Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là đạo luật có vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở Việt Nam, qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ; có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nhiều văn bản đã thể hiện sự đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; góp phần trước mắt và lâu dài kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện tốt các yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng; các quy định ngày càng chặt chẽ, bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương được soạn thảo, ban hành phù hợp với tình hình thực tế, tạo ra cơ chế thu hút các nguồn lực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên đến nay, thực tiễn thi hành Luật có một số nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu mới. Cụ thể: (i) Chưa đủ cơ chế linh hoạt để Chính phủ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phản ứng chính sách hoặc xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn (như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang…); (ii) Quy trình lập đề nghị, xây dựng, ban hành văn bản trong một số khâu, công đoạn còn chưa thực sự hợp lý, linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý trường hợp cấp bách, đột xuất; còn có nhiều hình thức với nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chưa có nhiều sáng kiến lập pháp của Đại biểu Quốc hội và nhóm Đại biểu Quốc hội; (iii) Các quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, cụ thể; chưa có cơ chế hiệu quả để tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức về các vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (iv) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhất là về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; (v) Đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí, định mức phân bổ cho công tác xây dựng pháp luật còn thấp, không đủ để thực hiện các bước trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như xây dựng và đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế.
Tại Hội thảo này, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Góp ý đối với Báo cáo đánh giá thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá việc thực hiện các quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (văn bản quy định chi tiết, hiệu lực của văn bản, nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật); đánh giá việc thực hiện quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học; đánh giá về quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện); đánh giá việc bảo đảm nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các vấn đề được đưa ra trao đổi tại Hội thảo thu hút nhiều ý kiến góp ý, phản biện của đại biểu tham dự. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với các đề xuất, kiến nghị: Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng về hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật. Phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò gắn với trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị: Cần quy định rõ nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật hay không phải văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị tích hợp pháp lệnh hợp nhất vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); nghiên cứu, đánh giá việc xem xét văn bản hợp nhất là văn bản quy phạm pháp luật, được áp dụng chính thức; cần quy định rõ hồ sơ gửi lấy ý kiến trong luật hoặc trong nghị định; quy định rõ trách nhiệm của Ban soạn thảo, Tổ biên tập,...
Qua Hội thảo, Chuyên gia JICA đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật bản về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, ở Nhật Bản không có Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật như Việt Nam. Chuyên gia JICA đánh giá, hiện nay, Việt Nam đang có một hệ thống văn bản quy định về trình tự xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn thiện, sổ tay hướng dẫn việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật khá chi tiết. Chuyên gia này cho rằng, việc đưa ra những bất cập và giải pháp khắc phục là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, các vấn đề đưa ra phải giải quyết triệt để, cần tìm ra nguyên nhân “gốc rễ”, sâu xa, cần bảo đảm tính hài hòa, tính thống nhất giữa các quy định, các văn bản.
Đối với các ý kiến tại Hội thảo, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu các góp ý trong quá trình xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Hồng Minh
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật