Phiên họp cuối cùng trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phiên họp thường kỳ tháng 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm xem xét, cho ý kiến về các nội dung sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng như quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá cao các quan trình và cơ quan thẩm tra đã tích cực, khẩn trương và trách nhiệm trong việc hoàn thiện các Hồ sơ, tài liệu có liên quan trình và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với các Phiên họp trước đó, đây là phiên họp cuối để tập trung xem xét, cho ý kiến các nội dung còn lại chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng – Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đối với nhóm vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho ý kiến, quyết định tại Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cập nhật, bổ sung kết quả thực hiện nhiêm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021.
Trong đó, đặc biệt lưu ý về nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đạt được có thay đổi lớn so với Báo cáo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Nhấn mạnh đây là Báo cáo đánh giá bổ sung, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lý giải những thay đổi lớn và đánh giá rõ chất lượng công tác dự báo phân tích, đánh giá dự báo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
“Việc xem xét, đánh giá cần đặt năm 2021 trong bối cảnh là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm…”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá phân tích tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và kết quả các tháng đầu năm bao gồm cả Nghị quyết của Quốc hội về phòng chống dịch COVID-19, Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 và 2023;….
Đối với 5 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, cấp bách, việc phân kỳ đầu tư cũng như sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch chiến lược. Ngoài ra cần chú ý đến hình thức đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư nhất là tính khả thi của việc bố trí cơ cấu vốn, tránh việc Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư nhưng không triển khai được. Bên cạnh đó, cũng cần có sự so sánh với các Danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công, các gói kích thích kinh tế Chính phủ đã trình.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tập trung cho những công trình dự án trọng điểm, có tính chiến lược, nhất là dự án liên kết vùng nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; yêu cầu Kiểm toán Nhà nước sớm có Báo cáo về 5 dự án quan trọng quốc gia này…
dự khai mạc Phiên họp thứ 11.
Thường vụ thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2022
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc cho ý kiến báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những kết quả đạt được những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe người dân; về thực hiện thu chi ngân sách, bội chi nợ công của năm ngân sách 2021; kết quả thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân những bất cập, hạn chế bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện ngân sách năm 2021 và điều hành chính sách tài khóa ứng phó với dịch bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2022 về tốc độ tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; việc thực hiện các lĩnh vực văn hóa xã hội, kiểm soát dịch COVID-19; việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; hỗ trợ chương trình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc phục hồi của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ; việc phân bố và thực hiện dự toán thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.
Với tinh thần thảo luận tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào các vấn đề nêu rõ các nguyên nhân trách nhiệm và các giải pháp thiết thực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiều vấn đề cần quan tâm lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022.
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là phiên họp cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát, cho ý kiến về công tác chuẩn bị và chương trình Kỳ họp, những vấn đề lớn quan trọng cần có sự trao đổi thống nhất giữa Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác để đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian và tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội. “Theo dự kiến khối lượng công việc tại Kỳ họp thứ 3 rất lớn, nhất là về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 5 luật , 4 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Đồng thời, xem xét để ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp cũng như tiến hành các hoạt động giám sát tối cao và xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước’, Chủ tịch Quốc hội cho biết. |
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)