Tại phiên họp, đồng chí Hoàng Sỹ Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự, thành viên Ban Chỉ đạo, đã trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai thí điểm Thừa phát lại từ khi có Nghị quyết số 36/2012/QH13 đến nay. Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở trung ương ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực, cụ thể: Công tác xây dựng thể chế cơ bản đáp ứng yêu cầu; công tác quán triệt chủ trương được thực hiện quyết liệt; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương đã được thực hiện có trách nhiệm; công tác thành lập Văn phòng Thừa phát lại và bổ nhiệm, cấp thẻ các Thừa phát lại cơ bản đã được hoàn thành; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn cho Thừa phát lại đã được quan tâm; công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo và hoạt động điều tra, khảo sát của các đơn vị liên quan cũng đã được quan tâm và hoàn thành theo các kế hoạch đã đề ra. Các Văn phòng Thừa phát lại cơ bản đã được đầu tư bài bản, đang từng bước đi vào hoạt động, trên một số mặt đã thu được kết quả nhất định. Việc triển khai thí điểm đã kết thúc giai đoạn đào tạo, bổ nhiệm, cấp thẻ, thành lập, bắt đầu chuyển trọng tâm sang tổ chức hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như:
- Về thể chế, trên các lĩnh vực hoạt động của Thừa phát lại còn bộc lộ một số vướng mắc, như: Việc xác định thẩm quyền lập, trình tự, thủ tục đăng ký, vấn đề kiểm soát của Sở Tư pháp về nội dung của vi bằng; mức kinh phí tống đạt vẫn còn vướng mắc.
- Một số địa phương tổ chức triển khai thực hiện chưa đạt với yêu cầu, trong đó một số cơ quan tư pháp đặc biệt là cơ quan Thi hành án dân sự nhận thức chưa đầy đủ, thực hiện không nghiêm chỉ đạo của cấp trên trong việc triển khai, phối hợp, hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại.
- Một số địa phương chưa thành lập đủ số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án được phê duyệt; hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại chưa đồng đều, một số Văn phòng còn bộ lộ sai sót, vi phạm,…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả chủ quan và khách quan, trong đó lưu ý một số nguyên nhân chủ quan như: Ý thức, trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm triển khai chưa cao (công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan tham mưu có lúc chưa quyết liệt, hiệu quả; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo cho việc triển khai thí điểm; nhận thức của nhiều cơ quan về vai trò, ý nghĩa của việc triển khai thí điểm chưa đầy đủ…); công tác phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm triển khai có lúc, có nơi còn chưa tốt; đội ngũ Thừa phát lại còn mỏng, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu về Thừa phát lại, còn có trường hợp chạy theo lợi nhuận.
Sau khi nghe bản tóm tắt Dựa thảo Báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo, cũng như trao đổi, thảo luận từ phía các thành viên Ban Chỉ đạo và đại biểu tham dự, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã kết luận: Để đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thí điểm, từ nay đến khi sơ kết vào cuối tháng 11/2014 cần tập trung vào một số nội dung sau:
(i) Đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về Thừa phát lại, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về Thừa phát lại, quán triệt thực hiện văn bản số 327/2014/BCĐ ngày 10/7/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương về vấn đề này; xác định việc thí điểm Thừa phát lại không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan trung ương mà còn là nhiệm vụ của địa phương trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, trong đó cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại, kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tiếp tục làm thủ tục để thành lập Văn phòng Thừa phát lại ở những địa phương chưa thành lập đủ số lượng Văn phòng;
(ii) Đối với Tổng cục Thi hành án dân sự, cần chấn chỉnh những nhận thức chưa đúng đắn về Thừa phát lại trong nội bộ Ngành Thi hành án dân sự; phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc tham mưu thực hiện thí điểm chế định này; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các địa phương để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Thừa phát lại để xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ; phối hợp với Học viện tư pháp để tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hành nghề cho Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại;
(iii) Các Sở Tư pháp nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu với Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại ở địa phương, quan tâm, tạo điều kiện để các Văn phòng Thừa phát lại trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, cùng khắc phục những thiếu sót trong hoạt động để xây dựng hình ảnh Thừa phát lại chuẩn mực trong xã hội;
(iv) Đề nghị các bộ, ngành hữu quan, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Thừa phát lại.
Mai Hoa
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp