thứ nhất, thuế carbon mới sẽ phải trải qua quy trình soạn thảo, phê duyệt rất phức tạp, mất nhiều thời gian.
Thứ hai, thuế carbon mới cùng tồn tại song hành với thuế bảo vệ môi trường dễ gây ra tình trạnh chồng chéo giữa hai cơ chế thuế, thậm chí có thể xảy ra tình trạng đánh thuế hai lần do một phần phạm vi đối tượng chịu thuế của hai loại thuế này là trùng nhau.
Thứ ba, việc áp dụng thuế carbon mới đòi hỏi phải thiết lập được hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) để bảo đảm kiểm kê được các phát thải chịu thuế một cách minh bạch và chính xác, là điều kiện để thu thuế đúng, đủ và phát huy vai trò của thuế carbon. Đây sẽ là một khó khăn lớn trong bối cảnh phần lớn ngành công nghiệp ở Việt Nam chưa thiết lập MRV.
Thứ tư, chi phí cho việc ban hành thuế carbon mới rất cao bao gồm chi phí hành chính cho quy trình phê duyệt kéo dài, chi phí kỹ thuật cho việc đánh gíá trước và thiết lập hệ thống MRV và nhiều chi phí khác.
Chính vì vậy, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, phương án tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường được xem là có tính khả thi bởi vì các lý do sau: Thuế carbon và thuế bảo vệ môi trường hoàn toàn tương thích với nhau; việc thiết lập thuế carbon trên cơ sở thuế bảo vệ môi trường dễ đạt được sự chấp thuận hơn so với việc thiết lập và áp dụng thuế carbon như một loại thuế mới, hoàn toàn độc lập; việc quản lý thuế carbon - đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế được thực hiện trên cơ sở giữ nguyên cơ chế quản lý thuế bảo vệ môi trường như hiện nay nên giảm được nhân lực, chi phí hành chính có liên quan, giúp cho việc áp dụng thuế carbon có tính khả thi hơn.
Hạn chế lớn nhất của phương án tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường là nguồn thu từ thuế carbon sẽ không thể hạch toán riêng để chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Hạn chế này sẽ làm giảm vai trò của thuế carbon trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, điều này có thể được khắc phục nếu quy định rõ về việc hạch toán riêng phần thuế carbon trong thuế bảo vệ môi trường và mục đích, phương thức sử dụng khoản thu này cho lĩnh vực môi trường.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền
Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. TS. Đỗ Nam Thắng, Phân tích so sánh thuế các-bon và thị trường các-bon, Tạp chí Môi trường, số 7/2021, http://tapchimoitruong.vn/dien-dan—trao-doi-21/phan-tich-so-sanh-thue-cac-bon-va-thi-truong-cac-bon-25589, truy cập ngày 01/5/2022.
[2]. ThS. Tạ Đức Bình, TS. Lại Văn Mạnh, ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Cơ sở khoa học, xu hướng thế giới và bối cảnh của Việt Nam về thuế carbon, Tạp chí Môi trường số 12/2020, http://tapchimoitruong.vn/dien-dan-trao-doi- 21/co-so-khoa-hoc-xu-huong-the-gioi-va-boi-canh-cua-viet-nam-ve-thue-cac-bon-22910, truy cập ngày 01/5/2022.
[3]. Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US Agency for Internatonal Development - USAID), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ hội thực hiện định giá carbon tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam”, tr. 86 - 88.
[4]. Ministry of the Enviroment-Government of Japan, Details on the Carbon Tax (Tax for Climate Change Mitigation), https://www.env.go.jp/en/policy/tax/env-tax/20121001a_dct.pdf, truy cập ngày 01/5/2022.
[5]. Carbon Pricing Act 2018 (Singapore Statutes Online), https://sso.agc.gov.sg/Acts-Supp/23- 2018/Published/20180601?DocDate=20180601&WholeDoc=1#P15-P21-, truy cập ngày 01/5/2022.
[6]. James K. Boyce (2018), Carbon Pricing: Effectiveness and Equity, Ecological Economics 150, p. 53.
[7]. Jess Ralston, Carbon pricing: What, why, how?, Energy&Climate Intelligence Unit, https://eciu.net/analysis/briefings/net-zero/carbon-pricing-what-why-how, truy cập ngày 01/5/2022.
[8]. GS.TSKH. Trương Quang Học (Chủ biên), Tài liệu đào tạo tập huấn viên về biến đổi khí hậu, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, 2010, tr. 161, https://www.researchgate.net/profile/Tran-Phong/publication/280054989_ TAI_LIEU_DAO_TAO_TAP_HUAN_VIEN_VE_BIEN_DOI_KHI_HAU/links/55 a5c1cb08ae5e82ab1fbca2/TAI-LIEU-DAO-TAO-TAP-HUAN-VIEN-VE-BIEN-DOI-KHI-HAU.pdf, truy cập ngày 01/5/2022.
[9]. Điều 6 Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010.
[10]. Điều 8 Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010.
[11]. Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015.
[12]. Khoản 23 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: Dịch vụ môi trường rừng là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng.
[13]. Bruce Tonn, The Intergovernmental Panel on Climate Change: A global scale transformative initiative, Science direct Futures 39 (2007), p. 614 - 618.