Thực hiện Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5319/VPCP-TCCV ngày 04/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Theo Báo cáo tại phiên thẩm định, trên cơ sở Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, các đơn vị của Bộ Tư pháp được tổ chức khoa học, hợp lý để thực hiện chuyên sâu, toàn diện, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, nhiều quy định của Nghị định số 96 đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp với các văn bản mới được ban hành cũng như thực tiễn thực hiện tổ chức, hoạt động của Bộ.
Dự thảo giữ nguyên bố cục gồm 5 điều như Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, đồng thời có sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa, cập nhật những quy định mới tại văn bản pháp luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị sau: (1) Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; (2) Vụ Pháp luật hình sự - hành chính; (3) Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế; (4) Vụ Pháp luật quốc tế; (5) Vụ Hợp tác quốc tế, (6) Vụ Tổ chức cán bộ; (7) Vụ Thi đua - Khen thưởng; (8) Văn phòng Bộ; (9) Thanh tra Bộ; (10) Cục Kế hoạch - Tài chính; (11) Cục Bổ trợ tư pháp; (12) Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; (13) Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; (14) Cục Trợ giúp pháp lý; (15) Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; (16) Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; (17) Cục Bồi thường nhà nước; (18) Cục Công nghệ thông tin; (19) Tổng cục Thi hành án dân sự.
Chuyển đổi Cục Con nuôi thành Vụ Con nuôi; Chuyển đổi Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; Tổ chức lại Cục Công tác phía Nam thành Cục Tư pháp địa phương; đổi tên Viện Khoa học pháp lý thành Viện Chiến lược và khoa học pháp lý. Đối với các đơn vị khác thuộc Bộ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đảm bảo không chồng chéo, phân công hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.
Hội đồng thẩm định về cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định, về cơ cấu tổ chức, thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, việc cơ cấu lại mô hình, tổ chức bộ máy là nhằm cải cách hành chính, nhưng cải cách hành chính không phải là cắt giảm hết mà làm thế nào để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực. Do đó, nếu cần chuyển đổi vẫn phải chuyển đổi, cần tăng cường vẫn phải tăng cường. Tuy nhiên, phải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Được biết, để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tư pháp đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, Tổng cục, Cục, cụ thể đã giảm và dự kiến giảm 05 đơn vị trong năm 2021-2022 với việc: Giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột và Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam (đã thực hiện); bàn giao Trường Trung cấp Luật Tây Bắc về tỉnh Sơn La quản lý (đang hoàn tất thủ tục); giải thể 2 đơn vị: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản tập trung thuộc Cục Kế hoạch - Tài chính và Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự (đang thực hiện thủ tục).
Như vậy, việc giữ nguyên mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị và chuyển đổi mô hình một số đơn vị nêu trên nhằm tiếp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyên môn hóa, chuyên sâu các lĩnh vực quản lý của Bộ.
Phát biểu tại Phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng trình tự theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các thành viên Hội đồng thẩm định phát biểu tập trung và thống nhất theo các nội dung thẩm định về sự cần thiết ban hành Nghị định, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật, sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính tương thích với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại phiên thẩm định, hoàn thiện hồ sơ để Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền.
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)