Đạt nhiều kết quả quan trọng
Theo báo cáo tại buổi làm việc, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành đồng bộ các giải pháp về củng cố kiện toàn tổ chức cán bộ, xây dựng và triển khai có nền nếp chương trình, kế hoạch PBGDPL.
Cùng với đó, Hội đã triển khai nghiên cứu xây dựng và thí điểm mô hình Trung tâm Pháp luật cộng đồng tại xã, phường, thị trấn ở những nơi có đủ điều kiện trên phạm vi toàn quốc, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện nay đã thành lập hơn 200 Trung tâm ở 10 tỉnh, TP. Theo hướng dẫn của Hội Luật gia Việt Nam, nhiều địa phương đã thành lập “Tổ pháp luật cộng động”, “Cà phê pháp luật”...
Trong 20 năm qua (2002-2022) 56 tỉnh, thành hội đã thực hiện PBGDPL trực tiếp 991.328 cuộc; tư vấn, hướng dẫn pháp luật 934.265 buổi; cung cấp 37.934.163 tài liệu pháp luật; đăng 1.044.961 tin, bài pháp luật; tuyên truyền 682.425 cuộc qua sóng phát thanh, truyền hình; thực hiện phổ biến pháp luật 1.031.553 cuộc tại các cơ sở giáo dục tại địa phương.
Về công tác hoà giải cơ sở, Hội Luật gia Việt Nam đã chú trọng xây dựng, củng cố các tổ chức hoạt động hòa giải; thí điểm các mô hình Trung tâm Pháp luật cộng đồng; chú trọng tăng cường đội ngũ trong quá trình thực hiện hoạt động hòa giải ngoài tòa án theo quy định; vận động hội viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, triển khai mô hình huy động luật gia hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Hội Luật gia Việt Nam cũng đã nghiên cứu, hình thành một số phương thức hòa giải phù hợp với các đối tượng có tranh chấp, trong đó có tranh chấp về đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng.
Phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến về những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc khi triển khai các hoạt động PBGDPL; hoà giải cơ sở; tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội triển khai các hoạt động này.
đánh giá cao những kết quả Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao những kết quả Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được. Cụ thể, trong thời gian qua, hệ thống tổ chức Hội Luật gia Việt Nam đã có bước củng cố về tổ chức, phát triển về số lượng với hơn 67.000 hội viên và từng bước nâng cao chất lượng hội viên. Nhiều hội viên có kiến thức chuyên môn sâu về pháp lý, có năng lực, kỹ năng và nhiệt tình tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và tham gia xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.
“Đại diện Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã tham gia tích cực hoạt động của Hội đồng. Hội đồng phối hợp PBGDPL của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã được kiện toàn theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đã chỉ đạo công tác PBGDPL trong hệ thống Hội Luật gia cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành Hội ở địa phương đã tham gia tích cực vào hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cùng cấp”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng nêu rõ, thời gian qua, Hội Luật gia các cấp đã tham gia công tác PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, gắn với công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, chú trọng đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội như người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, người vi phạm pháp luật…
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Hội Luật gia Việt Nam phát huy vị trí, vai trò và trách nhiệm của Trung ương Hội với tư cách một thành viên của Hội đồng PBGDPL cũng như lãnh đạo, chỉ đạo các chi hội địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định 04/QĐ-HĐPH về Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương năm 2022.
Bên cạnh đó, bố trí triển khai đề án nghiên cứu, tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác PBGDPL giai đoạn 2022 - 2027”. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, hình thức PBGDPL hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời nghiên cứu, thực hiện điểm các mô hình, cách làm mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Đồng thời, phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong việc truyền thông, góp ý, tham gia phản biện dự thảo chính sách pháp luật từ sớm, từ xa, gắn với việc thực hiện Đề án “Tổ chức chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Trung ương Hội Luật gia Việt Nam quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, tổ chức Hội các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp trong triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã tiếp thu những ý kiến kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và những ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu. Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quyền mong muốn 2 đơn vị sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác PBGDPL và hòa giải cơ sở.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)