Toàn cảnh cuộc làm việc
Tham dự cuộc làm việc có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Thường trực Ủy ban Xã hội và các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại biểu Nguyễn Anh Trí - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính; đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, ngày 2/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phân công Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra dự án Luật này; dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 9 tới. Thực hiện phương châm “chuẩn bị từ sớm, từ xa”, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức cuộc họp để nghe đại biểu Nguyễn Anh Trí - Trưởng Ban soạn thảo báo cáo về tiến độ và một số nội dung lớn của dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu mở đầu cuộc làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, vấn đề chuyển đổi giới tính lần đầu tiên được quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Nêu rõ dự án Luật này là nội dung rất mới và khó, tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh của toàn xã hội cũng như liên quan đến hệ thống pháp luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội.
Trình bày Tờ trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính cho biết, xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người; triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan về chuyển đổi giới tính; ban hành các quy định để thực hiện các nội dung tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 31 điều. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã rà soát, xây dựng hồ sơ dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các luật như: Bộ luật Dân sự; Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bình đẳng giới; Luật Hộ tịch; Bộ luật Lao động; Luật Căn cước; Luật Tạm giữ, tạm giam; pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, đất đai… Đồng thời, bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về: các phương pháp thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; vấn đề được cấp giấy xác nhận giới tính mới khi chỉ cần điều trị bằng nội tiết tố; tư vấn tâm lý cho người thực hiện chuyển đổi giới tính; ưu và nhược điểm khi sử dụng các loại hooc môn giới tính; hồ sơ, thủ tục công nhận giới tính nam hoặc nữ sau khi can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính...
Đánh giá cao Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, cầu thị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đây là dự án luật khó, phức tạp, cần được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh như pháp lý, y tế, tâm lý, xã hội, văn hóa, vì vậy, trong quá trình xây dựng, thẩm tra luật rất cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, Ủy ban Xã hội sẽ tiến hành các bước thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức khi có đủ hồ sơ đáp ứng đúng các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định, đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý, thực hiện tổng kết đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án luật, đánh giá tác động của các chính sách dự kiến được trình, thực hiện rà soát các quy định pháp luật có liên quan, xây dựng báo cáo lồng ghép giới đối với dự án luật, dự thảo các văn bản quy định chi tiết... để đảm bảo dự án luật được hoàn thiện, đủ điều kiện để tiến hành thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đúng theo tiến độ.
Hồ Hương - Nghĩa Đức
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam