Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đại biểu là thành viên của Hội đồng cố vấn, Hội đồng tư vấn biên tập của Tạp chí; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các cộng tác viên cùng toàn thể Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo, viên chức Tạp chí.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho biết, thời gian qua, Tạp chí luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động và bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến công tác báo chí, xuất bản. Tạp chí đã thể hiện vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với Nhân dân, là kênh thông tin hai chiều quan trọng, là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoạt động tư pháp. Trong bối cảnh số lượng nhân sự còn hạn chế, khối lượng công việc và quy trình làm việc ngày càng tăng lên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ cùng với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn của các viên chức, người lao động, Tạp chí đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
Trong năm 2024, Tạp chí đã biên tập, xuất bản và phát hành 12 số Tạp chí kỳ 1 - 90 trang; 12 số Tạp chí kỳ II - 64 trang với tổng cộng 293 bài viết và 10 số chuyên đề chuyên sâu (200 trang) với tổng số 137 bài viết; Tạp chí điện tử đã đăng tải trên 1.100 tin/bài/video trên các chuyên mục tin tức - sự kiện; nghiên cứu, trao đổi...
Đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội nghị
Các bài viết của Tạp chí có nội dung đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; phản ánh những mặt công tác pháp luật, tư pháp trọng tâm của đất nước và của Bộ, ngành Tư pháp...
Về công tác thể chế, Tạp chí đã rà soát, hoàn thiện các thể chế, quy chế, quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động để bảo đảm, nâng cao chất lượng hoạt động như: xây dựng quy trình tiếp nhận, thẩm định, biên tập, đăng bài trên Tạp chí; quy định về đạo đức xuất bản của Tạp chí; quy định về yêu cầu đối với bài viết đăng trên Tạp chí; quy chế tổ chức và hoạt động của Tạp chí... Xây dựng, đổi mới, cải tiến quy trình biên tập bài viết. Thực hiện gửi bài viết cho các chuyên gia, nhà khoa học phản biện kín để nâng cao chất lượng bài viết đăng trên các ấn phẩm của Tạp chí.
Tổng Biên tập cũng nhấn mạnh, để đạt được những kết quả này, không thể không kể đến sự đóng góp to lớn, quan trọng của các độc giả, cộng tác viên và đặc biệt là của Hội đồng cố vấn, Hội đồng tư vấn biên tập. Trên cơ sở đó, Tổng Biên tập mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng cố vấn, Hội đồng tư vấn biên tập và các đại biểu, nhà khoa học, độc giả để Tạp chí tiếp tục phát triển, hoạt động chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
GS.TS. Thái Vĩnh Thắng phát biểu tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, như: cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn và phát huy bản sắc của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, chú trọng nâng cao chất lượng các bài viết; xây dựng các bài viết mang tính đột phá về tư duy, gắn liền với thực tiễn chính trị, pháp lý và đời sống pháp luật của đất nước; cần có sự chủ động trong việc đặt bài và thu hút các tác giả có uy tín để xây dựng các bài viết mang tính đột phá về tư duy, đặc biệt là trong bối cảnh kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam; cần bảo đảm tính ổn định và cân bằng giữa các nội dung khoa học và thực tiễn...
GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu tại Hội Nghị
Bên cạnh đó, để Tạp chí phát triển bền vững, cần chú trọng 03 yếu tố then chốt sau: (i) tính khoa học: cần nâng cao uy tín và tạo ra những giá trị lớn, dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu; (ii) tính chính trị: gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng chính sách và quản lý của Bộ Tư pháp, các hoạt động phục vụ cho các chính sách và dự án luật; (iii) sự gắn kết: chủ động định hướng các bài viết, nghiên cứu tập trung vào các chính sách và dự án luật của Bộ Tư pháp, cung cấp thông tin kịp thời cho các đối tượng như đại biểu Quốc hội.
PGS.TS. Trần Văn Độ phát biểu tại Hội Nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thế Côn, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc và ghi nhận những chia sẻ, góp ý hết sức ý nghĩa, thiết thực trong việc nâng cao chất lượng các ấn phẩm, phát huy vai trò, vị thế của Tạp chí trong kỷ nguyên mới.
Thùy Dung