Trong bối cảnh hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi cuối tháng 12/2019, dịch bệnh này đã lây lan nhanh chóng ra hơn 121.000 người trên toàn thế giới. Bệnh Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đến thời điểm công bố đại dịch, đã có 106 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Tính đến sáng 25/3/2020 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 400.000, hiện ở mức hơn 417.000, với hơn 18.600 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm tăng khoảng 100.000 chỉ trong vòng 2 ngày[1].
Ở nước ta, tình hình dịch bệnh đã ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý người dân. Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được người ứng đầu Chính phủ đề ra; người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc[2]. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân phải chủ động, phòng ngừa, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Để làm được điều đó, bên cạnh việc thường xuyên theo dõi các diễn biến về dịch bệnh, người dân cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
1. Một số thuật ngữ liên quan đến bệnh truyền nhiễm
Các thuật ngữ liên quan đến bệnh truyền nhiễm, được quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể như sau:
- Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
- Trung gian truyền bệnh là côn trùng, động vật, môi trường, thực phẩm và các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và có khả năng truyền bệnh.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh.
- Người mang mầm bệnh truyền nhiễm là người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh.
- Người tiếp xúc là người có tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và có khả năng mắc bệnh.
- Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.
- Giám sát bệnh truyền nhiễm là việc thu thập thông tin liên tục, có hệ thống về tình hình, chiều hướng của bệnh truyền nhiễm, phân tích, giải thích nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- An toàn sinh học trong xét nghiệm là việc sử dụng các biện pháp để giảm thiểu hoặc loại trừ nguy cơ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trong cơ sở xét nghiệm, từ cơ sở xét nghiệm ra môi trường và cộng đồng.
- Vắc xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.
- Sinh phẩm y tế là sản phẩm có nguồn gốc sinh học được dùng để phòng bệnh, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cho người.
- Tình trạng miễn dịch là mức độ đề kháng của cá nhân hoặc cộng đồng với một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.
- Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch.
- Vùng có nguy cơ dịch là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch.
- Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.
- Xử lý y tế là việc thực hiện các biện pháp sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, cách ly y tế, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh và các biện pháp y tế khác.
2. Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2008. Theo đó, lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.
3. Công bố dịch và ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017 quy định mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố. Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền. Nội dung công bố dịch phải rõ tên bệnh dịch; thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; các biện pháp phòng, chống dịch; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm. Những nội dung này phải được thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai các biện pháp chống dịch.
Về thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C; Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch; Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này quyết định việc công bố dịch. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV là bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế. Ngày 01/2/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, xác định mức độ nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A với nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Trong trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ con người, thì theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng sẽ công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
Theo Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
4. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Theo quy định của pháp luật, tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo chống dịch. Trong đó, cơ quan y tế các cấp có trách nhiệm tham mưu, quản lý về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ở mỗi cấp đều phải thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm trưởng Ban chỉ đạo; cơ quan y tế cùng cấp là thường trực của Ban chỉ đạo. Thành viên Ban chỉ đạo gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác.
Ban chỉ đạo chống dịch có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch, thành lập đội chống dịch cơ động để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch.
5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, tránh bệnh truyền nhiễm
Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi như:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm còn quy định về các vấn đề liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm (thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; giám sát bệnh truyền nhiễm; an toàn sinh học trong xét nghiệm; sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế trong phòng bệnh; phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch (công bố dịch; các biện pháp chống dịch); các điều kiện đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch truyền nhiễm ở người (cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ chính sách). Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của Luật này. Do đó, có thể nói, những hành vi vi phạm quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đều được coi là vi phạm pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
6. Một số quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến dịch bệnh Covid-19
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều người đã chủ động, ý thức tự cách ly để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng, tuy nhiên bên cạnh đó có không ít người “trốn” cách ly, không khai báo y tế thậm chí làm lây lan dịch bệnh cho người khác. Việc cố ý lây lan, không khai báo kịp thời cũng như trốn tránh cách ly khiến làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính.
Đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, dịch bệnh Covid-19 nói riêng, Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tương đối đầy đủ, cụ thể trên cơ sở các quy phạm nghiêm cấm hoặc nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện và hình thức xử phạt tương ứng với từng hành vi vi phạm. Người có hành vi vi phạm có thể chịu các mức phạt như:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong 03 ngày (điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: (i) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; (ii) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
- Hành vi không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ; không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây: Không bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh; không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm đang được khám, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của mình cho cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn; không tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh; không theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Điều 9 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
- Đối với hành vi như không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (trừ những người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A). Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch (Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định; từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế. Không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điều 12 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP).
Một người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài xử phạt hành chính khác nhau tùy thuộc hành vi vi phạm do họ thực hiện.
Ngoài bị xử phạt hành chính, nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi đó sẽ bị phạt theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:
- Phạt tù từ 01- 05 năm hoặc bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng đối với những người thực hiện một trong các hành vi: (i) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; (ii) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm của động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; (iii) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Trong đó, hành vi khác có thể là không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không tiến hành cách ly người bị nhiễm bệnh... khiến dịch bệnh dễ dàng bị lây lan...
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: (i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; (ii) Làm chết người.
- Phạt tù từ 10 - 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Làm chết 02 người trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông tại Điều 288. Theo quy định tại Điều luật này thì người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ một số trường hợp: (i) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 117); (ii) Làm nhục người khác (Điều 155); (iii) Vu khống (Điều 156) và (iv) Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326). Như vậy, với hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự[3].
Ảnh: Internet