1. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác phụ nữ
Sớm nhận thấy vai trò, tiềm năng của phụ nữ, Đảng ta đã luôn đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng to lớn, thực hiện nam nữ bình đẳng. Quan điểm “nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Người luôn căn dặn các cấp uỷ Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Quan điểm đó luôn được quán triệt trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ.
Ngay trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng và các giai đoạn sau này của đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò của phụ nữ và đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác phụ nữ như: Nghị quyết số 152-NQ/TW ngày 10/01/1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận; Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 07/6/1984 của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới... Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết đã nêu lên những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình. Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực. Tiếp theo đó, ngày 20/01/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó chỉ rõ mục tiêu xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân...
Về phía Nhà nước, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, các chủ trương, chính sách đó về công tác phụ nữ đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ngay từ Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta, vấn đề nam nữ bình quyền đã được ghi nhận: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1). Lần đầu tiên quyền bình đẳng nam nữ được quy định chính thức trong văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước. Đến Điều 19 Hiến pháp năm 1946 quy định về quyền bầu cử, trong đó khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ “tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử”, quy định này một lần nữa khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội. Chị em phụ nữ đã thực sự trở thành người làm chủ của đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, cùng với nam giới chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật thể hiện các nguyên tắc về bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người, không phân biệt đối xử và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Đến nay, Nhà nước ta đã xây dựng một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ. Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch... Có thể nói, quyền của phụ nữ Việt Nam trong các bản Hiến pháp và các văn bản pháp luật đều thể hiện rõ 02 yếu tố căn bản đó là “bình đẳng và ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế và trong đời sống gia đình. Còn quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...) có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội[1].
2. Vị thế người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện nay
Để đánh giá đúng về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay, chúng ta phải nói đến vai trò quan trọng của người phụ nữ cả trong gia đình và ở ngoài xã hội. Theo quan niệm truyền thống thì vai trò chủ yếu của người phụ nữ trong gia đình là vai trò làm vợ, làm mẹ. Tuy nhiên, vai trò này cũng có những thay đổi đáng kể trong xã hội hiện nay. Người phụ nữ hiện đại đã khẳng định được vị trí của mình trong việc tham gia chính trường cũng như trong việc phát triển kinh tế. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trên thực tế là những minh chứng cụ thể. Hiện nay, Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị tăng từ 12% (năm 2012) lên hơn 17% (năm 2016), tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII là 20/200 uỷ viên, đạt 10% (tăng 1% so với khóa XI). Tính đến tháng 06/2019, Việt Nam có 01 nữ Phó Chủ tịch nước; 01/22 nữ Bộ trưởng; 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 27,06%, tăng 2,54% so với nhiệm kỳ 2011 - 2016; cao hơn mức trung bình của toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%)[2].
Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế. Phụ nữ tham gia trong hoạt động kinh tế, lao động, việc làm làm tăng vị thế, sức đóng góp vào nền kinh tế và các giá trị xã hội cho đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%. Tỷ lệ lao động nữ có việc làm mới hàng năm luôn giữ ở mức khá ổn định từ 48% trở lên. Phụ nữ điều hành 1/4 số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hơn 01 triệu lao động. Năm 2018, tỷ lệ nữ làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc là 26,54%, trong đó, khu vực thành thị đạt 31,6% và khu vực nông thôn là 18,7%. Việt Nam đứng thứ 6/57 quốc gia về tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp; 56/156 quốc gia (69,7 điểm) trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và 26/156 quốc gia (79,8 điểm) trong thực hiện mục tiêu 05 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; 77/149 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới[3]. Tất cả những con số đó đã cho thấy vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
3. Một số tồn tại
Mặc dù vị thế của người phụ nữ Việt Nam đã được thay đổi rất nhiều so với trước đây, tuy nhiên, định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong xã hội. Định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời. Đã có những nghiên cứu về sách giáo khoa của Việt Nam và cho rằng, vẫn bị ảnh hưởng bởi định kiến về giới. Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chỉ ra rằng chính cách minh họa trong sách giáo khoa cũng chứa đựng những yếu tố mang định kiến giới, dẫn đến bất bình đẳng giới. Những hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức của học sinh, đến quá trình hình thành nhân cách, suy nghĩ, thái độ, cách nhìn nhận, hành vi ứng xử của các em ngay từ trong nhà trường. Báo cáo nghiên cứu vấn đề giới trong sách giáo khoa của Việt Nam do Tổ chức UNESCO thực hiện chỉ ra rằng, 76 cuốn sách giáo khoa của 06 môn học phổ thông có gần 8.300 nhân vật được đề cập. Trong đó nam giới chiếm 69%, nữ chiếm 24%. Càng lên cấp học cao, sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ càng lớn. Ở bậc tiểu học, tỷ lệ nhân vật nam xuất hiện trong sách giáo khoa chỉ ở mức 51%. Nhưng lên tới cấp trung học phổ thông, con số này đã tăng lên thành 81%. Sự bất bình đẳng giới còn thể hiện ở hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam và nữ như việc minh họa nghề nghiệp của nhân vật nam trong sách giáo khoa đa dạng hơn, là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, công an, bộ đội, là trụ cột trong gia đình và có tiếng nói quyết định. Trong khi đó, những nhân vật nữ thường chỉ là những nội trợ, giáo viên hay nhân viên văn phòng. Điều này đang vô tình hình thành định kiến giới trong các em học sinh, dẫn đến sự tiếp diễn của bất bình đẳng giới trong xã hội[4].
Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người cho rằng, phụ nữ bây giờ sướng hơn, họ có thể ăn mặc đẹp, có thể làm lãnh đạo, một năm có mấy ngày kỷ niệm như ngày 08/3, 20/10, trong khi đó, đàn ông thì không có ngày kỷ niệm nào của riêng mình… Nhưng điều đó dường như chỉ đúng với nhóm phụ nữ trí thức, có thu nhập cao ở thành phố, nơi vị thế của phụ nữ được cải thiện nhiều hơn, nơi quan hệ giữa hai giới bình đẳng hơn, còn ở nhiều nơi trên đất nước ta phụ nữ vẫn luôn phải đứng sau người đàn ông, là nạn nhân của bạo lực gia đình, chịu áp lực trong việc sinh con trai “nối dõi”. Thậm chí, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại cả trong việc lựa chọn giới tính khi sinh con. Nếu như trước đây, các cặp vợ chồng chỉ chọn lọc giới tính thai nhi bằng cách siêu âm, thai nhi là gái thì bỏ, uống thuốc, tính ngày, còn nay người ta canh trứng, đi thụ tinh nhân tạo, soi phôi để chắc chắn 100% là con trai[5]...
4. Giải pháp khắc phục
Một là, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ. Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, nhân dân, đặc biệt là đến với các tầng lớp phụ nữ trong xã hội, để các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, được thực hiện hiệu quả trên thực tiễn.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền của phụ nữ. Nội luật hóa đầy đủ, kịp thời các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ trong các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia; quan tâm xây dựng thể chế đặc thù bảo đảm quyền của phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phụ nữ nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số... tạo cơ sở pháp lý cho phụ nữ Việt Nam tiếp cận và hưởng quyền, từ đó phát triển bản thân.
Ba là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị về bảo đảm bình đẳng giới, tạo sự vận hành đồng bộ của các thiết chế từ trung ương đến cơ sở. Phát huy hơn nữa vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền từ đó có thể xác định được tính khả thi, tính hợp lý của chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Năm là, bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để khẳng định vị trí và giá trị của mình trong xã hội. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình. Do đó, bản thân phụ nữ trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình mới có thể nắm bắt được những cơ hội, cùng với xã hội, hướng tới cách ứng xử bình đẳng giới và phát triển bản thân.
Ảnh: Internet